> Tổng Bí thư tiếp Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa
Ông Tập Cận Bình (58 tuổi) được dự đoán sẽ trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc vào tháng ba năm tới, thay cho Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào sắp mãn nhiệm.
Tuy chưa phải là nguyên thủ quốc gia, nhưng ông Tập Cận Bình được phía Mỹ đón tiếp trọng thị, được Tổng thống Barack Obama tiếp riêng tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng - một lễ nghi ngoại giao chỉ dành cho những quan hệ đặc biệt thân thiết của Tổng thống Mỹ.
Trước các cuộc làm việc chính thức dự kiến diễn ra tại Nhà Trắng ở Washington vào đêm 14-2 (giờ Việt Nam), ông Tập Cận Bình tổ chức một bữa tiệc để làm quen với các quan chức Mỹ. Một hãng tin phương Tây cho biết, trong số khách mời dự tiệc có những người từng giữ vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ như cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright, hai cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski và Brent Scowscoft...
Trong cương vị Phó Chủ tịch nước được dự đoán lên chức Chủ tịch nước trong tương lai gần, ông Tập Cận Bình chắc sẽ phải rất thận trọng khi phát ngôn hay khẳng định các vấn đề chính sách lớn, đặc biệt là về những vấn đề liên quan quan hệ Trung-Mỹ, vấn đề nhạy cảm Trung Đông, Liên Hợp Quốc...
Tuy nhiên, theo tờ báo Trung Quốc China Daily, ông Tập Cận Bình được chờ đợi sẽ thảo luận mối quan hệ song phương, các vấn đề quốc tế và khu vực mà cả hai bên cùng quan tâm với các quan chức cao cấp Mỹ, trong đó có Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Các cuộc thảo luận này diễn ra dưới hình thức tham khảo sâu ý kiến của các nhà lãnh đạo hai bên nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mở đường cho quan hệ hợp tác tốt hơn trong tương lai, sau khi ông Tập Cận Bình đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao hơn.
Báo China Daily cho rằng vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và âm mưu của Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là hai nhân tố đang cản trở việc làm sâu sắc thêm quan hệ Trung-Mỹ.
Chuyến thăm Mỹ lần này của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa như một cơ hội để các nhà lãnh đạo hai nước làm quen với việc đề cập trực tiếp những vấn đề nhạy cảm như vậy.
Theo Đại sứ Mỹ Gary Locke được hãng BBC (Anh) dẫn lời, đây sẽ là cơ hội cho lãnh đạo hai nước thực sự ngồi xuống và nói về những khác biệt.
Chuyến thăm Mỹ gần nhất của ông Tập Cận Bình diễn ra cách đây 27 năm. Từ đó đến nay, quan hệ Trung-Mỹ có những bước phát triển mạnh với giá trị thương mại hai chiều trung bình mỗi ngày hiện nay đạt 1,2 tỷ USD, theo China Daily.
Giáo sư Fei Ling Wang, Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), phát biểu trên truyền hình CNN (Mỹ) rằng trong khi ông Tập Cận Bình có thể thận trọng và chưa dám cởi lòng thì Tổng thống Obama có thể chủ động có các cuộc nói chuyện chân thành với Chủ tịch nước Trung Quốc tương lai.
Các vấn đề nổi cộm hiện nay trong quan hệ Mỹ-Trung bao gồm cả việc xác định quan hệ hai nước vốn được coi là mối quan hệ song phương quan trọng và phức tạp nhất thế giới. Trong khi Trung Quốc đang theo dõi sát sao sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ lo ngại các tham vọng, ý đồ của Bắc Kinh bắt nguồn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo Giáo sư Fei Ling Wang, có nhiều vấn đề mà Tổng thống Obama có thể thảo luận với ông Tập Cận Bình dịp này, như liệu Trung Quốc có thực sự muốn đẩy đuổi Mỹ ra khỏi Biển Đông hay không;
Liệu Trung Quốc có giúp phương Tây phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên và Iran không; Khi nào Trung Quốc tôn trọng đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với WTO; Liệu hai nước có thể hợp tác được với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố và tin tặc đến mức nào...
Tuy nhiên, cho dù quan hệ Mỹ-Trung hiện nay phức tạp thế nào, chuyến thăm Mỹ lần này của ông Tập Cận Bình cũng là bước làm quen cần thiết, một tiền đề quan trọng cho quan hệ giữa hai nước lớn trên thế giới, tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững, hòa bình, ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới.