> Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới
Rừng Nhiệt đới Amazon
Rừng Nhiệt đới Amazon, còn được gọi là Amazon, rừng rậm Amazon hay Lưu vực Amazon, bao gồm 7 triệu km2, dù rằng rừng chỉ chiếm khoảng 5,5 triệu km2, nằm trong 9 quốc gia (Brasil - 60%, Peru - 13%, Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam cùng Guyana thuộc Pháp.
Rừng mưa Amazon là một khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới. Đó là khu dự trữ sinh quyển cho loài người. Rừng mưa Amazon có sự đa dạng sinh học không đâu có thể so sánh. Khoảng 10 % số lượng loài đã biết trên thế giới sống tại rừng mưa Amazon. Nó hợp thành tập hợp lớn nhất các loài động, thực vật còn sinh tồn trên thế giới.
Khu vực này là quê hương của khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật, và khoảng 2.000 lài chim cùng thú. Khoảng 20 % loài chim trên thế giới sống trong các khu rừng mưa của Amazon.
Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long nằm ở tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Vịnh gồm hàng ngàn vùng đá vôi và các hòn đảo đa dạng về kích thước và hình dạng. Vịnh Hạ Long có bờ biển dài 120 km và cỡ khoảng 1.553 km2 với 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 334km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo.
Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của Vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm và quá trình tiến hóa carxtơ đầy đủ trải qua trên 20 triệu năm với sự kết hợp các yếu tố như tầng đá vôi dày đã khiến Hạ Long có được những hang động thiên nhiên với kiến tạo tuyệt đẹp.
Điểm đặc trưng nữa của Vịnh Hạ Long là sự phong phú của các hồ bên trong các hòn đảo đá vôi, ví dụ đảo Đầu Bê có đến 6 hồ nước. Tất cả các hồ đảo này cư ngụ các hố sâu ngập nước trong vùng núi đá vôi Phong Tùng.
Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. 14 loài thực vật đặc hữu và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật (riệng động vật có khoảng 200 loài cá và 450 loại thân mềm) quần cư tại Vịnh.
Di tích quốc gia vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Lần một vào ngày 17-12-1994, vịnh Hạ Long được công nhận về giá trị thẩm mỹ. Ngày 2-12-2000, vịnh được công nhận về giá trị địa chất, địa mạo.
Thác Iguazu
Thác Iguazu, bên Sông Iguazu (theo tiếng thổ dân nghĩa là Nước Lớn), là một trong những thác nước lớn nhất thế giới. Được mở rộng hơn 2.700 m (gần 2 dặm) hình bán nguyệt. Trong số 275 thác tập hợp thành Thác Iguassu, “Cổ họng Quỷ” là thác cao nhất tới 80m.
Thác Iguazu nằm trên biên giới giữa Bang Paraná của Brasil và tỉnh Misiones của Argentina, và được bao quanh bởi hai công viên quốc gia Vườn quốc gia Iguacu và Vườn quốc gia Iguazú (Brasil và Argentina).
Cả hai công viên đều là những khu rừng cận nhiệt đới, là nơi cư ngụ của hàng trăm loài thực vật và động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Cả hai vườn quốc gia đã được UNESCO công nhân là di sản thế giới vào năm 1986.
Đảo Jeju
Jejudo là một hòn đảo núi lửa, cách bờ biển phía Nam Hàn Quốc 130 km. Hòn đảo lớn nhất và là tỉnh nhỏ nhất ở Hàn Quốc, hòn đảo này có diện tích bề mặt 1.846km2. Một điểm đặc trưng ở trung tâm của đảo Jeju là Hallasan, ngọn núi cao nhất ở Hàn Quốc và một núi lửa không hoạt động, ngọn núi nổi lên 1.950m trên mực nước biển.
Có 360 núi lửa vệ tinh ở xung quanh núi lửa chính. Có khí hậu đại dương ôn hòa với những tháng nóng nhất cũng không quá 33 °C. Được hình thành từ những đợt phun trào núi lửa cách đây 2 triệu năm nên trên Jeju đâu đâu cũng thấy đá đen. Đá nằm khắp nơi hai bên đường, dọc các bờ biển, đá được tạc tượng...
Công viên Komodo
Vườn quốc gia Komodo của Indonesia bao gồm ba đảo lớn hơn là Komodo (có diện tích khoảng 390 km²), Rinca và Padar, cũng như một số đảo nhỏ, cho tổng diện tích 1.817 km2 (603 km2 mặt đất). Công viên quốc gia được thành lập vào năm 1980 để bảo vệ rồng Komodo. Sau đó, Công viên Komodo được chỉ định để bảo vệ thêm các loài khác, bao gồm cả động vật biển. Những hòn đảo của công viên quốc gia có nguồn gốc núi lửa.
Rồng Komodo (Varanus komodoensis) là loài thằn lằn còn sinh tồn lớn nhất thế giới, chiều dài con lớn trung bình 2-3 m. Đây là một loại thuộc họ kỳ đà, (Varanidae). Nó sinh sống trên đảo Komodo (nên được lấy tên theo đảo này) cũng như trên một số đảo nhỏ khác nằm cận kề. Thức ăn của chúng phong phú đa dạng, từ các loại côn trùng cho đến các loại thú như: dê, trâu rừng, lợn lòi hoang dã.
Vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa
Các Sông ngầm Vườn quốc gia Puerto Princesa nằm khoảng 50km về phía Bắc của thành phố Puerto Princesa, Palawan thuộc Philippines. Nó nổi bật với cảnh quan núi đá vôi dài 8,2km hướng dưới sông ngầm. Điểm nổi bật khác biệt của dòng sông là những cơn gió thổi qua một hang động trước khi chảy trực tiếp vào biển Đông. Nó gồm chủ yếu là nhũ đá, măng đá, và một số động lớn. Phần dưới của sông chịu ảnh hưởng của thủy triều. Nó được biết đến như sông ngầm dài nhất thế giới.
Tại cửa hang, một đầm phá được bao bọc bởi cây cổ thụ vẫn đang mọc đến mép nước. Các loài khỉ, thằn lằn lớn và sóc có nơi sinh sống thích hợp trên bãi biển gần các hang. Khu vực này cũng là nơi bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh vật núi-biển với 800 loại cây cỏ thuộc 100 họ khác nhau. Riêng chim ở đây có 162 loài.
UNESCO đã công nhận vườn quốc gia này là di sản thế giới ngày 4 tháng 12 năm 1999.
Núi Bàn
Núi Bàn (Table Mountain) là biểu tượng của Nam Phi và nó là địa danh tự nhiên duy nhất trên hành tinh này có một chòm sao của các ngôi sao được đặt tên theo nó là Mensa, nghĩa là “bàn”. Ngọn núi bằng phẳng trên đỉnh đã qua 6 triệu năm xói mòn và tạo nên sự màu mỡ; như vương quốc của những loài hoa nhỏ nhất trên trái đất với hơn 1.470 loài.
Núi Bàn tự hào là nơi chứa nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đây là danh thắng được biết đến nhiều nhất ở Cape Town - cửa ngõ vào châu Phi, nhờ phần chóp bằng phẳng độc đáo của nó với độ cao 1.086 m so với mực nước biển.
Lê Việt tổng hợp