Dịch chồng dịch

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Nguyễn
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Nguyễn
TP - Dịch tay chân miệng không ngừng gia tăng ở các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, sốt xuất huyết cũng vào mùa với hàng nghìn ca mắc khiến cho 2 dịch bệnh nguy hiểm này chồng lên nhau.

> Bộ trưởng Y tế kiểm tra tình hình dịch tay chân miệng ở Đồng Nai

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Nguyễn
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Nguyễn.

Tại hội nghị về phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) tại TPHCM hôm qua, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các đại biểu cho biết, số ca dịch TCMvà SXH vẫn gia tăng.

Bất thường

Theo ông Nguyễn Văn Bình- Cục trưởng Y tế Dự phòng, tính đến đầu tháng 8-2011, cả nước đã có 32.500 ca mắc tay chân miệng (TCM), 81 trẻ tử vong. Lượng bệnh tập trung cao nhất chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Hai địa phương có số ca mắc và tử vong cao nhất là TPHCM và Đồng Nai.

GĐ Sở Y tế TPHCM Phạm Việt Thanh cho biết, mọi năm dịch TCM xuất hiện vào 2 giai đoạn từ tháng 4-6 và tháng 9-11, còn năm nay dịch tăng đột biến từ đầu năm đến nay. “Thành phố đã có hơn 14.090 ca mắc TCM nhập viện, trong đó 7.352 ca của TPHCM còn lại hơn 6.700 ca ở các tỉnh lân cận và 61 trường hợp tử vong”- bác sĩ Thanh nói. Trong 22 ca tử vong ở TPHCM, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm hơn 90%.

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, GĐ BV Nhi đồng 1 TPHCM, mỗi ngày BV phải khám hơn 7.000 trẻ mắc TCM và hiện có 1.900 ca đang điều trị nội trú, 1/3 trong số đó diễn tiến nặng. TS Trần Ngọc Hữu- Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, ca mắc TCM đầu tiên được phát hiện từ năm 2003 tại TPHCM và đến nay số trẻ mắc TCM luôn gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Điều tra từ Viện Pasteur tại TPHCM về bệnh TCM cho thấy: năm 2010 số mắc là 3.621 ca, nhưng chỉ 8 tháng đầu năm 2011 số mắc đã vọt lên 7.351 ca và tử vong 22 ca. Theo nhận định của Viện Pasteur TPHCM, dịch TCM tăng đột biến và diễn biến phức tạp do xuất hiện chủng virus mới với độc lực cao hơn.

“Hiện nhiều quốc gia châu Á đang có dịch lớn theo chu kỳ 2-4 năm có dịch. Hiện nay phải chăng ta đang rơi vào chu kỳ dịch”- bác sĩ Hữu phân tích

Số ca tay chân miệng gia tăng khiến nhiều người lo ngại. Ảnh: L.N
Số ca tay chân miệng gia tăng khiến nhiều người lo ngại. Ảnh: L.N.
 

Dịch chồng dịch

Trong khi dịch TCM vẫn hoành hành, số ca mắc SXH cũng đang bùng phát dữ dội tại phía Nam. Theo ông Nguyễn Văn Bình, từ đầu năm đến nay đã có 30.801 trường hợp mắc SXH, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó có 27 trường hợp tử vong. Một số địa phương có số mắc và tử vong cao, đứng đầu là TPHCM (trên 5.000 ca), tiếp theo là Cà Mau (gần 2.000 ca) và An Giang, Đồng Nai, Bình Dương… (trên 1.000 ca/tỉnh).

* Bộ Y tế sẽ có dự thảo về công tác phòng chống dịch TCM trình Chính phủ để chỉ đạo các tỉnh thành vào cuộc mạnh mẽ, đồng thời chúng tôi sẽ có chỉ thị gửi các sở Y tế về phòng chống dịch bệnh này” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

* Hôm qua (15-8), Bộ Y tế phát động chiến dịch phòng chống SXH năm 2011. Theo đó, từ ngày 1-9 đến 30-9 sẽ đồng loạt triển khai trên 20 tỉnh thành phía Nam các hoạt động tuyên truyền, diệt muỗi, bọ gậy, dẹp vật dụng chứa nước để ngăn muỗi sinh sản.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có trên 31.900 ca mắc SXH, 27 người tử vong. Nhận định của Bộ Y tế, cuối năm nay dịch có thể tăng cao gấp 3- 4 lần so với hiện tại.

Bác sĩ Phạm Việt Thanh lo lắng, nếu như dịch TCM chưa kịp lắng xuống dịch SXH lại trồi lên thì rất khó đối phó. “Trong thời gian qua, BV phải di dời bệnh nhân khoa Nhiễm như các bệnh sởi, viêm màng não, đi nơi khác và hồi sức tăng cường dành cho bệnh nhi TCM. Kinh phí dành cho thuốc điều trị đã hết 66 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm chỉ riêng Gamma - Globulin đã hết 15 tỷ đồng”- bác sĩ Tăng Chí Thượng cho biết về tình hình điều trị tại BV Nhi đồng 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Nếu phát hiện 1 ca dương tính TCM ngoài cộng đồng có nghĩa đã có khoảng 200 ca khác đã mắc và mang virus”. Theo bà Tiến, hệ thống dự phòng cần phải xem lại, công tác chống dịch theo kiểu làm cho có nên không thể dập dịch được.

Đã có 50 tấn Cloramin B khử khuẩn cấp cho TPHCM từ đầu năm tới nay nhưng số ca mắc vẫn tăng mạnh. “Đó là do phòng chống dịch của ta không tới. Ở trên thì quá “nóng” với dịch nhưng ở dưới thì không làm”- bà Tiến nói. Theo bà Tiến, hướng dẫn khử khuẩn Cloramin B vẫn là vũ khí số một nhưng cần có giám sát của ban ngành, xã phường.

Truyền thông chưa “đánh” trúng đích

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị phòng chống dịch bệnh tại phía Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để dịch bệnh bùng phát có nguyên nhân do truyền thông phòng chống dịch bệnh chưa “đánh” trúng đích.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để cắt được dịch đang phát tán rộng, các địa phương cần tổ chức các tổ, nhóm kiểm tra, giám sát quyết liệt hằng ngày, tăng cường truyền thông, thông báo cụ thể bằng các phương tiện thông tin sẵn có của địa phương, phải đi sâu vào thực tế của từng hộ gia đình, từng tổ dân phố.

“Không nên phụ thuộc quá nhiều vào việc phân phát Cloramin B mà cái tối thiểu nhất là hướng dẫn người dân “rửa tay đúng cách” để phòng bệnh TCM, bà Tiến nói.

Theo Bộ trưởng, thực tế không chỉ có lo ngại dịch SXH, TCM mà hệ y tế dự phòng tại phía Nam cần xem lại nhiều hoạt động, trong đó có việc phòng chống căn bệnh sốt rét vốn đã thanh toán nhiều năm nay phát tán trở lại làm 47 ca mắc tại TPHCM.

Bộ trưởng Kim Tiến cho biết: “Phòng chống dịch được nói ra rả, thuốc diệt khuẩn được phân phát rộng rãi, hà cớ gì bệnh vẫn lây lan ngày càng rộng? Tại sao tử vong do TCM đã vượt lên đứng đầu trong các bệnh truyền nhiễm khiến VN có số ca tử vong xếp thứ 2 trên thế giới”.

Bà Tiến cho rằng, các tỉnh dành 30% ngân sách cho y tế dự phòng phòng chống dịch bệnh nhưng số ngân sách này chưa được chi nhiều cho tuyên truyền.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG