Đi tìm Idol của bóng đá Việt

Đi tìm Idol của bóng đá Việt
Chúng ta dễ dàng tìm ra cầu thủ có giá chuyển nhượng đắt nhất của BĐVN. Nhưng chưa chắc tìm ra biểu tượng của BĐVN hiện thời.
Văn Quyến đã từng là một thần tượng của bóng đá Việt Nam
Văn Quyến đã từng là một thần tượng của bóng đá Việt Nam.

Cảm xúc nuối tiếc hay biểu tượng?

Có phải Minh Phương chia tay đội tuyển là chúng ta chia tay một biểu tượng của BĐVN và sẽ chỉ còn thấy cầu thủ này chơi trong màu áo CLB (từ mùa 2011 là SHB.ĐN)? Vì cái tên Minh Phương xuất hiện nhiều nhất trong các thành phần đội tuyển khi thất bại trước nhiệm vụ bảo vệ ngôi vị số 1 Đông Nam Á. Nó như tạo thêm sự tiếc nuối trong bối cảnh các thất bại của đội tuyển vốn dĩ đã bị bi kịch hóa.

Nhưng người viết cũng tự hỏi là giữa hai cuộc chia tay của BĐVN trong khoảng một thập niên qua mà người hâm mộ được chứng kiến thì thông điệp nào rõ ràng nhất?

Năm 2004, Huỳnh Đức, tiền đạo được cho là số 1 của VN trong thời gian dài, chia tay đội tuyển sau thất bại đau đớn ở đấu trường Tiger Cup mà nay gọi là AFF Cup cũng ở trên sân Mỹ Đình.

Cuộc chia tay của Huỳnh Đức khi ấy đã tạo nên một sự hỗn loạn giữa chia sẻ, cảm thông và cả nuối tiếc (dù biết rằng phong độ của anh ở thời điểm đó chẳng còn xứng để tiếp tục khoác áo đội tuyển). Phải có mặt trên sân Mỹ Đình ngày ấy mới cảm nhận được, là cả giới truyền thông và người hâm mộ đều không nghĩ nhiều tới việc ĐTVN chia tay giải sau một trận thắng thủ tục trước Lào, mà tập trung vào cuộc chia tay của Lê Huỳnh Đức. Phải mất gần một tiếng đồng hồ sau trận đấu, Huỳnh Đức mới lên được xe rời Mỹ Đình sau khi anh ba lần vượt qua vòng vây của báo chí và người hâm mộ từ trong cho tới ngoài sân.

Minh Phương thì giữ kín kế hoạch chia tay của mình trong phạm vi đội tuyển, nhưng rõ ràng là trong cả sự nghiệp xuất sắc của mình, Minh Phương chỉ có khá ít khoảnh khắc để vượt lên số đông để trở thành biểu tượng: đó là cú đá phạt cho Công Vinh đánh đầu ghi bàn trận chung kết AFF Cup 2008 và mới đây, trong năm 2010 là một số cú sút xa cũng như sút phạt thành bàn.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng…

Bóng đá và công nghệ lăng-xê

Đặt Minh Phương bên cạnh Công Vinh càng làm cho tính biểu tượng của tiền vệ sinh năm 1980 trở nên thiếu rõ ràng dù cho những khía cạnh mà tiền đạo người Nghệ An này đại diện lại nghiêng nhiều hơn về phía tranh cãi.

Công Vinh là một cầu thủ giỏi, nhưng anh đã là một cầu thủ lớn?
Công Vinh là một cầu thủ giỏi, nhưng anh đã là một cầu thủ lớn?.

Trong các cuộc tranh cãi về Công Vinh, gây nhiều tranh cãi nhất là việc Vinh có phải là một cầu thủ lớn của những trận đấu lớn? Hay anh còn rất khéo trong cách tạo hình ảnh thương hiệu? Và phải chăng Vinh chính là sản phẩm của thời kỳ đã ghi nhận sự tồn tại của một thứ công nghệ, tạm gọi, là đánh bóng?

Bóng đá cũng có công nghệ của riêng nó trong hệ thống các công nghệ lăng-xê chung của mọi lĩnh vực. Nhưng nó không có micro, mixer và càng không có “hát nhép”. Bóng đá là cuộc chơi trần trụi, khi anh thi đấu ở trên sân, thì tất cả đều phơi bày, trong đó có cả tính cách. Sự cố lạy trọng tài của Công Vinh ở trên sân Cao Lãnh là một hành vi thuộc dạng này.

Công Vinh được coi là một cầu thủ hiếm hoi mà sự khéo léo của anh ở ngoài đời còn hơn cả sự khéo léo trên sân cỏ. Công Vinh cũng là một trong những cầu thủ hiếm hoi học được cách tiếp cận với công nghệ lăng-xê của giới giải trí (bạn gái anh, ca sĩ Thủy Tiên được cho là một “sản phẩm” thứ thiệt của công nghệ dạng này). Vậy nhưng anh vẫn chưa thể tạo nên sự khác biệt. Bởi, một ca sĩ gây tranh cãi có thể nổi tiếng, nhưng một cầu thủ gây tranh cãi chưa chắc đã giúp được anh ta ở trên sân cỏ. Bằng chứng là sau khi được nhắc tới nhiều qua chuyến du học ở bóng đá Bồ Đào Nha, Công Vinh là cầu thủ có ít đóng góp nhất trong thành tích vô địch của CLB HN.T&T.

Có thể cho rằng một phần nguyên nhân khiến cho Công Vinh chưa đạt được sự thừa nhận rộng rãi, vì anh trưởng thành từ một địa phương bóng đá có quá nhiều đố kỵ. Thực tế chỉ rõ, các cầu thủ thuộc lò Sông Lam thường bị “anti”- ghét bỏ. Tuy nhiên, nếu như anh giỏi thực sự, có thể chạm tới ngưỡng hoàn hảo, việc chiến thắng sự đố kỵ liên quan tới nguồn gốc nói trên không phải là điều không thể. Đó là lý do tại sao Văn Quyến trước kia có một lượng “fan” hâm mộ chiếm đa số.

Thông điệp từ những chiếc áo

Khoảng 10 năm trước, có một hình ảnh rất phổ biến, các cậu bé cả ở thành phố lẫn nông thôn tung tăng đến trường trong những chiếc áo có in tên Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh trên lưng, bên cạnh những chiếc áo của các đội bóng, cầu thủ thế giới. Những chiếc áo ấy là vật chứng thể hiện tình yêu và cũng thể hiện khát vọng của thế hệ trẻ thơ muốn được trở thành những Hồng Sơn, Huỳnh Đức trong tương lai.

Đã không còn những chiếc áo đấu in tên của các cầu thủ Việt Nam hiện tại nữa. Không thể đổ lỗi cho các nhà sản xuất, bởi trong lĩnh vực thương mại thể thao này, họ chỉ là những người phục vụ các nhu cầu có sẵn trong xã hội (kiểu kinh tế thị trường), chứ không thể “đèo bòng” thêm chức năng dẫn dắt, định hướng.

Phải chăng, giờ đây chúng ta chỉ có những cầu thủ đủ khả năng chứng tỏ cho xã hội thấy rằng đá bóng đã trở thành một cái nghề kiếm được nhiều tiền?

Theo Thể Thao Văn Hóa

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG