Không ăn tiết canh, vẫn mắc liên cầu lợn

Không ăn tiết canh, vẫn mắc liên cầu lợn
TP - Không ít bệnh nhân mắc liên cầu lợn nhập viện với biểu hiện bệnh nặng như hoại tử nhiều, phải thở máy do suy hô hấp. Đáng nói là có những bệnh nhân không tiếp xúc với lợn bệnh, không ăn tiết canh. Đã có sự biến đổi của vi khuẩn liên cầu lợn?

Đường lây truyền bệnh liên cầu khuẩn lợn sang người
> Phần lớn bệnh nhân liên cầu lợn là nam giới

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, từ đầu năm đến nay đã có hơn 40 trường hợp nhập viện do liên cầu lợn, trong đó có nhiều ca bệnh không tìm thấy mối liên quan với các thực phẩm có nghi ngờ. Thông thường, bệnh nhân bị mắc liên cầu lợn đều có tiếp xúc với lợn mắc bệnh hoặc ăn tiết canh làm từ lợn bệnh, nhưng những bệnh nhân nhập viện gần đây không có mối liên hệ đó.

Bác sĩ Hồng Hà cho biết, vi khuẩn liên cầu lợn cũng như các vi khuẩn khác là có thể tồn tại ở môi trường tự nhiên lâu hơn virus. Nhưng để nói con đường lây lan của liên cầu khuẩn đã thay đổi như thế nào cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá mới có câu trả lời chính xác. Không loại trừ vi khuẩn này đã lan ra môi trường và xâm nhập nhiều loại thực phẩm khác.

Giải thích về điều này, bác sĩ Hà cho biết, vi khuẩn là một tế bào hoàn chỉnh có thể tự sống, trong điều kiện thuận lợi thì sẽ nhân chia lên. Bình thường, vi khuẩn này vẫn cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Khi mổ thịt, chế biến hoặc tiêu hủy lợn bệnh không đúng cách, không có bảo hộ lao động trong tình trạng tay chân có vết trầy xước, hoặc ăn các sản phẩm tươi sống từ lợn như tiết canh, lòng lợn... cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn. Vi khuẩn này không chỉ có trong lợn mà còn ở các động vật khác có khả năng gây bệnh như cừu, trâu, bò, song chưa có nghiên cứu nguy cơ gây bệnh của những loại động vật này.

Theo thống kê của ngành y tế, trong vài năm trở lại đây, số bệnh mắc liên cầu lợn có sự gia tăng nhiều hơn hẳn những năm trước đó. Đặc biệt, có tới hơn 60% ca bệnh viêm màng não mủ được xác định do liên cầu lợn gây ra. Đây là con số cao kỷ lục so với thời gian trước đây. Bác sĩ Hồng Hà cũng đưa ra nhận định, có thể do trước đây ngành y tế chưa có báo cáo đầy đủ hoặc không có huyết thanh mẫu xét nghiệm để đọc trúng tên vi khuẩn liên cầu lợn nên không xác định được đúng số lượng bệnh nhân nhiễm.

Điều đáng lo ngại nhất là người dân còn chủ quan với căn bệnh này. Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận một bệnh nhân nam trong tình trạng rất nguy kịch, hôn mê sâu, hoại tử da, suy thận… sau khi ăn tiết canh dê. Kết quả nuôi cấy phân lập phát hiện bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn. Sau hơn 1 tháng điều trị không có tiến triển, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà chờ chết.

Bác sĩ Hà cho hay tại miền Bắc, bệnh nhân khi mắc liên cầu lợn thường bị ở thể nhiễm trùng huyết là chính trong khi ở phía Nam lại chủ yếu có biểu hiện của viêm màng não. Khi người bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, thời gian ủ bệnh thường rất ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của người khi mắc bệnh liên cầu lợn là: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, giảm sức nghe, cứng gáy… Với trường hợp bị viêm màng não, bệnh nhân sẽ bị rối loạn ý thức, phát ban ngoài da, giảm thính lực, điếc tai, liệt thần kinh sọ, suy thận nhẹ… Trường hợp nhiễm khuẩn huyết thường hay nổi ban, tụt huyết áp, hôn mê, hoại tử toàn thân phải cắt các ngón tay chân. Những trường hợp này nếu không cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong. Hơn nữa, việc điều trị cũng rất tốn kém và mất nhiều thời gian (1- 2 tháng) nên có không ít gia đình đã bỏ dở điều trị.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của người khi mắc bệnh liên cầu lợn là: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, giảm sức nghe, cứng gáy…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
TPO - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, công bố quyết định của Thủ tướng công nhận ngày 17/1 hằng năm làm Ngày truyền thống của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu tại buổi lễ.