Tình yêu, thuốc giảm đau tuyệt vời!

Tình yêu, thuốc giảm đau tuyệt vời!
TP - Các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh được rằng, tình yêu có thể làm dịu cảm giác đau đớn. Phát hiện quan trọng có thể mở cánh cửa tìm ra tân dược và phương thức mới trong cuộc chiến với cảm giác này.

> Bệnh của nụ hôn

Như kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ thuộc Đại học Stanford và Đại học bang New York (SUNY) ở Stony Brook thực hiện, tình yêu tác động những kênh già nhất trong não bộ, đẩy chủ sở hữu vào trạng thái hưng phấn tới mức, không ai nghĩ đến đau đớn.

Tình yêu, thuốc giảm đau tuyệt vời! ảnh 1

Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, nỗi đau, mà những người tham gia thí nghiệm cảm nhận giảm thiểu, khi nhìn vào ảnh “nửa thứ hai”. Chi tiết hơn thế, người ta khám phá ra rằng, tình yêu tác động bằng cùng những kênh tế bào thần kinh não bộ con người huy động để chinh phục những thuốc giảm đau và cai nghiện ma túy mạnh nhất, thí dụ heroin và cocain. Các nhà khoa học hy vọng, việc nghiên cứu chính xác tác động của yêu đương tới những kênh này trong não bộ lý giải không chỉ bản thân hiện tượng tình yêu, mà còn trợ giúp nỗ lực tìm ra cách thức chữa trị đau đớn và nghiện ngập.

Tình yêu, thuốc giảm đau tuyệt vời! ảnh 2

"Đây là thí nghiệm rất thú vị, việc quan sát những tương đồng giữa sự hiểu biết của chúng tôi về các cơ chế đau đớn và tình yêu" - TS Sean Mackey, chủ nhiệm Khoa nghiên cứu Đau đớn Trường Y, Đại học Stanford, thành viên nhóm nghiên cứu giải thích.

Theo GS Arthur Aron, chuyên gia Tâm lý xã hội (SUNY Stony Brook), nhà khoa học cộng tác cùng TS Mackey, tình yêu tác động lên cùng những hệ thống trong não bộ như những trải nghiệm thú vị với cường độ mạnh, thí dụ trúng số độc đắc. Đã 30 năm nghiên cứu về tình yêu, song cách đây 5 năm GS Aron mới nảy ra ý tưởng mổ xẻ trạng thái đau đớn, khi ông tình cờ được ban tổ chức phân công nghỉ cùng phòng với TS Mackey trong thời gian GS Aron tham gia cuộc hội thảo khoa học quan trọng về thần kinh học ở Washington.

Tình yêu, thuốc giảm đau tuyệt vời! ảnh 3

- Chúng tôi nhanh chóng tìm được tiếng nói chung – GS Aron nhớ lại. Tranh luận về các kênh não bộ đã nghiên cứu, cả hai ý thức được rằng, họ nói về cùng một vấn đề. Chính khi ấy họ đã quyết định khám phá chính xác hơn mối quan hệ giữa tình yêu và đau đớn.

Tháng Bẩy 2007 nhóm nghiên cứu bắt đầu tuyển chọn người tham gia thí nghiệm trong sinh viên Đại học Stanford. – Đó là cuộc tuyển chọn dễ nhất tôi đã thực hiện trong cuộc đời – TS Mackey nhận xét. Thông báo được dán tại các tòa nhà trường đại học và thành phố sinh viên và các cặp yêu nhau đã rồng rắn xếp hàng gõ cửa trụ sở chương trình thí nghiệm.

Tình yêu, thuốc giảm đau tuyệt vời! ảnh 4

TS Sara Parke (Đại học Stanford), nhà khoa học thời gian đó là trợ lý phòng thí nghiệm của TS Mackey nhớ lại, đám sinh viên chủ động tìm gặp bà và hỏi han về quá trình thí nghiệm. – Những cá nhân đã tham gia thí nghiệm của chúng tôi rạng ngời – TS Parke nói thêm, mọi người say sưa săm sỏi hình ảnh não bộ người yêu của mình. – Họ “tấn công” chúng tôi bằng hàng loạt câu hỏi dạng: “Tôi đã si tình?”, “Đối tác có yêu tôi?”, “Liệu chúng tôi có vĩnh viễn gắn bó với nhau?”.

Nhờ số lượng đông đảo sinh viên sẵn sàng tham gia, các nhà khoa học đã có khả năng thực hiện việc chụp hình não bộ những cá thể được xác định si tình mãnh liệt và đồng thời đã đạt được số điểm cao nhất trong “thang bậc tình yêu say đắm” (PLS, Passionate Love Scale) – thước đo mức độ tình cảm lãng mạn chuẩn mực.

Để có thể quan sát những cá thể si tình mãnh liệt nhất, các nhà khoa học đã quyết định tuyển chọn duy nhất đối tượng đã có người yêu không lâu hơn chín tháng.

Cũng may, khi tất cả những người tham gia nghiên cứu – tám nữ sinh viên và bẩy nam sinh viên – đều hạnh phúc với mức tôi đa có thể, bởi bước tiếp theo sau đánh giá sức mạnh tình cảm của họ là “trạng thái đau đớn rất khó chịu”, TS Jarred Younger, thành viên nhóm nghiên cứu khẳng định.

Việc tạo đau dựa trên cơ chế: tình nguyện viên có nhiệm vụ phải nắm trong tay mẫu vật được hun nóng, và trong thời gian đó các nhà khoa học tăng dần nhiệt độ của nó tới giới hạn chịu đựng. Mức độ đau được đánh giá trên thang điểm từ zero đến 10, trong đó zero có nghĩa “không đau”, điểm 10 – “đau không thể tưởng tượng”. Tiếp theo các nhà nghiên cứu đã phục hồi lần lượt trên các mức độ zero, bốn và bẩy, đồng thời với sự trợ giúp của máy chụp X quang để quan sát những thay đổi diễn ra trong não bộ người tham gia, đối tượng đã nhìn người yêu của mình trên ảnh hoặc những người được coi là quyến rũ.

Những người tham gia thí nghiệm đã cảm nhận đau đớn không đáng kể, khi nhìn đối tác của mình trên ảnh. Đồng thời trước đó càng nghĩ nhiều về nửa thứ hai của mình, sự nguôi ngoai trong nỗi đau càng lớn. Như TS Younger bổ sung, những sinh viên trước khi bắt đầu trắc nghiệm nghĩ về đối tác của mình nửa ngày dài hơn, cảm thấy nỗi đau thậm chí chỉ nhỏ bằng một phần ba đối tác đối chứng.

TS Parke nhớ lại một trường hợp ông đã nghiên cứu, nhân vật yêu đến cuồng si “nửa thứ hai” của mình. – Những câu trả lời của anh ta trong tờ khai về thang bậc tình yêu say đắm thật khôi hài. Với tất cả câu hỏi đối tượng đều đặt điểm tối đa.

Thực tế tìm hiểu sau đó cho thấy: chính nhân vật ấy từng cảm thấy khuây khỏa nhất trong nỗi đau, TS Parke khẳng định. Mối quan hệ của anh với nữ đối tác ấy kéo dài đã vài năm, và họ “vẫn rất thỏa mãn với mối quan hệ”.

Tuy nhiên các thành viên tham gia nghiên cứu cũng cảm thấy ít đau đớn hơn, khi tham gia các trò chơi chữ mang tính liên tưởng, thí dụ trả lời những câu hỏi dạng: “Những môn thể thao nào không dùng bóng?”. Hiện tượng phân tán tư tưởng có thể giảm thiểu cảm giác đau đớn đã biết từ lâu.

Bước tiếp theo là so sánh ảnh chụp não bộ hai nhóm – những người tham gia si tình và đối tượng bị phân tán tư tưởng vì những vấn đề khác. – Chúng tôi đã nhận được kết quả thật thú vị - TS Mackey kể lại. – Tình yêu đã thu hút tất cả các địa bàn não bộ, mà chúng tôi dự đoán, tuy nhiên có điều thú vị: tình yêu tác động theo cách khác hẳn phân tán tư tưởng.

TS Mackey so sánh não bộ với thiết bị âm thanh stereo được trang bị bộ tăng âm là tình yêu hoặc phân tán tư tưởng. Cách thức chúng ta nhìn nhận cảm giác đau tùy thuộc vào công suất bộ tăng âm – thiết bị có thể hoạt động độc lập, nhà khoa học giải thích.

Tuy nhiên trái với phân tán tư tưởng, tình yêu tận dụng kênh trao thưởng. Và toàn bộ ý nghĩa chinh phục đau đớn ẩn giấu ở đây. Một khi não bộ của chúng ta không làm được điều này, chúng ta sẽ không tham gia bất cứ việc gì khả dĩ gây ra cảm giác khó chịu, dù nhỏ nhất.

Kiến thức về sức mạnh tác động của kênh trao thưởng có thể hỗ trợ quá trình điều chế thuốc giảm đau với tác dụng phụ ít hơn và thậm chí cả nỗ lực tìm kiếm những phương thức hành vi chữa trị đau đớn.

- Đơn giản, tôi có thể cứ nửa năm lại kê đơn tình yêu tràn ngập đắm đuối cho tất cả bệnh nhân của mình – TS Mackey mỉm cười, nhưng giây lát sau lại nói thêm: tuy nhiên “bước chân ra khỏi nhà và làm việc gì đó mới mẻ, tìm kiếm sở thích mới” vẫn là phương thức giảm thiểu đau đớn thực tế nhất.

Dẫu vậy các nhà nghiên cứu Mỹ vẫn nhấn mạnh, tình yêu lãng mạn không phải lúc nào cũng mang lại tốt đẹp. – Tình yêu đơn phương là tai họa thực sự - GS Aron nhấn mạnh. Thực tế chúng ta yêu ai là vấn đề hoàn toàn tình cờ, tuy nhiên tình yêu bị từ chối là nguyên nhân chính các hành động tự tử và bệnh trầm cảm. Trường hợp thậm chí tình yêu được đáp ứng, song cũng có thể trở thành tai họa – nếu rơi vào dạng “bi tình Romeo và Juliét”, GS Aron bổ sung.

Câu chuyện những cặp trẻ vị thành niên yêu nhau đến mức mù quáng, những kẻ có thể hy sinh mạng sống vì tình yêu không phải là sản phẩm hư cấu văn học không có cơ sở. Theo TS Mackey, không hiếm đối tượng trẻ tuổi “yêu nhau đắm đuối đến mức quên hết mọi chuyện trên đời”. Hệ quả, họ có thể làm đủ mọi chuyện ngu ngốc – kể cả gây hậu họa chết người.

Tình yêu sử dụng cùng hệ thống trao thưởng, mà các hợp chất gây nghiện sử dụng, thế nên thiếu sự kiểm soát hệ thống này có thể dẫn đến không ít tình trạng bi đát.

Thực tế tình yêu tác động lên não bộ chúng ta giống như các hợp chất gây nghiện có thể giúp các nhà khoa học trong nghiên cứu cơ chế nghiện ngập, TS Younger khẳng định. Không thể đòi hỏi tình nguyện viên tham gia nghiên cứu sử dụng heroin hay cocain phục vụ mục đích kiểm tra phản ứng của não bộ đối tượng, tuy nhiên có thể tìm được đối tượng si tình, để nghiên cứu cùng những kênh đó trên não bộ.

Quan sát não bộ những đối tượng si tình giúp giới nghiên cứu hiểu rõ mối quan hệ giữa con người với nhau. Thời gian tới khoa học còn nghiên cứu những dạng tình yêu khác, như tình yêu mẫu tử hoặc tình yêu vợ chồng lâu năm.

Theo Khuê Minh
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG