Đến lượt mì gói bị nghi có chất DEHP

Khách hàng đang chọn mua mì gói Shin Ramyun, Hàn Quốc tại siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) chiều 15.6 - ảnh: Thanh Tùng
Khách hàng đang chọn mua mì gói Shin Ramyun, Hàn Quốc tại siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) chiều 15.6 - ảnh: Thanh Tùng
Sau hàng loạt các sản phẩm từ thạch rau câu, siro, nước ép trái cây, kẹo… được cơ quan y tế trong nước phát hiện chứa chất tạo đục DEHP, nay đến lượt mì gói cũng bị “mổ xẻ” để tìm DEHP.

> Đồng Nai: Thu hồi khẩn cấp 30 sản phẩm nhiễm DEHP

Khách hàng đang chọn mua mì gói Shin Ramyun, Hàn Quốc tại siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) chiều 15.6 - ảnh: Thanh Tùng
Khách hàng đang chọn mua mì gói Shin Ramyun, Hàn Quốc tại siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) chiều 15.6.
Ảnh: Thanh Tùng.
 

Mì Hàn Quốc bị nghi ngờ chứa DEHP

Mấy ngày nay, thông tin từ các báo nước ngoài cho biết, tại Malaysia, ngành y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng mì gói hiệu Shin Ramyun và Shin Ramen (hai nhãn hiệu mì của Hàn Quốc) được sản xuất tại Đài Loan vì nghi chứa DEHP; và tại Hồng Kông cũng phát hiện một số mẫu mì gói Hàn Quốc là Shin Ramyun hương vị nấm (sản xuất tại Trung Quốc) có chứa chất tạo đục khiến nhiều người tiêu dùng trong nước lo lắng.

Qua khảo sát của chúng tôi tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy, sản phẩm mì Hàn Quốc rất đa dạng về xuất xứ; từ Hàn Quốc, Trung Quốc, đến sản xuất trong nước được bày bán rất nhiều, nhất là trong các siêu thị.

Tại siêu thị Maximark Cộng Hòa (Tân Bình, TP.HCM) bày bán rất đa dạng sản phẩm mì Hàn Quốc, trong đó có loại Shin Ramyun gói 120g, hương vị tôm, sản xuất từ NongShim Trung Quốc; Shin Ramyun cũng gói 120g, xuất xứ từ NongShim Hàn Quốc. Cũng có mì Hàn Quốc rau củ, 120g, xuất xứ từ Trung Quốc - những mặt hàng này được nhập khẩu bởi Công ty Nhật Minh Thành (TP.HCM).

Tại siêu thị Co.opmart (Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM) thì bán một số loại mì Hàn Quốc mang tên Ramen được sản xuất trong nước như mì Ramen vị tôm; mì Ramen vị kim chi; Ramen vị bò cay (những loại này được sản xuất bởi Công ty CP thực phẩm mì Hàn Quốc, KCN Đồng Lạng, H.Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).

Tại siêu thị Big C (đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM) cũng có bày bán mì Shin Ramyun bao bì màu đỏ, nhập khẩu từ Hàn Quốc. Còn tại siêu thị Lotte (Q.11, TP.HCM) thì có bán mì gói Hàn Quốc loại Jin Ramen màu xanh, vị nhạt, sản xuất tại Hàn Quốc, không thấy Shin Ramen của Đài Loan, Trung Quốc.

Tại địa bàn Hà Nội, ghi nhận của PV chiều qua cho thấy, các loại mì ăn liền hiệu Shin Ramyun, Shin Ramen (Hàn Quốc), và mì ăn liền Nissin (Nhật Bản) chủ yếu được bày bán trong các siêu thị, hầu như không thấy xuất hiện tại các cửa hàng, đại lý khác.

Khi được hỏi về việc các loại mì Shin Ramyun và Shin Ramen của Hàn Quốc sản xuất tại Đài Loan và Nissin của Nhật Bản sản xuất tại Thượng Hải, Trung Quốc đang bị nghi chứa DEHP, một nhân viên của siêu thị Unimart cho biết, các sản phẩm mì này được bán trong Unimart đều do các công ty cung cấp, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và các nhân viên làm việc ở đây vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc các loại mì nhập khẩu này bị nhiễm chất độc.

Ngành y tế kiểm nghiệm mì gói

Hôm qua 15.6, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế cho biết: “Chúng tôi đã khẩn trương liên hệ với Bộ Y tế Malaysia để có được thông tin chính thức về mì gói nhiễm DEHP. Cho đến chiều cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia đã trả lời rằng, cơ quan y tế nước này chưa đưa ra quyết định thu hồi các sản phẩm nêu trên, vì còn chờ những kiểm nghiệm chính thức”.

Trao đổi với PV chiều qua, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai (Phó chi cục ATVSTP TP.HCM) nói: “Trước thông tin từ nước ngoài về mì Shin Ramyun, và Shin Ramen của Hàn Quốc chứa DEHP, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu loại mì này bày bán tại siêu thị (có nguồn gốc, đơn vị nhập khẩu rõ ràng) để kiểm nghiệm, giám sát, nhằm có biện pháp kịp thời. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ công bố ngay để người tiêu dùng biết”.

Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP TP.HCM vừa ra thông báo yêu cầu các công ty nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm từ các công ty của Đài Loan đã xác định có sản phẩm nhiễm DEHP phải khai báo với cơ quan chức năng trước ngày 20.6 để được kiểm soát.

Sau thời hạn này, nếu cơ quan chức năng phát hiện công ty có sản phẩm nhiễm DEHP sẽ bị xử lý nghiêm (trước đó Chi cục ATVSTP TP đã có thông báo về việc các công ty tự khai báo). Việc khai báo, kết quả xét nghiệm gửi về Chi cục ATVSTP, số 59 Nguyễn Thị Minh Khai Q.1 (lầu 3), ĐT: 35040418.

Khẩn trương thu hồi sản phẩm chứa DEHP ở Đồng Nai

Ngày 15.6, qua kiểm tra, Chi cục ATVSTP tỉnh Đồng Nai đã phát hiện, thu hồi các sản phẩm chứa DEHP tại siêu thị Metro (TP Biên Hòa).

Theo báo cáo của đại diện Metro Biên Hòa, trước khi chi cục đến kiểm tra, siêu thị đã tiến hành thu hồi 152 kg thạch rau câu môn New Choice có chứa DEHP. Chi cục ATVSTP Đồng Nai đã có văn bản đề nghị các phòng y tế huyện, thị xã trên địa bàn từ nay đến hết ngày 30.6 khẩn cấp thu hồi gần 30 loại sản phẩm gồm nhiều loại siro, nước ép trái cây, kẹo... có sử dụng chất tạo đục DEHP, mà Chi cục ATVSTP TP.HCM vừa phát hiện.

Theo T.Tùng - L.Châu - A.Tú - T.Chung
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.