Kharkov trong mắt phóng viên nước ngoài

Kharkov trong mắt phóng viên nước ngoài
TP - Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, chưa bao giờ là “thánh địa” của bóng đá đỉnh cao, cho dù tại đây có CLB Metalist (Thợ luyện kim), thời hoàng kim từng nhiều năm thi đấu ở giải Ngoại hạng Liên Xô, có lúc đoạt Cúp Quốc gia và Siêu cúp Xô-viết, ghi chép của nhà báo Hungary, Ujlaky István.

> Đi xem Euro, trở về trong quan tài?

CĐV Hà Lan diễu hành trên đường phố Kharkov
CĐV Hà Lan diễu hành trên đường phố Kharkov.

Tuy nhiên, cùng với việc Ukraine được đồng tổ chức Euro 2012, Kharkov cũng có dịp trở mình, mở cửa với thế giới, đúng như tiêu chí của UEFA: cần đưa bóng đá về những vùng miền để tất cả có cơ hội hòa nhập vào guồng quay của châu Âu.

Một thời, Kharkov, nằm cách Kiev 700km, từng là địa điểm cực đông của bóng đá châu Âu.

Sân vận động (SVĐ) và vùng lân cận mang dáng dấp một thị trấn tỉnh lẻ, có điều mỗi góc phố lại có một cảnh sát và gần như mỗi nơi như vậy lại kèm một tình nguyện viên (TNV) là các sinh viên thạo tiếng Anh.

Đây là điều cần thiết cho kỳ Euro lần này, không phải chỉ người Ba Lan và Ukraine nghĩ vậy.

Đến Kharkov bằng máy bay cũng không đơn giản, chặng chuyển tiếp ở Kiev khá tốn thời gian, phải mất hơn nửa ngày mới rời khỏi được phi trường tại đó.

Đường về tới thành phố cũng khá lạ: không có mấy phi trường mà từ đó có thể đi ôtô chạy điện (trolleybus) vào trung tâm. Kharkov là như thế, cho dù đương nhiên có thể đi taxi hoặc xe buýt nữa, nhưng đi phương tiện công cộng mới thích.

Những TNV nhiệt tình cổ động mọi người cứ đi lại thoải mái, không cần vé, miễn là hôm đó có trận đấu và khách có vé vào sân.

Như thế việc đi lại cũng rất tiện lợi và thành phố thì không đến nỗi quá tệ như trên những tấm ảnh xám xịt mùa đông mà tôi đã xem khi còn ở nhà.

Tất nhiên Kharkov không đẹp như Florence của Ý, nhưng cũng không đến nỗi nguy hiểm như một số tờ báo đưa tin, cho dù góc phố nào cũng có cảnh sát.

Kharkiv- mỗi góc phố có một cảnh sát. Ảnh: Ujlaky István
Kharkiv- mỗi góc phố có một cảnh sát. Ảnh: Ujlaky István.

Đa phần họ chả có việc gì phải làm, có khi chỉ mệt mỏi vì phải mỉm cười liên tục, chẳng hạn, với một nhóm CĐV Đức tán tụng Ukraine, rồi xoay sang ca ngợi Shevchenko.

Cư dân địa phương biết rõ rằng sẽ phải còn rất lâu may ra họ mới có một dịp hội hè tương tự và như thế, trong chừng mực có thể, họ gắng sức hòa mình vào dòng “chủ lưu” và cảm thấy rất hài lòng, dễ chịu trong đó.

Không chịu ở trong nhà, nhiều người ra đường chỉ để ngắm dòng người tràn về phía SVĐ, chuyện trò như pháo rang.

Sự tò mò hiếu kỳ ấy không có gì lạ, vì một thống kê cho thấy 77% cư dân Ukraine chưa bao giờ đặt chân ra nước ngoài và một phần ba thì còn chưa hề ra khỏi vùng mình sinh sống.

Nếu bỏ cư dân Kiev khỏi thống kê nói trên thì tỷ lệ này chắc chắn còn tệ hơn thế nhiều!

Và điểm son là tại đây, các CĐV nước ngoài không hề gây gổ với nhau, ai nấy đều đánh giá cao các TNV được điều động từ nhiều trường đại học trong thành phố.

Trước trận thư hùng Đức và Hà Lan vào buổi tối, hai người Đức lạc vào một nhóm CĐV Hà Lan và nhận được lời đùa hóm hỉnh “chúc các cậu trong trận đấu cuối cùng của giải”. Rồi tất cả cùng nhau phá lên cười, không chút tị hiềm.

Có thể bầu không khí hữu nghị ấy chỉ diễn ra vào chiều 14-6, nhưng chứng kiến hình ảnh nhóm CĐV Hà Lan hô vang trong sân “Ukraine! Ukraine!”, dường như có thể kết luận rằng, thế là ổn! Cần, rất cần một giải Euro ở vùng Đông Âu xa xôi thế này!

Hoàng Tuấn
Từ Hungary

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh hưởng thần kinh, đột quỵ, ung thư vì ô nhiễm không khí
TPO - Ở trẻ em và cả người lớn, khi tiếp xúc ngắn hạn hay dài hạn với ô nhiễm không khí có thể dẫn đến giảm chức năng phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và hen suyễn nặng hơn. Bằng chứng mới nổi cũng cho thấy ô nhiễm không khí xung quanh có thể ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường và sự phát triển thần kinh ở trẻ em.