Theo thống kê từ Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm đã có 17 trường hợp tử vong do bệnh dại và hơn 20 nghìn trường hợp được tiêm phòng dại. Đáng chú ý là số ca mắc dại vẫn có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong mùa hè nắng nóng.
Ảnh minh họa. |
Tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh gần 100%
Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại diễn biến rất nhanh và bệnh nhân dễ tử vong vì ngưng tim, ngưng thở do tổn thương trung khu thần kinh. Tỉ lệ tử vong sau khởi phát của bệnh dại gần 100%. Đây là bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người bởi đến nay, căn bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bệnh thường gia tăng vào mùa. Virus dại xâm nhập vào cơ thể người qua vết cắn, vết xước, vết liếm trên lớp da, niêm mạc bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh trung bình 30 - 90 ngày; nhưng nếu vết cắn ở đầu, mặt, tay và nhất là với trẻ em thì thời gian ủ bệnh chỉ trong khoảng 2 tuần.
Trước khi phát hiện bệnh, thường từ 2-4 ngày người bệnh có dấu hiệu đau nhức, sưng tấy tại vết cắn. Ngoài ra, còn có dấu hiệu khác kèm theo như: bồn chồn, thổn thức, la hét, chán nản vô cớ.
Tùy vị trí tổn thương, người bệnh có những triệu chứng: co cứng, co thắt, co giật, run các cơ (kể cả cơ ở mặt); sợ nước, bệnh nhân thường rất khát nhưng khi uống nước họng bị co thắt lồng ngực, bị ức chế thở và run cầm cập.
Từ đó dẫn đến chỉ cần nhìn thấy 1 ly nước hoặc nghe tiếng nước chảy cũng sợ; sợ gió, sợ ánh sáng; tính cách bệnh nhân không bình thường, bệnh nhân bị phấn khích quá độ khi bị kích thích, thậm chí có những phản ứng dữ tợn, người bệnh trở lên hung bạo. Vì vậy, bệnh nhân thường có những hành vi không bình thường. Thể trạng suy sụp nhanh, hôn mê, ngất và chết.
Khi nào cần tiêm phòng dại?
- Khi bị chó hoặc mèo cắn hoặc cào xước dù vết cắn rất nhẹ. Khi thấy chó, mèo... cắn người cần theo dõi con vật trong khoảng 15-20 ngày, nếu con vật lên cơn dại phải xử lý ngay và phải chôn sâu xác con vật với các chất sát khuẩn. Không di chuyển hoặc bán con vật nghi dại để hạn chế sự lây lan vi rút dại. Không ăn thịt, giết mổ chó, mèo ốm...
- Khi bị súc vật dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng, cần rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng đặc 20%, nước muối hòa đặc, bôi các thuốc sát khuẩn như cồn 70%, dung dịch i-ốt ... ít nhất 5 phút. Sau đó, đến ngay các trung tâm y tế dự phòng của địa phương để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại sớm, đầy đủ theo lịch trình.
- Tiêm phòng dại cho chó và mèo.
- Khi bị chó hoặc mèo dại cắn, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc tự chế.
Nguồn lây bệnh dại chủ yếu ở Việt Nam là chó nuôi (chiếm 97%), mèo (3%). Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó ở nước ta còn rất thấp, chỉ đạt 60-70%. Có địa phương tỷ lệ này chỉ đạt 35-50%, thậm chí có tỉnh chưa tiêm phòng. |