Thể thao Việt Nam nguy cơ trắng tay

Thể thao Việt Nam nguy cơ trắng tay
TP - Việc hai gương mặt được kỳ vọng rất nhiều là Trần Lê Quốc Toàn và Hà Thanh không giành được huy chương trong ngày thi đấu hôm qua đẩy TTVN đối mặt với nguy cơ trắng tay.

> Quốc Toàn tan mộng huy chương Olympic 2012

Trần Lê Quốc Toàn không thể vượt qua khó khăn và áp lực tâm lý để giành huy chương
Trần Lê Quốc Toàn không thể vượt qua khó khăn và áp lực tâm lý để giành huy chương .

Rạng sáng 30-7, từ Trưởng đoàn Lâm Quang Thành, phó đoàn Nguyễn Đức Phấn đến một số thành viên khác trong đoàn TTVN đều đổ dồn đến nhà thi đấu Excel để cổ vũ cho Trần Lê Quốc Toàn.

Gương mặt ai nấy đều căng thẳng, nhất là 2 lần Toàn rớt tạ ở 2 lần cử giật đầu. Rất may ở lần cử giật thứ ba, trong sự cổ vũ đến rung nhà thi đấu của khán giả Anh, Toàn đã thành công với mức tại 125kg, mọi người thở phào.

Niềm hy vọng theo đó được nhân lên và càng lớn hơn khi Toàn thành công ở 2 mức tạ ở nội dung cử đẩy lần lượt là 155kg và 159kg.

Điều đáng nói là trong lúc Toàn thành công thì các VĐV khác cũng thành công nên ai cũng nhìn thấy khó khăn và vì thế việc Toàn thất bại ở mức tạ 162kg và chỉ đứng hạng tư chung cuộc, không giành được huy chương là điều đã được dự liệu.

Có theo dõi trực tiếp buổi thi đấu của hạng cân 56kg, nhóm A mới thấy tất cả đều rất căng thẳng vì trước đó sự xuất hiện đầy bất ngờ của VĐV Triều Tiên Om Yun Chol đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của toàn bộ VĐV nhóm A có Quốc Toàn thi đấu.

Trong buổi sáng VĐV Triều Tiên này đã đẩy được mức tạ tổng trọng lượng là 293kg, phá kỷ lục Olympic ở động tác cử đẩy.

Theo Trưởng bộ môn cử tạ, Tổng cục TDTT Đỗ Đình Kháng thì năm 2011 ở giải VĐ thế giới VĐV này đã xuất hiện nhưng vì là VĐV trẻ và chỉ đứng thứ 6, trong khi cũng giải đấu đó Triều Tiên lại có VĐV cực mạnh, đàn anh của Om Yun Chol nên ít ai để ý đến VĐV này.

Đến Olympic lần này thì không ai hiểu vì lý do gì mà một VĐV trẻ lại bùng nổ dữ dội như thế.

Trên thế giới cũng ít khi xảy ra tình trạng một VĐV nhóm mà vươn lên giành HCV như trường hợp này. Trong mấy chục năm “ăn, ngủ” cùng cử tạ, ông Kháng chỉ thấy trường hợp thứ nhất là ở giải vô địch châu Á trẻ năm 2005, đô cử Hoàng Anh Tuấn ở nhóm B đã vươn lên đoạt HCV và đây là lần thứ hai.

Dù rất tiếc nhưng khi nói về thất bại của Toàn, trưởng đoàn Lâm Quang Thành cho rằng Toàn đã nỗ lực tối đa nhưng sự xuất hiện bất ngờ của VĐV Triều Tiên Om Yun Chol, VĐV sau đó đã giành HCV, phá kỷ lục Olympic hạng cân 56kg, dù chỉ thi đấu ở nhóm B đã làm đảo lộn tất cả nhóm A và gây áp lực nên toàn bộ nhóm A trong đó có Trần Lê Quốc Toàn.

Lãnh đội Đỗ Đình Kháng cũng nhận định áp lực từ Om Yun Chol đã ảnh hưởng đến thành tích của tất cả các VĐV trong vòng tranh chấp huy chương ở nhóm A.

Ngay cả ĐKVĐ thế giới Wu Jingbiao cũng không thi đấu thành công khi chỉ đạt mức 289kg dù bình thường VĐV này thường xuyên vượt qua mức 292kg.

Ở đây có thể thấy rõ, thất bại của Toàn là do cử giật chưa tốt, trong có nguyên nhân từ chọn mức khởi điểm chưa chuẩn và cốt lõi của điều này lại là do áp lực từ thành tích của Om Yun Chol.

Trung Dũng từ London

Nội dung thể dục tự do, VĐV Hà Thanh chỉ được 12.466 điểm, xếp hạng 71 và bị loại. Ở nội dung nhảy ngựa nữ sở trường, Hà Thanh được 13.533 điểm, đứng thứ 12 và nhận suất dự bị thứ ba. Trong nội dung này tám VĐV đứng đầu sẽ vào chung kết trong đó mỗi nước chỉ có tối đa hai VĐV. Dựa theo tiêu chuẩn này, Hà Thanh được đôn lên nhận suất dự bị thứ ba do Canada có 3 VĐV xếp hạng 7, 8 và 11. Tuy nhiên, cuối cùng Hà Thanh vẫn bị loại.

Ở môn cầu lông, cây vợt số 1 VN Nguyễn Tiến Minh đã có khởi đầu khá tốt bằng trận ngược dòng giành chiến thắng trước đối thủ người Bỉ Yuhan Tan 2-1 (17/21, 21/14, 21/10) trong trận đấu diễn ra vào rạng sáng 30-7. Ở trận tới, Tiến Minh sẽ gặp Kashyap Parupalli (Ấn Độ, hạng 21 thế giới). Nếu thắng, cây vợt Việt Nam sẽ đoạt vé duy nhất của bảng D vào vòng 1/16.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG