> Trẻ 7 tuổi cũng có thể bị bệnh tiểu đường týp 2
Nguyễn Mạnh Hùng (9 tuổi ở Lạng Sơn) mắc bệnh từ ba tuổi và từ đó đến nay, ngày nào bé cũng phải tiêm hai mũi insulin để kiểm soát đường huyết. Anh Th., bố Hùng, cho biết Hùng có thói quen háo ngọt từ nhỏ và gia đình cũng không để ý.
Vô tình, anh Th. phát hiện kiến bu vào nước tiểu của con trai, lại thấy con có dấu hiệu sút cân. Hùng bị tiểu đường type I. Chín tuổi, Hùng nhỏ thó như trẻ lên sáu.
Trong số 286 bệnh nhi đang được điều trị tiểu đường tại Khoa Nội tiết - Di truyền - Chuyển hóa (BVNT.Ư), hơn 90% mắc tiểu đường type I. Bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Di truyền - Chuyển hóa, cho biết, tiểu đường type I thuộc loại bệnh tự miễn, khó phòng ngừa, và là dạng thường thấy ở trẻ em trên toàn cầu. Yếu tố thúc đẩy bệnh xuất hiện thường phức tạp.
Dễ bỏ qua triệu chứng
Nhiều người lớn vẫn không nghĩ tiểu đường có thể xảy ra ở trẻ con, nên khi trẻ có triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh, vẫn bỏ qua. Trường hợp nặng, trẻ trở nên lừ đừ, rối loạn tri giác hoặc hôn mê.
Tiểu đường type I ở trẻ em có diễn tiến rất nhanh. Từ lúc phát hiện sự thay đổi của trẻ như ăn uống nhiều, sụt cân đến lúc trẻ hôn mê chỉ khoảng 2 - 3 tuần.
Bác sĩ Dũng cho hay, điều trị tại nhà và kiểm soát đường máu không tốt sẽ dẫn đến các biến chứng mạn tính như đục thủy tinh thể, tổn thương thận, cao huyết áp, phát triển chậm về thể chất, thậm chí tử vong.
Béo phì và lối sống ít vận động là nguyên nhân khiến trẻ có thể mắc tiểu đường type II, căn bệnh thường gặp ở người lớn. Thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ lệ trẻ béo phì đang gia tăng ở Hà Nội và TPHCM. Bác sĩ Dũng cho biết, 95% bệnh nhi mắc tiểu đường type II bị béo phì. Đi cùng bệnh này là việc tăng các nguy cơ về tim, thận, tuần hoàn máu và chứng loạn thị.
Điều trị cho trẻ mắc tiểu đường type II không đơn giản. Khác với tiểu đường type I, bệnh tiến triển âm thầm, phải xét nghiệm mới phát hiện được. Ngoài dùng thuốc, còn phải ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt, một chế độ ăn kiêng vốn không dễ thực hiện với trẻ đang độ tuổi phát triển.
BVNTƯ đang điều trị 20 trường hợp tiểu đường sơ sinh, dưới sáu tháng tuổi. Tình trạng tăng đường huyết không kiểm soát được trong sáu tháng đầu sau sinh là một rối loạn hiếm gặp. Tỷ lệ mắc là 1/215.000 – 1/500 000 trẻ sơ sinh đẻ sống và xấp xỉ 50% biểu hiện bệnh trong bốn tuần đầu sau sinh.
Phòng ngừa biến chứng
Điều trị tiểu đường không đúng sẽ gây ra những biến chứng nhất định, trong đó có hạ đường huyết. Do não trẻ em cần được cung cấp đường nên khi hạ đường huyết ảnh hưởng trực tiếp đến não, làm giảm sự phát triển của não. Kết quả, giảm trí thông minh và giảm thị lực nếu tình trạng hạ đường huyết kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, với trẻ mắc tiểu đường type I, cha mẹ nên đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, không nên bắt trẻ kiêng khem quá mức. Trẻ vẫn có thể phát triển bình thường nếu được tiêm đủ insulin và chế độ ăn uống thích hợp. Trẻ mắc tiểu đường nên hạn chế bánh kẹo, chocolate, nước cốt dừa. Đặc biệt, không nên dùng nước ngọt có gas. Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày.
Biểu hiện của bệnh tiểu đường: Đi tiểu thường xuyên, khát nước nhiều, uống nước liên tục, nhanh đói dù ăn nhiều, sụt cân, mệt mỏi, khó tập trung suy nghĩ, nhìn mờ, nôn mửa, đau bụng |