Vấn nạn 'bắt cóc cô dâu' ở Trung Quốc

Ngày càng nhiều phụ nữ nước ngoài bị lừa bán làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc. (Hình minh họa)
Ngày càng nhiều phụ nữ nước ngoài bị lừa bán làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc. (Hình minh họa)
Trung Quốc đang chứng kiến số lượng ngày càng tăng phụ nữ nước ngoài bị lừa, bắt cóc và bị buôn vào nước này để làm vợ của những người đàn ông địa phương.
Ngày càng nhiều phụ nữ nước ngoài bị lừa bán làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc. (Hình minh họa)
Ngày càng nhiều phụ nữ nước ngoài bị lừa bán làm vợ cho những người đàn ông Trung Quốc. (Hình minh họa).

Chen Shiqu, giám đốc cơ quan chống buôn người của Bộ Công an Trung Quốc nói với China Daily, hầu hết những người phụ nữ này đến từ các vùng nông thôn ở Đông Nam Á. Họ háo hức muốn tìm việc hoặc lấy những người đàn ông giàu có ở Trung Quốc để thoát khỏi cảnh nghèo khổ.

“Số lượng phụ nữ nước ngoài bị bán sang Trung Quốc đang tăng lên rõ rệt”, Chen cho hay nhưng không tiết lộ có bao nhiêu phụ nữ được cảnh sát Trung Quốc giải cứu trên toàn quốc.

Tuy nhiên, theo số liệu của sở công an tỉnh Hồ Bắc phía Bắc Trung Quốc, cảnh sát vừa giải cứu 206 cô dâu nước ngoài bị bán kể từ tháng 4/2009, chủ yếu có nguồn gốc từ Đông Nam á.

Chen nói rằng việc thiếu các hàng rào tự nhiên như sông hay núi ở vùng biên giới giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, cộng với sự nghèo khổ ở một số khu vực của những nước này, góp phần làm tăng nạn buôn bán phụ nữ nước ngoài vào Trung Quốc.

Các nạn nhân thường được bán tới những vùng nông thôn ở Trung Quốc, để làm vợ của người dân địa phương hoặc bị bắt trở thành gái bán dâm trong các tụ điểm ngầm ở khu vực bờ biển hoặc biên giới Trung Quốc, như ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông hay tỉnh Quảng Tây.

Chen cho hay nạn buôn bán người thường là sự cấu kết giữa tội phạm trong và ngoài Trung Quốc. Các phần tử tội phạm luôn tìm kiếm những phụ nữ trong độ tuổi 20 đến 30 ở vùng nông thôn. Chúng sau đó dụ dỗ họ bằng cách đưa ra lời hứa về công việc có thu nhập cao. Một số tên thậm chí còn thành lập công ty môi giới hôn nhân bất hợp pháp và hứa tìm cho nạn nhân những ông chồng Trung Quốc giàu có ở thành phố lớn.

Theo một nhân viên hải quan ở huyện tự trị dân tộc Cảnh Bá, tỉnh Vân Nam, sau khi nạn nhân đồng ý, bọn buôn người sắp xếp đưa những người phụ nữ vượt biên trái phép bằng cách đi đường mòn trong rừng hay bằng đường sông.

Sau khi vào Trung Quốc, bọn buôn người sẽ giao những phụ nữ này cho đồng bọn của chúng. Giá của một người phụ nữ dao động từ 20.000 tệ đến 50.000 tệ (3.100 USD đến 7.800 USD), dựa theo độ tuổi, ngoại hình và quốc tịch.

Điển hình là một phụ nữ 22 tuổi ở Myanmar được bán với giá 30.000 tệ ở Jiangdu, tỉnh Giang Tô và trở thành cô dâu của một người dân địa phương 28 tuổi. Nửa năm sau khi được giải cứu, người phụ nữ nói với cảnh sát rằng, cô không thể nói tiếng Trung và không có cách nào để chống lại việc bị bán.

Cô nói rằng, người chồng thường lạm dụng tình dục và đánh cô sau khi cô bị buộc phải lấy người đàn ông. Cuối cùng, cô tìm cách cầu cứu hàng xóm và họ giúp cô báo với cảnh sát. Cô được đưa trở lại Myanmar hồi tháng 7, nhưng những tên buôn người vẫn chưa bị bắt.

Chen cho biết, để đối phó với nạn buôn bán phụ nữ xuyên biên giới đang tăng cao, cảnh sát Trung Quốc vừa mở chiến dịch đặc biệt ở vùng biên giới từ tháng 7 đến tháng 9. Trong đợt truy quét này, cảnh sát tỉnh Quảng Tây phá được 30 vụ liên quan đến phụ nữ Việt Nam bị bắt cóc, phá tan 11 băng nhóm tội phạm và bắt giữ 53 nghi can.

Trong khi đó, cảnh sát giải cứu được 52 phụ nữ Việt Nam. Ở Vân Nam, cảnh sát phát hiện 21 trường hợp buôn bán phụ nữ Việt Nam và bắt giữ 17 nghi can, đồng thời giải cứu 22 nạn nhân người Việt Nam. Những phụ nữ được cứu thoát được đưa tới cơ sở tạm trú, trước khi được đưa trở lại quê nhà.

“Chúng tôi chú ý bảo vệ quyền lợi của những nạn nhân nữ được cứu thoát và giải quyết chu đáo để họ được hồi hương”, ông Chen nói. Chen nói rằng cảnh sát Trung Quốc sẽ thường xuyên thực hiện việc truy quét nạn buôn bán phụ nữ nước ngoài và tập trung các khu vực trọng điểm như bến xe, bến cảng và những con đường nhỏ vùng đồng bằng và vùng núi, nơi bọn buôn người thường qua lại.

Chen cho biết, sự tăng cường hợp tác giữa cảnh sát Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng là điều cần thiết để chống nạn buôn người.

Theo Bưu Điện Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.