Tử vong vì vắc xin viêm gan B: Gửi mẫu ra nước ngoài

Tử vong vì vắc xin viêm gan B: Gửi mẫu ra nước ngoài
TP - Chiều 22/7, sau khi đi kiểm tra thực tế tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, đoàn công tác của Bộ Y tế, do GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, chủ trì đã công bố kết luận bước đầu về nguyên nhân gây tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc xin viêm gan B là: Sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân.

> Trẻ tử vong sau tiêm vắc xin: Chuyên gia tìm nguyên nhân
> Ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B

Đoàn của Bộ Y tế thăm hỏi, động viên và phỏng vấn sản phụ Hồ Thị Du có con tử vong sau khi tiêm vắc xin. Ảnh: H.N
Đoàn của Bộ Y tế thăm hỏi, động viên và phỏng vấn sản phụ Hồ Thị Du có con tử vong sau khi tiêm vắc xin. Ảnh: H.N.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, đúng 14 giờ chiều cùng ngày, rất đông PV báo chí đã có mặt tại Sở Y tế Quảng Trị, tuy nhiên, tất cả đều không được tham dự phiên họp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị và đoàn của Bộ Y tế. Đến 17 giờ, các PV được mời vào phòng họp nghe công bố kết luận ban đầu.

Theo đó, trong buổi sáng, đoàn công tác của Bộ Y tế đến Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa tìm hiểu lại quy trình tiêm phòng, phỏng vấn các sản phụ có con tử vong, làm việc với các khoa phòng chuyên môn của bệnh viện.

Vắc xin viêm gan B được sử dụng tiêm cho trẻ sơ sinh tại Hướng Hóa do Cty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) sản xuất. Vắc xin này được sử dụng từ năm 1997, năm 2003, được sử dụng trên cả nước. Từ năm 2007 đến nay, Vabiotech cung cấp khoảng 4,5-5 triệu liều/năm trước khi sử dụng vắc xin Quinvaxem (tháng 6/2010) và 1,2 triệu liều/năm sau khi sử dụng vắc xin Quinvaxem.

Đoàn cũng tìm hiểu quy trình bảo quản vắc xin, quy trình cấp cứu bệnh nhân sau tiêm vắc xin, đặc biệt là thời gian và phác đồ xử trí sốc phản vệ vắc xin của các bác sĩ tại Hướng Hóa. Đáng chú ý có trường hợp 1 cháu sơ sinh cùng thời gian với 3 trẻ tử vong cũng được tiêm vắc xin cùng lô, nhưng vẫn khỏe mạnh. Cháu bé này đang nằm tại khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa.

Sau một buổi chiều thảo luận tìm nguyên nhân, mà đoàn công tác thừa nhận là căng thẳng, vì có nhiều ý kiến trái chiều, kết luận ban đầu cho rằng: Đây là chùm ca bệnh, tử vong về lâm sàng đều diễn biến giống nhau như: Tím tái, khó thở, lịm đi sau 10 phút tiêm vắc xin. Kết quả giải phẫu tử thi cho thấy, xung huyết, xuất huyết đa phủ tạng như: phổi, tim, gan, lách, thận, màng ruột, não...

Do đó, các chuyên gia chưa nghĩ đến nguyên nhân trùng hợp ngẫu nhiên bệnh lý của trẻ, bởi tiền sử thai nghén của cả 3 sản phụ đều bình thường, đẻ thường, khỏe mạnh, bú tốt, cân nặng từ 2,8 đến 3,1kg. Mặc dù rất ít dấu hiệu cho thấy nguyên nhân do vắc xin, nhưng kết luận ban đầu cho rằng, cũng không nên loại trừ trước khi có kết luận xét nghiệm từ mẫu
vắc xin.

Đoàn chuyên gia cũng chỉ ra việc bảo quản vắc xin tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa chưa đúng quy trình như: để vắc xin lẫn lộn với các sinh phẩm khác, không ghi chép quản lý vắc xin hằng ngày, không lưu vỏ, lọ đúng quy định, không tiêm vắc xin tại phòng riêng mà tiêm tại phòng bệnh... Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân là do việc bảo quản, sử dụng vắc xin.

Về việc bảo quản vắc xin, ông Nguyễn Xuân Tường, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, các loại vắc xin sinh phẩm được bảo quản phụ thuộc vào nhiệt độ, trên vỏ vắc xin cần có “Tem chỉ thị nhiệt VVM” để giám sát quá trình bảo quản. Nhưng trên vỏ lọ vắc xin tiêm cho ba trẻ mới tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B vẫn chưa có tem chỉ thị nhiệt này.

Trao đổi về vấn đề trên, GS.TS Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh: Tem chỉ thị nhiệt VVM là một dữ liệu khuyến khích nên có chứ không bắt buộc phải có trên vỏ lọ vắc xin. “Tem này giúp cho việc theo dõi việc bảo quản vắc xin có đúng quy định hay không. Thiếu tem chỉ thị nhiệt VVM không phản ánh chất lượng của vắc xin viêm gan B đã tiêm cho trẻ vì việc bảo quản vắc xin vẫn được theo dõi thông qua các chỉ số khác như biểu đồ theo dõi nhiệt độ của tủ lạnh hằng ngày theo đúng nhiệt độ mà Bộ Y tế đã quy định”.

Cuối cùng, đoàn công tác đi đến thống nhất kết luận ban đầu: Trẻ tử vong do sốc phản vệ, chưa rõ nguyên nhân. Để có kết luận cuối cùng, đoàn công tác đề nghị gửi mẫu vắc xin, mẫu nghiệm (máu, mô phổi, não, gan, tim, thận) của bệnh nhân đến phòng thí nghiệm quốc gia, quốc tế để xét nghiệm.

Chính thức ngừng sử dụng 2 lô vắc xin viêm gan B

Sáng qua, PV Tiền Phong có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, nhiều sản phụ đã sinh và đang chờ sinh không giấu được nỗi lo sợ, đặc biệt là những sản phụ có con đã tiêm vắc xin trước đó.

Các sản phụ có con tử vong vẫn đang được điều trị, theo dõi sức khỏe tại bệnh viện sau cú sốc lớn. Tất cả họ đều có chung nguyện vọng là ngành y tế sớm điều tra, có câu trả lời cuối cùng về vụ việc đau lòng vừa qua.

Anh Nguyễn Đình Tạo ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (một trong ba ông bố bị mất con) vừa chăm sóc vợ, vừa nói trong hai hàng nước mắt: “Do điều kiện kinh tế, sau 12 năm vợ chồng tui mới sinh cháu thứ hai. Lúc mới sinh, thấy cháu khỏe mạnh, gia đình ai cũng mừng. Nghe người ta khuyên nên tiêm phòng để cho con sau này khỏe mạnh, rứa mà...”.

Bác sỹ Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa cho biết: Khi sự việc xảy ra, các bác sỹ ở bệnh viện cũng đã làm hết sức để cứu các cháu, nhưng đã không thành công. Sau khi xảy ra sự việc, về phía đơn vị đã nhanh chóng báo cáo lên cấp trên và làm một số bước theo quy định. “Chúng tôi cũng mong muốn sớm có kết luận. Nếu trách nhiệm thuộc lĩnh vực nào sẽ xử lý cán bộ phụ trách chuyên môn. Đứng đầu đơn vị thì chúng tôi chắc chắn sẽ chịu trách nhiệm” - ông Thanh nói.

Tỉnh Quảng Trị hiện còn hơn 1.000 liều vắc xin viêm gan B do Viện Pasteur Nha Trang cung cấp từ chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tại 11 tỉnh miền Trung, Viện Pasteur Nha Trang cũng đã cung cấp 112.000 liều của lô 020812 và lô 030812.

Chiều tối 22/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chính thức thông báo tạm dừng việc sử dụng các lô vắc xin viêm gan B (số lô: V-GB020812E và V-GB030812E, HD: 07/2015, SĐK: QLVX-0376-11), do Vabiotech sản xuất, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp với Vabiotech gửi thông báo tạm ngừng sử dụng tới những nơi phân phối, sử dụng các lô vắc xin viêm gan B trên.

Trước luồng dư luận, có nên hay không nên tiêm vắc xin cho trẻ trong vòng 24 giờ sau khi sinh, TS Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho rằng, việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ là cần thiết, bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện thành công ở nhiều nước trên thế giới. WHO cũng khuyến cáo Việt Nam phải thực hiện đúng quy trình trong vòng 24 giờ sau khi sinh để tạo cho trẻ hiệu quả miễn dịch cao.

TS. Nguyễn Văn Cường, Phó chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, vắc xin viêm gan B được đánh giá là một trong những vắc xin an toàn nhất. Tất cả các lô vắc xin viêm gan B đều được kiểm định đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam cũng như của WHO trước khi phân phối để sử dụng.

Trong những năm 2007, 2008, có một số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin viêm gan B sơ sinh. Tuy nhiên, sau khi điều tra đánh giá nguyên nhân của các phản ứng trên, không tìm thấy mối liên quan giữa việc trẻ tử vong sau tiêm chủng với chất lượng vắc xin viêm gan B.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG