Ngày 2-2, tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Ôn Gia Bảo nói Trung Quốc “đang xem xét tham gia sâu hơn vào việc giúp đỡ châu Âu thoát khỏi khủng hoảng nợ thông qua các kênh EFSF và ESM”, tức là quỹ giải cứu tạm thời khu vực đồng euro và quỹ thay thế lâu dài, nhưng sau đó lại nói rằng sẽ xem xét thực hiện thông qua IMF.
Cứu trợ qua IMF phù hợp với ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc nhằm tăng cường vai trò và tiếng nói trong các tổ chức đa phương. Trung Quốc có nhiều ngoại hối nhưng ít kinh nghiệm tài chính. Vì thế, thông qua IMF, Bắc Kinh có thể học được nhiều kinh nghiệm xử lý những vấn đề liên quan.
Sự ủng hộ tài chính của Trung Quốc qua IMF có thể được sử dụng cho bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai, không nhất thiết chỉ ở châu Âu.
IMF muốn có thêm 500 tỷ euro để giúp các nước đối phó khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro. Một số nhà tài trợ lớn nhất đang lẩn tránh việc rót thêm tiền vì cho rằng châu Âu nên làm nhiều hơn để tự cứu mình.
Dư luận Trung Quốc cực kỳ phản đối nước này cứu trợ châu Âu, nơi thu nhập bình quân đầu người lên tới 32.100 USD, cao gấp khoảng 4 lần ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ quan điểm của chính phủ (toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế nghĩa là các nước ngày càng ràng buộc lẫn nhau), nếu Trung Quốc không giúp đỡ châu Âu thì Trung Quốc cũng bị thiệt hại lây.
Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc lo ngại cuộc khủng hoảng châu Âu có thể làm tổn thương Trung Quốc vì Liên minh châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.
Đối với Bộ Ngoại giao, cứu trợ thông qua IMF sẽ giúp họ tránh được việc bị so sánh rằng Trung Quốc thiên vị các đối tác kinh tế mới ở phương Tây so với những đồng minh truyền thống ở thế giới đang phát triển.
Sự tham gia sâu hơn vào IMF cũng khiến tiếng nói của Trung Quốc trong tổ chức này có trọng lượng hơn, góp phần tăng vai trò của Bắc Kinh trong các tổ chức quốc tế tương xứng hơn với quy mô kinh tế và dân số.