Sự hỗ trợ của các nhà tâm lý và nhà chuyên môn về điều trị rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ là cần thiết trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
PGS.TS Trần Hữu Bình. Ảnh: K.N – T.V. |
Nỗi buồn sau đêm tân hôn
Chúng tôi được PGS.TS Trần Hữu Bình – Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ câu chuyện khi ông vừa tiếp nhận một phụ nữ bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu từ khi lấy chồng đến nay. Sau khi không thể giữ kín chuyện khó nói, chị phải nhờ đến sự tư vấn, giúp đỡ của bác sỹ tâm thần học.
Chuyện xảy ra đối với chị Hoa, 31 tuổi, có con gái 2 tuổi, hiện công tác tại Hà Nội với mức thu nhập khá cao. Cách đây mấy năm, chị kết hôn với người mình yêu, nhưng trục trặc xảy ra ngay đêm tân hôn khi cả hai không thể quan hệ thành công. Qua tuần trăng mật, rồi tuần thứ 2, thứ 3, sự việc vẫn không khác gì đêm đầu tiên.
Nguyên do mỗi khi thực hiện chuyện ấy, Hoa luôn có cảm giác đau rát, cánh cửa tình ái bị khép chặt khiến người chồng không thể làm gì được. Một tháng sau, đôi vợ chồng mới quan hệ thành công. Theo lời kể của bệnh nhân này, chị vẫn rất yêu chồng, hợp tác với chồng trong chuyện riêng tư, nhưng do không chịu nổi đau đớn nên việc quan hệ rất khó khăn. Sau lần thành công trên, sinh hoạt của đôi vợ chồng này vẫn rất thưa thớt, 1-2 tháng mới được một lần do chị Hoa luôn bị cảm giác đau rát, sợ hãi…
Dù nhiều lần trục trặc và quan hệ thưa thớt, nhưng Hoa vẫn mang thai như bao phụ nữ bình thường khác. Chị sinh con trong niềm vui khôn tả của hai vợ chồng. Sau lần vượt cạn này, cứ ngỡ mọi việc sẽ trở lại bình thường nhưng sinh hoạt vợ chồng của Hoa vẫn gặp sự cố.
Cứ mỗi lần bị đụng vào vùng nhạy cảm nhất là một lần chị phải nghiến chặt răng. Có lần, không chịu nổi Hoa đã hét lên khiến con nằm ở chiếc nôi bên cạnh giật mình khóc thét. Biết chồng yêu mình nên vẫn cố gắng, nhưng trước thực trạng này, Hoa quyết định đến bệnh viện mong tìm nguyên nhân căn bệnh lạ mình mắc phải để có cách chữa trị nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Ở nước ta hiện nay chưa có công trình nào nghiên cứu về rối loạn chức năng tình dục. Tuy nhiên, trong những nghiên cứu về rối loạn trầm cảm nhận thấy việc giảm hoặc mất ham muốn tình dục chiếm tới 40-83,3% (theo kết quả nghiên cứu của PGS.TS Bình năm 2003). |
Chị được một trong những chuyên gia hàng đầu về phụ khoa khám bệnh. Sau khi chiếu chụp và khám kỹ, bác sỹ kết luận tình trạng của chị không có vấn đề gì mà chuyên khoa của ông cần can thiệp. Vị giáo sư này nhận định, có thể bệnh nhân liên quan đến vấn đề tâm lý, tâm thần học nên giới thiệu chị sang gặp PGS.TS Trần Hữu Bình – một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này để chẩn đoán, chữa trị.
Theo PGS.TS Trần Hữu Bình, trường hợp của chị Hoa là do chứng co thắt âm đạo tâm sinh. Khi khám, phải hỏi rất cặn kẽ, chi tiết các yếu tố liên quan đến tâm lý và cơ thể mới chẩn đoán được bệnh của bệnh nhân này. Trong quá trình quan hệ vợ chồng, do rối loạn chức năng tình dục tâm thần khiến người phụ nữ lo sợ dẫn đến đau đớn.
Người vợ càng đau thì càng co khít khiến người chồng dù cố gắng vẫn chẳng thể làm gì được. Bệnh nhân Hoa được điều trị bằng tâm lý và dùng thuốc, hiện đã có chuyển biến nhất định, khi quan hệ vợ chồng cảm thấy thoải mái hơn trước.
Trước đó, PGS.TS Trần Hữu Bình từng điều trị cho một số trường hợp có biểu hiện đau rát khi quan hệ, không có cảm giác khoái cảm, như Hương (29 tuổi, trú tại Hà Nội) là một ví dụ. Sau khi sinh con, Hương thường ngại mỗi khi gần gũi với chồng bởi luôn bị cảm giác đau rát. Công việc ở cơ quan căng thẳng, về nhà lại bận việc gia đình nên khi bị cảm giác này chị xa lánh dần chuyện “chăn gối”.
Một thời gian sau, Hương thấy chồng hay cáu bẳn, thỉnh thoảng lại đi uống rượu bèn để ý tìm hiểu nguyên do. Sau khi tâm sự với cô bạn thân, Hương được khuyên cần tìm đến bác sỹ để tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh của mình và chữa trị.
Sau khi được tư vấn, chị Hương mới biết mình bị trầm cảm sau sinh, nguyên nhân do thời gian dài bị sức ép công việc, lo lắng cho cuộc sống gia đình nên sức khỏe suy nhược, không còn mặn mà chuyện ấy. Sau khi được chữa trị, một lần Hương gọi điện cho bác sĩ, giọng run run: “Cảm ơn bác sĩ, em hết đau rát và lại có cảm hứng... rồi”.
Theo PGS.TS Trần Hữu Bình, phụ nữ bị chứng co thắt âm đạo tâm sinh đều rơi vào tuổi từ 28-32, trong đó hầu hết bệnh nhân đều là trí thức, làm việc ở thành phố. Những bệnh nhân mắc chứng co thắt tâm sinh thường có cảm giác đau, do vậy cần có giải pháp tâm lý để ly gián dòng suy nghĩ giữa não với bộ phận sinh dục để tránh gây đau. Ngoài ra bệnh nhân dùng thêm thuốc để giải ức chế, tâm thần được thư giãn.
Cần nói chuyện khó nói
Sinh hoạt thầm kín giữa hai vợ chồng góp phần quan trọng trong hạnh phúc gia đình. Nhưng do đây là chuyện tế nhị nên không ít phụ nữ thường giữ kín chuyện trục trặc. Theo lời khuyên của bác sỹ, những người mắc bệnh rối loạn chức năng tình dục nếu để lâu không đi chữa bệnh sẽ rất khó khỏi, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
PGS.TS Trần Hữu Bình cho biết, rối loạn chức năng tình dục nói chung và co thắt âm đạo tâm sinh (hay còn gọi là co thắt âm đạo không thực tổn) nói riêng có nhiều nguyên nhân, trong đó do tâm lý đứng hàng đầu. Chứng co thắt âm đạo ở mức cao gây co khít khiến quan hệ không thực hiện được. Lúc đó cơ âm hộ, cơ đáy chậu co bóp không bình thường gây đau, có khi cả cơ đùi, cơ lưng và cơ thành bụng nữa.
Ngoài ra, cảm giác đau rát của người phụ nữ có thể do tác động thiếu nhã nhặn của người chồng hoặc sử dụng các kỹ thuật không hợp lý dẫn đến co thắt, không thể quan hệ được.
Có thể nói, cơn sóng ngầm ưu tư chuyện tình dục ở phái nữ còn cao hơn nam giới. Theo thống kê của Laumann, một nhà tình dục học nổi tiếng thế giới, năm 1999 tại Mỹ có tới 43% phụ nữ có trục trặc tình dục, trong khi nam giới chỉ là 31%. |
PGS.TS Trần Hữu Bình từng lấy ý kiến của 100 cặp vợ chồng để thực hiện viết tài liệu giảng dạy mang tên “Rối loạn chức năng tình dục không do bệnh thực tổn”. Đây là tài liệu ông đang dùng làm bài giảng cho bậc đại học và sau đại học về rối loạn chức năng tình dục (RLCNTD).
Theo đó, RLCNTD thường liên quan đến nhân tố tâm lý hoặc cơ thể, hoặc cả hai kết hợp, và được coi là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến đáp ứng tình dục.
Ở Mỹ, năm 1999, một khảo sát của Hiệp hội Y khoa nhận thấy: 63% nữ, 52% nam tuổi từ 18-59 than phiền về rối loạn chức năng tình dục, trong đó 10% không đạt được cực khoái. Ở Thụy Sỹ, rối loạn chức năng tình dục chiếm 26% dân số, ở độ tuổi từ 25-35…
Theo PGS.TS Trần Hữu Bình, rối loạn cảm xúc là căn nguyên trước tiên gây ra RLCNTD cho cả nam và nữ, do hậu quả của những quá tải cảm xúc, cảm xúc mạnh, bất ngờ liên quan đến tình huống gay cấn (như tức giận, lo âu, sợ hãi, phiền muộn…).
Nữ giới bị trục trặc tình dục có thể có một hay cùng lúc nhiều biểu hiện sau: Mất hay giảm hẳn ham muốn, không có kích thích dù có ham muốn hoặc kích thích chỉ thoáng qua, quan hệ không có cực khoái, bị đau rát...
Cũng như trục trặc ở nam giới, rối loạn tình dục nữ có thể do yếu tố tâm lý hoặc bệnh lý, hoặc là kết hợp cả hai. Các bệnh lý có thể gây ra rối loạn tình dục nữ là viêm nhiễm âm đạo, phần phụ, mãn kinh, sẹo cắt tầng sinh môn…
Theo các bác sĩ chuyên khoa cần tiếp cận bệnh nhân dạng này với thái độ cởi mở, thân thiện là cần thiết để tạo niềm tin cho họ, lúc đó mới khai thác được đầy đủ các biểu hiện lâm sàng rối loạn chức năng tình dục không thực tổn. Điều trị bệnh này phải kết hợp các liệu pháp hóa dược, tâm lý, hành vi và xã hội thì bệnh nhân mới có thể khỏi bệnh.
* Tên bệnh nhân trong bài đã dược thay đổi