Thiếu máu và cách phòng ngừa

Thiếu máu và cách phòng ngừa
TPO - Thiếu máu là một bệnh thái không có đủ các hồng cầu khỏe mạnh để chuyên chở đủ ôxy cho mô, khiến bạn cảm thấy mệt nhọc.
Thiếu máu và cách phòng ngừa ảnh 1

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu, có thể do thiếu sắt, thiếu vitamin, mất máu, bệnh mạn tính hay bệnh mắc phải, cũng có thể là do tác dụng phụ của một loại thuốc… Thiếu máu có thể tạm thời hay lâu dài, có thể từ nhẹ đến nặng.

Thiếu máu cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh nặng như ung thư hay bệnh thận.

Dấu hiệu và triệu chứng

Triệu chứng chủ yếu của thiếu máu là mệt mỏi, ngoài ra bạn có thể gặp những dấu hiệu sau:

  • Yếu sức
  • Da nhợt nhạt; môi, lợi, móng tay và bàn tay giảm sắc hồng
  • Tim đập nhanh
  • Thở ngắn
  • Đau ngực
  • Choáng váng
  • Hay kích ứng
  • Chân tay tê và lạnh
  • Đau đầu

Ban đầu thiếu máu có thể nhẹ nên không gây chú ý. Các dấu hiệu và triệu chứng tăng lên khi bệnh tiến triển.

Thiếu máu và cách phòng ngừa ảnh 2

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ thiếu máu:

  • Chế độ ăn nghèo nàn: thường xuyên ít sắt và các vitamin, nhất là folat.
  • Rối loạn đường ruột, cắt bỏ hoặc phẫu thuật phần ruột non nơi hấp thu chất dinh dưỡng có thể dẫn tới thiếu hụt chất dinh dưỡng và thiếu máu.
  • Kinh nguyệt. Phụ nữ có nhiều nguy cơ thiếu máu thiếu sắt hơn nam giới do bị mất máu kèm mất sắt hàng tháng trong kì kinh.
  • Thai nghén.
  • Các bệnh mạn tính: ung thư, suy thận, suy gan…
  • Tiền sử gia đình.
  • Một vài bệnh nhiễm khuẩn, bệnh máu, rối loạn miễn dịch, phơi nhiễm hóa chất độc và sử dụng các thuốc có thể tác động xấu đến việc sản xuất hồng cầu và dẫn tới thiếu máu.
  • Bệnh nhân đái tháo đường, người nghiện rượu, người ăn chay nghiêm ngặt,…

Điều trị

Điều trị thiếu máu tùy thuộc vào nguyên nhân:

  • Thiếu máu thiếu sắt: cần bổ sung sắt.
  • Thiếu máu thiếu vitamin: Thiếu máu ác tính được điều trị tiêm vitamin B12. Thiếu máu thiếu acid folic sẽ được bổ sung acid folic.
  • Thiếu máu ở bệnh mạn tính: Tập trung điều trị bệnh nền tiềm ẩn. Nếu các triệu chứng trở nặng thì truyền máu hay tiêm erythropoietin tổng hợp,…
  • Thiếu máu bất sản: Truyền máu để tăng lượng hồng cầu, có thể cần ghép tủy xương hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Thiếu máu liên quan đến tủy xương: Điều trị từ thuốc đơn giản cho đến hóa trị liệu rồi đến ghép tủy xương.
  • Thiếu máu tan máu: Tránh dùng các thuốc nghi ngờ có liên quan đến thiếu máu, điều trị các nhiễm khuẩn liên quan, dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch có thể đang tấn công các tế bào hồng cầu. Nếu bệnh gây sưng lách thì có thể cắt bỏ lách.
  • Thiếu máu tế bào liềm: Dùng ôxy, thuốc giảm đau, các dịch uống và truyền tĩnh mạch để giảm đau và ngăn ngừa biến chứng. Có thể truyền máu, bổ sung acid folic, thuốc kháng sinh, ghép tủy xương.

Phòng ngừa

Nhiều kiểu thiếu máu không phòng ngừa được. Tuy nhiên, có thể phòng tránh thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu thiếu vitamin bằng cách dùng chế độ ăn lành mạnh, luôn thay đổi, chứa các thực phẩm giàu sắt, folat và vitamin B12.

Nguồn sắt tốt nhất là thịt bò, thịt lợn và thịt cừu. Các thực phẩm khác giàu sắt là đậu đỗ, ngũ cốc, lúa mì toàn hạt và mì sợi, rau lá xanh thẫm, trái cây khô, hạt quả hạch và các loại hột. Có thể gặp folat và các dạng tổng hợp của nó, acid folic trong dịch quả chanh, rau và quả tươi, thịt, sản phẩm từ sữa, hạt ngũ cốc và đỗ. Thịt và các sản phẩm từ sữa đều nhiều vitamin B12. Thực phẩm chứa vitamin C giúp tăng hấp thu sắt.

Thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Tuyết Mai

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.