Trị bệnh thiếu văn hóa của cầu thủ

Trọng tài Quốc Hưng rút thẻ đỏ phạt Danh Ngọc do có hành vi thiếu văn hóa Ảnh: VSI
Trọng tài Quốc Hưng rút thẻ đỏ phạt Danh Ngọc do có hành vi thiếu văn hóa Ảnh: VSI
TP - Trong thời gian gần đây, những hành vi thiếu văn hóa trên sân cỏ của các cầu thủ đang có xu hướng rộ lên tại V-League mà mới đây nhất là sự cố của Danh Ngọc (V.NB) ở vòng 10 và Quốc Long (HN T&T) ở vòng 11.

> Khi “chửi thề” là chuyện… bình thường của cầu thủ

Sở dĩ xảy ra tình trạng như vậy là do lâu nay ở các đội bóng, việc giáo dục cầu thủ gần như không được quan tâm một cách chu đáo. Phần lớn các cầu thủ đều chưa được học hành đến nơi đến chốn.

Đến khi vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp, các ông bầu, các HLV lại thường chỉ chạy theo thành tích trước mắt mà gần như buông lỏng công tác giáo dục văn hóa đối với các cầu thủ, đặc biệt là các cầu thủ trẻ.

Chính vì thế các CLB hiện nay thường đổ tiền tỷ để treo thưởng đội bóng thắng bằng mọi giá nhưng hình như chưa bao giờ đề ra các chế tài đối với các cầu thủ có hành vi thiếu văn hóa hay có lối đá bạo lực.

Ngay cả khi các cầu thủ vi phạm, nhiều CLB còn đứng ra bao che hoặc làm đơn xin giảm án. Chính vì vậy, các cầu thủ càng được thể hơn và ngang nhiên thể hiện những hành vi thiếu văn hóa trên sân cỏ.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là do các cầu thủ đang nhờn thuốc với những bản án kỷ luật của VFF.

Cách đây hai mùa giải, sau hành vi vái lạy trọng tài và nhận án treo giò 6 trận từ Ban kỷ luật, Công Vinh tuyên bố “không được giảm án sẽ treo giầy”. Thế rồi án sau đó được Ban giải quyết khiếu nại giảm xuống thật và Công Vinh chỉ còn bị treo giò 3 trận.

Hay như Danh Ngọc trước đây cũng từng lĩnh án treo giò 6 trận vì sử dụng ngón tay thối, nhưng cuối cùng lại được giảm xuống còn 4 trận, cách xử lý gián tiếp tiếp sức cho Danh Ngọc tiếp tục tái phạm để rồi phải nhận án mới với cùng một khung phạt về “hành vi phản cảm”?

Đầu mùa giải năm nay, hậu vệ Hồng Tiến của HN T&T cũng có hành động phản cảm khi chỉ tay xuống vùng kín khi đứng trước khán giả xứ Nghệ ở vòng 3.

Thế nhưng không có ai nhìn nhận vấn đề của Hồng Tiến như một mầm bệnh với hành động phản cảm đó. Không có án kỷ luật nào dành cho Hồng Tiến và sự việc đã bị lờ đi một cách khó hiểu.

Phải chăng, chính việc không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trước đó, các bản án kỷ luật đưa ra vẫn còn ở mức nhẹ, chưa có tính răn đe (sau đó còn giảm xuống) khiến cho các cầu thủ chưa biết sợ và sinh ra nhờn thuốc?

Đã vậy ở trên sân, các trọng tài cũng chưa ứng xử đúng với tư cách và trọng trách của mình, để làm gương sáng cho các cầu thủ. Đặc biệt, cách xưng hô của trọng tài trên sân cũng là điều đáng phải xem xét.

Nếu như vòng 4 V-League tiền vệ Tấn Tài từng tố trọng tài Bùi Quang Thông xưng hô như ngoài chợ búa: “Mày có thích ra ngoài không, tao cho mày thẻ đỏ bây giờ”, thì tại vòng 11 V-League, hậu vệ Quốc Long lại vạch tội trọng tài Ngô Quốc Hưng dọa nạt cầu thủ trên sân: “Mày có muốn nghỉ đá giống thằng Danh Ngọc không?”.

Chưa biết những lời vạch tội của Tấn Tài, Quốc Long có độ chính xác đến đâu nhưng nếu các ông vua sân cỏ phát ngôn đúng như lời của 2 cầu thủ này kể lại, thì quả là một điều đáng lo trong cách xưng hô của lực lượng cầm cân nảy mực trận đấu.

Các cụ ta ngày xưa có câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nói gì thì nói trọng tài cũng là bậc đàn anh, thậm chí đáng tuổi cha chú đối với các cầu thủ trên sân, phải xưng hô thế nào để cho cầu thủ nể phục là vấn đề mà các ông vua sân cỏ cần phải suy nghĩ.

Để giảm thiếu, tiến tới xóa bỏ hành vi thiếu văn hóa của cầu thủ trên sân, rất cần sự chung tay tăng cường việc giáo dục văn hóa cho các cầu thủ, nhất là các cầu thủ trẻ từ mọi bộ phận liên quan: VFF, BTC giải, các ông bầu, CLB lẫn lực lượng trọng tài.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG