Ca thứ 14 nhiễm virút H7N9 ở Trung Quốc

Ca thứ 14 nhiễm virút H7N9 ở Trung Quốc
Một người đàn ông 48 tuổi tử vong hôm qua là ca nhiễm virút H7N9 thứ 14 được ghi nhận, theo Cơ quan y tế Thượng Hải (Trung Quốc).

> Nguy cơ bùng phát dịch H7N9 rất lớn
> Phòng virus cúm đang lây lan gây chết người cách nào?

 Xét nghiệm virút H7N9 ở Cơ quan Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Bắc Kinh ngày 3-4 - Ảnh: Reuters
Xét nghiệm virút H7N9 ở Cơ quan Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Bắc Kinh ngày 3-4 - Ảnh: Reuters .

Trong số 14 trường hợp bị nhiễm có năm người thiệt mạng, trong đó bốn ở Thượng Hải và một ở Chiết Giang. Giới chuyên gia y tế đang lo ngại virút cúm đã biến đổi gen và lan rộng không chỉ ở gia cầm mà còn sang cả động vật và con người.

Báo Guardian dẫn lời tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh cúm thuộc Đại học Y Vanderbilt (Mỹ), nhận định heo vẫn là mối nghi ngại lớn nhất được cho là nguồn phát sinh của virút H7N9.

Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc cho biết phân tích gen cho thấy hiện rất khó theo dấu đường đi của virút H7N9 vì chúng có thể lan truyền lặng lẽ giữa gia cầm với nhau mà không bị phát hiện.

Đơn cử, trường hợp của bệnh nhân nữ 32 tuổi ở Giang Tô bị nhiễm H7N9 không rõ nguyên do khi người này chưa hề ra khỏi địa phương từ tháng 2-2013 đến nay, bà cũng chưa hề ăn hay tiếp xúc với các sản phẩm gia cầm sống trước khi nhiễm bệnh.

Theo các chuyên gia y tế Trung Quốc, thuốc Tamiflu hay Relenza, được sử dụng trong giai đoạn đầu phát bệnh, có thể tạm thời ngăn chặn virút H7N9 lan nhanh trong cơ thể.

Bộ Y tế Trung Quốc khuyến cáo người dân thận trọng khi đến chỗ đông người cũng như không nên tiếp xúc với gia cầm, nhất là trong dịp Thanh minh 6-4 nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm virút H7N9.

Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Bắc Kinh tuyên bố không loại trừ khả năng virút H7N9 có thể lan đến thủ đô Bắc Kinh, theo nhật báo Tin Tức Bắc Kinh. Tân Hoa xã cũng loan tin một trường hợp tử vong vì cúm heo H1N1 ở tỉnh Hồ Nam.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Phùng Tử Kiên, giám đốc Cơ quan Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, vẫn một mực cho rằng virút H7N9 ít nguy hiểm hơn virút SARS. Song nhiều người ở Trung Quốc lo ngại dịch bệnh bùng phát cũng nguy hiểm không kém dịch SARS năm 2003, làm chết hàng trăm người ở Trung Quốc, Hong Kong và Macau. Khi đó, người dân đã chỉ trích chính quyền bưng bít và tắc trách trong chuyện cảnh báo cho cộng đồng về dịch bệnh gây chết người này.

Theo MỸ LOAN
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG