Nhiều kim loại nặng trong thuốc cam

Nhiều kim loại nặng trong thuốc cam
TP - Sau vụ trẻ em bị nhiễm độc chì tại Tam Dị, Lục Nam, Bắc Giang, Sở Y tế Bắc Giang khẳng định không thể nắm hết số trẻ bị nhiễm độc chì và khó quản lý các “lang vườn” như bà Thế.

>Phát hiện hai cơ sở bán thuốc cam nhiễm chì
>Hoang mang vì thuốc cam nhiễm chì

Bà Hàn Thị Hồng Thúy, PGĐ Sở Y tế Bắc Giang cho biết, ngay sau khi biết thông tin về thuốc cam gây ngộ độc chì ở xã Tam Dị, huyện Lục Nam, Sở Y tế Bắc Giang đã thành lập đoàn kiểm tra. Cán bộ trong đoàn đã đóng giả người dân về nhà bà Nguyễn Thị Thế (tên thường gọi ở nhà là bà lang Tiến) để mua thuốc cam. Bà Thế cho biết đã dừng bán thuốc cam nhưng khi gặng hỏi bà vẫn bán. Sau đó, đoàn kiểm tra mới vào lập biên bản, tạm giữ số thuốc còn lại trong nhà đồng thời tạm đình chỉ việc bán thuốc tại nhà bà Thế.

Đoàn cũng đã lấy mẫu và gửi đi kiểm nghiệm chất lượng và thành phần thuốc tại Trung tâm Kiểm nghiệm (Sở Y tế Bắc Giang) và Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Kết quả của cả hai đơn vị khá tương đồng nhau khẳng định có hai chỉ tiêu không đạt là độ đồng nhất và giới hạn nhiễm khuẩn. Thành phần của mẫu có chứa nhiều kim loại nặng như niken, crôm, thủy ngân. Đặc biệt, hàm lượng chì lấy tại mẫu thuốc bôi là 4,30mcg/g, đối với sản phẩm thuốc uống là 1,02mcg/g.

Theo bà Thúy, đơn vị không lấy được những mẫu “thuốc” mà người dân đã dùng dẫn đến ngộ độc chì cho trẻ mà chỉ lấy được mẫu sản phẩm bà Thế đang bán tại nhà. Theo kết quả kiểm nghiệm thì các kim loại nặng này có ngay trong thành phần của các dược liệu dùng làm “thuốc” cam. Sở Y tế Bắc Giang cũng đã cử người tới cửa hàng bán thuốc của ông Mậu Tân (TP Bắc Giang), cửa hàng mà bà Thế nói là đã mua nguyên liệu về làm “thuốc”. Đây là đơn vị kinh doanh dược liệu có giấy phép, nhưng chủ cửa hàng phủ nhận việc bán thuốc cho bà Thế.

Sở Y tế Bắc Giang khẳng định không thể nắm hết số cháu bé nhiễm độc chì. Bà Thúy cho biết, khi có thông tin về nhiễm độc chì, các gia đình ở xã Tam Dị tự mang trẻ đến Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Nhi T.Ư để xét nghiệm mà không qua các cơ sở y tế địa phương.

Sở Y tế Bắc Giang đã đình chỉ cơ sở chế biến và kinh doanh “thuốc cam” của bà Nguyễn Thị Thế đồng thời tăng cường tuyên truyền qua nhiều kênh về hậu quả của việc dùng thuốc không có xuất xứ, của những lang vườn như trường hợp bà Thế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG