“Iceland, 4 năm trước còn xếp hạng 133 thế giới. Vị trí này đang được nắm giữ bởi Việt Nam”, twitter của Daniel Taylor – cây bút của tờ Guardian so sánh. Tuy nhiên, con số ông đưa ra không chính xác. Theo thống kê của FIFA, thứ hạng thấp nhất của Iceland năm 2012 là hạng 131 thế giới, công bố vào tháng 3 năm đó.
Còn trước đó một năm, Iceland còn xếp dưới cả Việt Nam. Thứ hạng tốt nhất của họ trong năm 2011 là hạng 104, còn Việt Nam là 99. Chỉ sau 5 năm, đội bóng đến từ vùng băng đảo đã lột xác hoàn toàn. Họ liên tục tạo nên bất ngờ khi lần đầu giành quyền dự Euro, vượt qua vòng bảng và mới đây đánh bại tuyển Anh ở vòng 1/8.
Đây là giải đấu lớn đầu tiên mà Iceland đã tham dự. Trong khi đó, Anh đã có 23 lần dự Euro và World Cup. Các CLB của Iceland chưa bao giờ vượt qua vòng loại cúp châu Âu, trong khi đó những đội của Anh đã có 74 lần góp mặt.
Đây thật sự là kỳ tích bởi Iceland đích thị là chàng David bé nhỏ khi so sánh với gã khổng lồ Goliath bởi họ kém đối thủ ở mọi chỉ số thống kê.
Dân số của Iceland chỉ là 330.000 người, so với 54,3 triệu của Anh. Theo FIFA, đội bóng của Lars Lagerback có hơn 32.000 cầu thủ đăng ký, quá ít so với hơn 4 triệu tại xứ sở sương mù.
Nước Anh luôn tự hào là quê hương của bóng đá khi có 73.000 CLB cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, hơn gấp 1.000 lần so với đối thủ. Tổng giá trị các cầu thủ đang chơi ở Premier League lên đến 3,5 tỷ bảng (theo Transfermarkt).
Đây là con số khổng lồ nếu so với mức 13,18 triệu bảng ở Iceland. Thậm chí, số tiền chuyển nhượng Alan Shearer từ Blackburn sang Newcastle cách đây 20 năm còn cao hơn con số này.
Roy Hogdson – HLV tuyển Anh là người nhận lương cao nhất trong số những nhà cầm quân tại Euro với số tiền 3,5 triệu bảng/năm. Nhưng ông đã thua kém hoàn toàn trước người đồng nghiệp Heimir Hallgrimsson – người vốn là một nha sĩ ở Iceland.
Chỉ có một thứ mà Iceland chắc chắn vượt trội Anh là số lượng các núi lửa. Theo thống kê, quốc gia này có 130 núi lửa, trong đó có 30 đang hoạt động. Còn ở xứ sương mù, từ hơn 350 triệu năm nay chưa ghi nhận bất cứ một cuộc phun trào núi lửa nào.
Nhưng chiến tích lịch sử của bóng đá Iceland không phải từ trên trời rơi xuống. Cách đây 2 năm, họ giành quyền tranh vé play-off dự World Cup 2014 nhưng đã bị Croatia đánh bại. Sau bước tiến đó, họ chơi thành công ở vòng loại Euro 2016, đứng đầu bảng đấu có sự góp mặt của Hà Lan, CH Czech và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế hệ cầu thủ Iceland hiện tại là sản phẩm của một cuộc cách mạng bóng đá được thực hiện từ những năm 2000. Quốc gia này có điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi mặt cỏ đóng băng 7 tháng trong năm. Để thay đổi, những người lãnh đạo bóng đá quốc gia này đã đưa ra một kế hoạch phát triển tập thể, ươm mầm cầu thủ từ những cậu bé 5-6 tuổi.
Nếu như trước đây, mỗi thị trấn của Iceland chỉ có vài ba ngôi nhà cùng một cửa hàng nhỏ, thì giờ đây đi bộ không xa bất cứ ai cũng có thể thấy một CLB thể thao hoặc sân bóng. Bức tranh bóng đá của Iceland đã thay đổi đáng kể.
Nhưng bước đi đúng đắn nhất của Iceland là đầu tư vào con người. Năm 2003, số lượng HLV có bằng cấp của UEFA chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến nay, họ đã có 600 HLV chuyên nghiệp, trong đó có 400 người có bằng B của UEFA.
Để dễ hình dung, trung bình cứ 825 người dân Iceland sẽ có một HLV bóng đá. Con số này ở Anh là 11.000 người. Như vậy, ngay từ 5-6 tuổi các cậu bé bắt đầu chập chững chơi bóng đá đã có cơ hội làm việc với chuyên gia thực sự.
Thế hệ hiện tại của Iceland được trui rèn trong môi trường lý tưởng như thế, nhưng ĐTQG này chẳng thể thành công như hiện tại nếu không có HLV Lars Lagerback. Chiến lược gia sinh năm 1948 đã dẫn dắt Thụy Điển 3 lần dự Euro, 2 lần dự World Cup (trong đó có 1 lần cùng Nigeria).
Kinh nghiệm của ông là thứ đội bóng vùng băng đảo đang thiếu. Cuối năm 2011, ông có ý định nghỉ hưu và được Liên đoàn bóng đá xứ Wales ve vãn. Nhưng Iceland đã thuyết phục ông để về làm việc cho mình.
Ông gắn kết các học trò để giúp họ trở thành một đội bóng rất khó bị đánh bại. Sau khi Euro 2016 kết thúc, Lars Lagerback sẽ ra đi để cho đồng HLV Heimir Hallgrimsson toàn quyền dẫn dắt đội tuyển.
Đánh bại Anh chỉ là bước khởi đầu. Giấc mơ bóng đá của người dân vùng băng đảo sẽ còn tiếp tục được nuôi dưỡng và phát triển…