Nhưng nó không chỉ thiếu trong chế độ ăn của thanh thiếu niên mà còn cả trong chế độ ăn của các bậc phụ huynh.
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy sự thiếu hụt này có thể có những tác động xấu qua nhiều thế hệ liên tiếp. Trong mô hình chuột, thiếu hụt omega-3 (có trong các loại thực phẩm như cá, trứng, và động vật ăn cỏ) ở thế hệ thứ hai cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và nhận thức của thanh thiếu niên.
Bita Moghaddam, giáo sư thần kinh học của Trường Đại học Pittsburgh cho biết: “Chúng tôi luôn thừa nhận rằng căng thẳng ở độ tuổi này là tổn thương môi trường chính góp phần vào sự phát triển những bệnh này ở những người có nguy cơ, nhưng nghiên cứu cho thấy dinh dưỡng cũng là một yếu tố lớn. Thiếu hụt trong chế độ ăn có thể làm tổn thương sức khỏe hành vi của thanh thiếu niên, không chỉ vì chế độ ăn của chúng thiếu hụt mà còn vì chế độ ăn của các bậc phụ huynh cũng thiếu hụt.”
“Đây là một mối quan tâm đặc biệt vì tuổi vị thành niên là thời điểm rất dễ phát triển các rối loạn tâm thần bao gồm cả tâm thần phân liệt và nghiện ngập.”
Như báo cáo trên tạp chí Biological Psychiatry, tiến hành các thực nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu đã xem xét “thế hệ thứ hai” của chế độ ăn thiếu hụt omega-3, giả theo thanh thiếu niên ngày nay. Cha mẹ của nhiều thanh thiếu niên ngày nay được sinh ra trong những năm 1960 và 1970, khoảng thời gian mà các loại dầu thiếu omega-3 như dầu ngô và dầu đậu nành đã trở nên phổ biến, và các động vật nuôi ở trang trại chuyển từ ăn cỏ sang ăn ngũ cốc. Vì omega-3 có trong cỏ và các loại tảo, nhiều loại gia súc được nuôi bằng ngũ cốc hiện nay chứa rất ít axít béo thiết yếu này.
Các nhà khoa học đã dùng một tập hợp nhiệm vụ hành vi để nghiên cứu việc học tập và trí nhớ, việc ra quyết định, lo âu, và hiếu động của cả người lớn và thanh thiếu niên. Mặc dù đối tượng có sức khỏe thể chất nói chung là tốt, sự thiếu hụt hành vi ở thanh thiếu niên vẫn thấy rõ trong các đối tượng thế hệ thứ hai bị thiếu hụt omega-3.
Nhìn chung, những thanh thiếu niên này lo âu và hiếu động hơn, học với tốc độ chậm hơn, và có khả năng giải quyết vấn đề kém.
Theo Moghaddam, “Nghiên cứu cho thấy trong khi thiếu hụt omega-3 ảnh hưởng đến hành vi của cả người lớn lẫn thanh thiếu niên, bản chất của sự ảnh hưởng này là khác nhau giữa 2 nhóm tuổi. Chúng tôi đã quan sát sự thay đổi ở các vùng não chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định và hình thành thói quen.”
Nhóm nghiên cứu hiện đang xem xét biểu sinh - một quá trình mà trong đó các vấn đề môi trường ảnh hưởng đến thông tin di truyền - là nguyên nhân tiềm năng. Tương tự như vậy, nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu các chỉ báo của viêm não vì thiếu hụt omega-3 gây tăng axít béo omega-6, đó là các phân tử tiền viêm trong não và các mô khác.
Moghaddam cho biết: “Đáng chú ý là sự thay đổi chế độ ăn uống tương đối phổ biến có thể có tác động qua các thế hệ. Chế độ ăn uống không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến chúng ta trong thời gian ngắn mà còn ảnh hưởng đến con cái của chúng ta.”
Hoàng Thái
Theo FT