Vấn đề là bạn cần biết cách phòng chống để hạn chế tối đa ảnh hưởng của nắng nóng đối với sức khỏe.
Nắng nóng gây ra các bệnh gì?
Dưới tác động của ánh nắng chói chang giữa trưa hè hoặc phải ở lâu nhiều giờ ngoài trời nắng thì tùy theo sức chịu đựng của từng người mà chúng ta sẽ bị tổn thương từ nhẹ đến nặng. Nhẹ là ban nhiệt và rôm sảy: trên da của bạn sẽ có các ban kê đỏ, tạm thời, gây nóng rát khó chịu. Rôm sảy mọc dày trên các vùng da non như mặt trong cánh tay, cổ, ngực… gây cho bạn cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, đặc biệt ở trẻ em thường làm cho trẻ biếng ăn, mất ngủ, hay quấy khóc.
Chuột rút do nắng thường gặp khi bạn hoạt động mạnh ngoài trời nắng, thiếu nước uống. Khi xảy ra chuột rút làm bạn đau đớn, phải ngưng hoạt động và thư giãn mới giảm đau dần và hết chuột rút. Bệnh này dễ điều trị và khi bạn thích nghi với nắng nóng thì sẽ ít bị bệnh. Kiệt sức do nhiệt là rối loạn khá nặng nhưng không gây tổn thương các cơ quan, chỉ tăng thân nhiệt nhẹ. Say nắng là bệnh nặng, nguy kịch, gây tổn thương các cơ quan, nhiệt độ cơ thể tăng cao rõ rệt và nguy cơ tử vong cận kề nếu không điều trị kịp thời.
Ai dễ mắc bệnh do nắng nóng?
Nhìn chung, khi phải ở lâu ngoài nắng thì ai cũng có thể mắc bệnh do nắng nóng. Tuy nhiên, nếu kết hợp với các yếu tố sau đây sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng hơn. Các yếu tố đó là: những ngày trời nắng to, nhiệt độ môi trường từ 38 độ trở lên; bạn phải lao động nặng ngoài trời nắng; bạn đang mắc các bệnh gây sốt như nhiễm khuẩn, cảm cúm; bạn đang dùng thuốc có tác dụng: làm tăng sinh nhiệt như hormon tuyến giáp trạng, amphetamin, thuốc làm giảm khát như haloperidol, các thuốc làm giảm ra mồ hôi như: antihistamin, phenothiazin...; bạn đang trong trạng thái khó tản nhiệt như mặc nhiều quần áo, béo phì, mất nước; trẻ em dưới 4 tuổi, người già trên 70 tuổi; bệnh nhân bị suy tim, mắc bệnh tâm thần, nghiện rượu...
Đối phó với các bệnh do nắng nóng
Nắng nóng gây ra nhiều mức độ tổn thương nên tùy theo tổn thương mà bạn cần có các cách đối phó phù hợp. Thường gặp các dạng tổn thương sau đây:
Ban nhiệt là tổn thương da dạng phát ban do viêm tấy, nổi những hạt nhỏ li ti hoặc là những mảng màu hồng, xảy ra khi cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, dẫn đến các lỗ chân lông bị bít kín, tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn gây ra. Ban nhiệt thường gặp ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ vai, lưng, ngực, vùng tã lót ở trẻ nhỏ, các nếp gấp của cơ thể.
Bệnh gây ngứa nhiều từng cơn trong vài ngày và hết nhanh khi nhiệt độ môi trường mát mẻ, lúc ngừng đổ mồ hôi. Điều trị ban nhiệt bằng cách: làm cho da mát mẻ, sạch và khô để giảm ngứa và giảm các kích thích; tránh đổ mồ hôi nhiều, dùng quạt điện, máy điều hòa nhiệt độ để làm mát phòng ở, phòng ngủ. Vệ sinh sạch sẽ da hàng ngày bằng việc tắm rửa. Tránh thức ăn cay, mặn, thức uống có tính chất nóng.
Chuột rút là tình trạng co thắt của những nhóm cơ lớn của cơ thể, hay gặp ở cẳng chân và đùi, xảy ra trong hoặc ngay sau khi lao động hay luyện tập gắng sức trong môi trường nắng nóng hoặc do mất nước mất muối qua mồ hôi nhiều, dẫn đến giảm natri máu trong các cơ, gây co thắt cơ và đau đớn. Khi bị chuột rút, bạn cần ngưng ngay các hoạt động, nghỉ ngơi tại chỗ và xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị đau, giúp nhanh thư giãn cơ. Điều trị cần bù nước và chất điện giải, cách tốt nhất là uống dung dịch oresol hoặc truyền dịch ringer lactat, dung dịch mặn hoặc ngọt đẳng trương. Uống các loại nước trái cây như nước chanh, nước cam… pha với đường và thêm một chút muối ăn.
Ngất do nắng nóng xảy ra khi bạn mất một lượng dịch quá giới hạn bù trừ của cơ thể. Ngất thường xảy ra do đứng lâu trong tiết trời nắng nóng như trường hợp lao động, luyện tập, đi lại ngoài trời nắng. Khi đó, thân nhiệt tăng cao gây giãn mạch làm đỏ mặt, đỏ da và khát nước là những triệu chứng báo trước. Do đó, phát hiện sớm được các triệu chứng này mà uống nước bù đắp kịp và di chuyển vào nơi râm mát thì có thể tránh được ngất. Nếu gặp người bị ngất thì cần xử lý bằng cách: đặt nạn nhân ở tư thế nằm trong một môi trường mát mẻ và cho uống dịch oresol hoặc các loại nước sẵn có như nước đun sôi để nguội, nước khoáng, nước chè, cà phê, nước cam, nước chanh pha đường và một chút muối ăn…
Kiệt sức do nóng là một hội chứng nặng hơn, xảy ra do cơ thể bị mất nước và mất muối ở mức độ nặng hơn. Kiệt sức do mất muối xảy ra khi cơ thể chỉ được bù nước, không bù muối; kiệt sức do mất nước nguy hiểm hơn, tiến triển nhanh đến tình trạng mất nước và say nóng. Nhưng khi được điều trị kịp thời, cả hai trường hợp đều hồi phục nhanh chóng. Điều trị: làm mát cơ thể, bù dịch bằng uống dung dịch oresol, truyền dung dịch muối đẳng trương.
Say nóng xảy ra khi các cơ chế điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị rối loạn, không thể thải nhiệt ra khỏi cơ thể khiến nhiệt độ tăng cao dẫn đến các tổn thương ở nhiều hệ cơ quan. Say nóng biểu hiện bằng: sốc do giảm thể tích tuần hoàn, biến đổi tri giác, thân nhiệt trên 40oC; dấu hiệu mất nước: môi khô, khát nước, da kém đàn hồi; nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, hạ huyết áp lúc đứng hay ngồi; trường hợp nặng có co giật hay hôn mê.
Cấp cứu say nóng: Nhanh chóng làm mát bệnh nhân bằng cách ngâm bệnh nhân vào nước mát ít phút, quạt mát, phun bụi nước lên da bệnh nhân, dùng quạt máy quạt mát lên bề mặt da ẩm ướt để làm gia tăng sự bốc hơi; cởi bỏ quần áo, quấn khăn ướt lên người bệnh nhân trong lúc di chuyển. Có thể đặt các bọc nước đá lên bẹn và nách nhưng phải luôn thay đổi vị trí bọc nước đá để tránh thương tổn da do lạnh. Chuyển nhanh bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị.
Theo BS. Ninh Thanh Tùng
www.suckhoedoisong.vn