> Miền Bắc rét đậm, có nơi ba độ C
Sức khoẻ con trẻ là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh trong những ngày rét đậm. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư), 9 giờ sáng, phòng khám chuyên khoa Hô hấp số 10A đã có tới bệnh nhân thứ 47. Bác sĩ Khu Thị Khánh Dung - Phó giám đốc bệnh viện cho biết những ngày lạnh này số bệnh nhân tăng nhẹ, dao động từ 1.500-1.800 bệnh nhi khám/ngày. Số bệnh nhi đến cấp cứu ban đêm tăng hơn so với ngày thường khoảng 40-70 cháu, với mức 250-280 trẻ/đêm.
Phần lớn trẻ nhập viện với các biểu hiện ho, sốt cao, nôn, tiêu chảy do virus. Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, vận chuyển bằng xe cấp cứu đến từ các tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Sơn La, Tuyên Quang…
Bác sĩ Cù Thị Minh Hiền, Phó khoa Khám bệnh cho hay, nhiều trẻ nhập viện sau khi bố mẹ tự ý cho uống thuốc kháng sinh ở nhà không đúng. Nhiều trường hợp trẻ bị bệnh lâu mới đi khám khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm, dễ xảy ra các biến chứng xấu.
Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh cảm cúm phát triển, một số bệnh nhi bị cảm cúm, do không được điều trị kịp thời nên bị biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ. Các bác sĩ khuyến cáo cần giữ ấm cho trẻ và khi trẻ có hiện tượng ho sốt cần đưa đi khám ngay.
Điều đáng lo ngại là không ít bậc cha mẹ đưa con đi khám bằng xe máy, khiến trẻ thêm nhiễm lạnh làm bệnh nặng hơn. Vì thế bác sĩ khuyến cáo các gia đình nên đưa con đi khám ở các cơ sở y tế gần nhất.
Tại khoa Khám bệnh nhi (Bệnh viện Saint Paul), hai ngày qua, mỗi ngày có trên 300 trẻ đến khám. Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), số bệnh nhi đến khám và điều trị cũng tăng trên 20% so với ngày bình thường. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, cùng bệnh hô hấp, trẻ mắc tiêu chảy đang tăng. Trẻ mắc bệnh này thường do virus Rota gây ra.
Một sai lầm nữa là nhiều bà mẹ thấy con bị đi ngoài đã cho nhịn ăn, ăn ít hay chỉ ăn cháo muối, ruốc để trẻ bớt tiêu chảy, nhưng thực chất trẻ không khỏi bệnh (chỉ là bớt đi giả tạo) và đặc biệt nguy hại là bị tổn thương đường ruột và dẫn tới suy dinh dưỡng sau khi bị bệnh.
Tiêu chảy do virus khiến ruột bị tổn thương, nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ làm thời gian hồi phục lâu hơn. Do đó, khi bị tiêu chảy vẫn nên cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất như bình thường (trừ các chất khó tiêu như bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn...).
Lúc này cha mẹ nên lựa chọn thức ăn tươi (đặc biệt là thịt gà, cà rốt, chuối tiêu, sữa chua... có nhiều kẽm, kali và vi khuẩn sống trong sữa chua (giống như men tiêu hóa) rất tốt cho trẻ tiêu chảy), khi chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường hợp trẻ nôn trớ nhiều thì nên chia nhỏ bữa ăn.
Học sinh tiểu học Ngô Quyền (Hai Bà Trưng - Hà Nội) vẫn đến trường. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Bối rối vì con nghỉ học
7 giờ sáng 5-1, chị H., phụ huynh trường tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm con mình thông báo, các con được nghỉ vì trời quá lạnh. Con chị trước đó đang viêm họng nhưng vướng thi học kỳ nên vẫn bị mẹ bắt đi học, nhân tiện nhà trường cho nghỉ chị H. đưa con đi khám.
Phụ huynh một trường tiểu học quận Ba Đình cho biết, nhà chị có người giúp việc nên cũng không ngại lắm khi con được nghỉ học. Một phụ huynh trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm thì không còn cách nào khác là mang theo con đến cơ quan.
Theo thông báo ngày 4-1 của Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT các quận/ huyện/ thị xã và các trường được chủ động quyết định cho học sinh tiểu học và mầm non nghỉ học khi thời tiết từ 10oC trở xuống. Với học sinh THCS, ngưỡng nhiệt độ được nghỉ thấp hơn, từ 7oC trở xuống.
Sở GD&ĐT đã thống nhất với Đài Truyền hình Việt Nam để cơ quan này thông báo nhiệt độ ngoài trời khu vực Hà Nội trong những ngày rét đậm, rét hại trong bản tin thời tiết trên VTV1 trong chương trình thời sự lúc 6 giờ.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nói: “Các Phòng GD&ĐT, các trường căn cứ vào bản tin này để quyết định cho học sinh nghỉ hay không, từ đó thông báo tới từng học sinh qua điện thoại, tin nhắn. Mặt khác, phụ huynh học sinh cũng nên theo dõi bản tin để chủ động cho học sinh ở nhà trong trường hợp chưa kịp nhận được thông tin trực tiếp từ nhà trường. Trong trường hợp phụ huynh học sinh lỡ đưa con em mình đến trường mà không có điều kiện quay về, các trường vẫn tiếp nhận bình thường”.
Cô Cao Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mai Dịch nói: “Tuy có thông báo nghỉ nhưng phụ huynh của trường đa số là cán bộ công nhân viên chức nên vẫn có nhu cầu gửi con. Do vậy các cháu đến rất đông. Cả trường gần 1.000 em nhưng chỉ khoảng 40 em nghỉ”. Các trường mầm non của quận hầu như vẫn hoạt động bình thường.
Taxi khan hiếm
Các hãng đã tăng xe, hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
Nhà có con nhỏ, trước khi đi làm vào mỗi buổi sáng chị Nguyễn Thị Tâm, người dân ở khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy) phải đưa cháu đến nhà trẻ rồi mới đến cơ quan. Do mấy hôm nay trời mưa, rét đậm để cháu không bị nhiễm lạnh chị đã gọi taxi đi lại, nhưng lần nào gọi nhân viên tổng đài cũng bảo chị cố gắng chờ.
“Sáng qua chờ gần hai tiếng vẫn không thấy taxi đến, do lỡ giờ làm và để con không nhiễm lạnh tôi đã phải nghỉ việc ở nhà”, chị Tâm chia sẻ.
Với nhiều gia đình có việc cưới hỏi, tân gia... bắt được taxi để đi lại trong những ngày qua là một thử thách lớn. Mặc dù đã lên lịch đi lại, thăm hỏi từ trước nhưng do khó gọi taxi nên nhiều gia đình đã bị vỡ kế hoạch…
Từ nhà đến cơ quan trên đường Kim Mã chỉ khoảng 8 km, bình thường anh Nguyễn Minh Long người dân sống trên đường Khương Trung đi taxi hết 90.000 đồng, nhưng sáng qua cũng với quãng đường này anh Long phải trả cho taxi dù tới 150.000 đồng.
Tăng 30% bệnh nhân cao tuổi bị tai biến mạch máu não Viện Lão khoa Quốc gia cho biết trong mấy ngày giá rét mỗi ngày Viện tiếp nhận gần 200 bệnh nhân đến khám và điều trị. Khoảng 70% số ca nhập viện trong tình trạng viêm phổi cấp. Số liệu khoa Cấp cứu của Viện cho thấy mỗi ngày tiếp nhận từ 20-25 trường hợp. Bác sĩ Nguyễn Trung Anh (Viện Lão khoa Quốc gia), cho biết nhiệt độ giảm mạnh, trời mưa phùn, độ ẩm không khí cao nên người cao tuổi thường mắc các bệnh về phổi, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, tắc nghẽn mạch máu... |