1. Thu nhận máu toàn cầu: Khoảng 92 triệu lượt máu được thu nhận hàng năm bởi tất cả những người cho máu (người tình nguyện hiến, gia đình/người thân và phải trả tiền). Gần một nửa lượng máu này được thu nhận ở các nước có thu nhập cao.
2. Hiến máu từ người tình nguyện: Ở 62 nước, cung cấp máu quốc gia dựa vào 100% hoặc gần 100% (hơn 90%) từ người tình nguyện hiến. 40 nước thu nhận dưới 25% số máu cung cấp từ người tình nguyện hiến. Mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới là đến năm 2020, tất cả các quốc gia đạt được toàn bộ máu cung cấp là do người tình nguyện hiến.
3. Cơ sở hạ tầng: Khoảng 8.000 trung tâm máu ở 159 nước đã báo cáo việc thu nhận máu của họ. Lượng máu thu nhận trung bình hàng năm tại mỗi trung tâm máu là 30.000 ở các nước thu nhập cao, 7.500 ở các nước thu nhập trung bình và 3.700 ở các nước thu nhập thấp, cho thấy sự khác biệt lớn về hiệu quả của việc thu nhận máu giữa các nước và các nhóm thu nhập.
4. Sàng lọc máu: Ở 39 nước, người cho máu vẫn không được thường quy xét nghiệm đối với các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua truyền máu, bao gồm HIV, viêm gan B, viêm gan C và giang mai; 47% lượng máu hiến ở các nước thu nhập thấp được kiểm tra tại các phòng xét nghiệm không đảm bảo chất lượng.
5. Xử lý máu: Chỉ 31% số máu được thu nhận ở các nước thu nhập thấp được tách riêng các thành phần máu. Do đó khả năng cung cấp cho bệnh nhân những thành phần máu khác nhau mà họ cần vẫn còn hạn chế ở các nước này.
6. Việc sử dụng máu: 106 nước có hướng dẫn quốc gia về việc sử dụng máu thích hợp trên lâm sàng. Tuy nhiên, chỉ 13% các nước thu nhập thấp – so với 30% các nước thu nhập trung bình và 78% các nước thu nhập cao – có hệ thống cảnh báo huyết học quốc gia để kiểm soát và cải thiện độ an toàn của quy trình truyền máu.
T.Mai
Theo WHO