Chiếc cần tre và con cá mập

Chiếc cần tre và con cá mập
Khi VPF ra đời, nó là một làn gió mát thổi qua một nền bóng đá đang khô cằn trong sự quản lý khá bế tắc của VFF.

Ngẫm cũng lạ. Khi VPF ra đời, điều mà cộng đồng bóng đá chờ đợi nhiều nhất ở các ông bầu chính là sự đột phá của họ vào những gì mà VFF đã làm. Bóng đá Việt Nam cần ở họ điều đó. Không thể cứ vo tròn mọi thứ như VFF suốt 10 năm của bóng đá chuyên nghiệp.

Lúc VPF khởi đầu cuộc chiến bản quyền truyền hình cũng vậy. Họ được ủng hộ bởi ai cũng thấy, thời hạn 20 năm là khá vô lý dù ở thời điểm ký hợp đồng, VFF có những cách để lý giải thuận tai. Tuy nhiên, cách mà VPF tiến hành “cuộc chiến” thực sự là cơn bão cấp 12. Những phát biểu chát chúa của bầu Kiên, những bước đi quyết liệt và đôi khi có cảm giác VPF vượt quá thẩm quyền của mình. Dư luận bị chia làm đôi, người ghét chẳng kém người ủng hộ, nhất là sau khi có kết luận của thanh tra về hợp đồng VFF-AVG.

Nhưng, công bằng mà nói, với những gì đang diễn ra từ phía AVG, bóng đá Việt Nam đang được hưởng lợi. Không thể cố thủ để bảo vệ tính độc quyền của hợp đồng, AVG phải chia sẻ “miếng bánh” ấy cho các đài khác. Trong chừng mực nào đó, những nỗ lực của VPF đã có những bước tiến đáng kể. Hợp đồng AVG-VFF không còn được giữ nguyên, nó sẽ được điều chỉnh. Và người ta chờ đợi VPF sẽ tung ra một cơn “siêu bão” hay chấp nhận với tình hình hiện tại.

Trong cách tiến hành “cuộc chiến” của mình, VPF không được lòng tất cả. Tuy nhiên, như chúng ta vẫn hay nói, cách làm không quan trọng bằng mục đích. Vấn đề là cái mà bóng đá Việt Nam sẽ có được sau “cuộc chiến” đó. Nếu VPF không khơi mào, tất nhiên là sẽ chẳng có “cuộc chiến” nhưng sự độc quyền của AVG trong 20 năm tới rồi cũng sẽ tạo nên mâu thuẫn. Không sớm thì muộn cũng sẽ có “cuộc chiến” khác.

Trước khi muốn hiểu tại sao VPF quyết giành cho được bản quyền truyền hình, hãy xem những gì mà bóng đá Việt Nam đang có từ các nguồn thu của mình. Năm 2011, nhà vô địch Việt Nam SLNA không thu quá 200 triệu tiền từ quảng cáo. Một loạt đội bóng như Khánh Hòa, ĐT.LA, Ninh Bình… phải chấp nhận gắn tên của doanh nghiệp mình lên áo vì không tìm ra nhà tài trợ.

Bình Dương hay HA.GL có những hợp đồng quảng cáo áo cao giá nhưng đấy hoàn toàn là do mối quan hệ làm ăn “bánh ít đi, bánh qui lại” chứ không phải là tài trợ đúng nghĩa. Trong cơ cấu ngân sách hoạt động hiện tại, nguồn quảng cáo, tài trợ “gánh” được đến 20-30% chi phí. Vấn đề là để đạt đến con số đó, phải được truyền hình trực tiếp nhiều trận đấu.

Trong giai đoạn dò dẫm để tìm kiếm doanh thu từ bóng đá theo đúng mô hình chuyên nghiệp “lấy bóng đá, nuôi bóng đá”, có thêm nguồn thu nào thì quý nguồn thu đó. Tiền bản quyền có thể chỉ đem đến cho CLB chưa quá 1% chi phí, nhưng truyền hình lại đóng góp đến 80% giá trị của các hợp đồng quảng cáo. VPF cố gắng giành cho được quyền phát sóng là vì lý do này. Tất nhiên, có người cho rằng các ông bầu của VPF nhắm đến việc thu lợi khi có cá cược bóng đá, nhưng đấy là chuyện không ai biết lúc nào mới đến. Trước mắt, việc tranh đấu bản quyền truyền hình chính là đem lại chiếc cần câu cho các CLB, những cổ đông của VPF.

Không có VPF, các CLB đang đi câu cá mập (doanh thu) bằng những chiếc cần tre. Bán bảng quảng cáo thì chẳng bao nhiêu. Tiền bán vé thì không đủ bù chi phí tổ chức. Tiền từ chuyển nhượng cũng chỉ là “ăn chênh lệch” khi chưa thể đào tạo cầu thủ để bán. Cần câu đã làm bằng… tre mà còn ít nữa chứ. Bấy nhiêu đó chỉ câu được vài còn cá nhỏ, làm sao tóm được cá mập. Nếu sở hữu bản quyền truyền hình, có thể bây giờ vẫn là cần câu tre nhưng biết đâu, sau này lại là một chiếc cần làm bằng cac-bon thượng hạng. Muốn có cá lớn, trước hết phải sắm cần câu thật xịn cái đã. Qui tắc kinh doanh đó phải chăng là cái chúng ta cần ở VPF.

Đấy là vấn đề. Không quá kỳ vọng VPF sẽ kiếm ra tiền thật nhiều cho các CLB nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, cái mà chúng ta tin rằng họ sẽ làm tốt hơn VFF chính là đem lại cho các CLB nhiều hơn nữa những chiếc cần câu thật xịn. Khi ấy, câu như thế nào để dính cá mập là ở sự vận hành của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Một lần nữa, trong cách tranh đấu của mình, các ông bầu VPF có thể khiến nhiều người bực mình và chuyển từ cảm giác quý mến thành ghét bỏ. Nhưng nếu thật sự mục đích của họ là cụ thể và được các CLB tán thành, thì hãy cho họ thêm cơ hội để tiếp tục đột phá vào bức tường thành cũ kỹ bao năm qua của bóng đá Việt Nam.

Theo SGGP

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG