Nghịch lý bao cao su ở Trung Quốc

Nghịch lý bao cao su ở Trung Quốc
TP - Biển hiệu neon trên cửa sổ của một cửa hàng nhỏ mờ tối dọc đường Jintai của thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc chạy dòng chữ Sản phẩm sức khỏe tình dục, nhưng ánh đèn sáng màu hồng ngụ ý rằng, còn rất nhiều thứ ở bên trong.

Thực tế, cửa hàng bán sản phẩm liên quan tình dục (sex shop) này giống như 2.000 cửa hàng khác ở Bắc Kinh. Cửa hàng bán khoảng 30 sản phẩm bao cao su cùng với nhiều loại công cụ hỗ trợ tình dục (sex toy) như máy rung, vòng bi, trang phục da… Nằm trong các hộp kính, bao cao su (condom) có nhiều màu như đỏ, xanh lá, vàng nhạt, hồng, trắng sữa…

Cấm quảng cáo sản phẩm liên quan sex

Suốt 22 năm qua, chính phủ Trung Quốc cấm tất cả hình thức quảng cáo bao cao su, trừ một số ít chiến dịch sức khỏe không có biểu trưng, không khẩu hiệu. Tháng 10-1989, chính phủ ra lệnh cấm, nói rằng những quảng cáo như vậy “đi ngược lại chuẩn mực xã hội và giá trị đạo đức của đất nước chúng ta”. Quy định nói rằng, dù sản phẩm là hợp pháp, nhưng “việc quảng cáo, quảng bá chúng phải bị nghiêm cấm”.

Tháng 9-1998, cơ quan chức năng Trung Quốc xác định rằng, bao cao su là sản phẩm liên quan đời sống tình dục nên thuộc dạng bị cấm quảng cáo.

Ngành công nghiệp khổng lồ

- Condom được phát miễn phí năm 1974

- Sex shop đầu tiên mở cửa năm 1993

- Máy bán hàng tự động chuyên bán condom lắp đặt đầu tiên ở khuôn viên đại học năm 1999

- Bảo tàng tình dục đầu tiên mở cửa năm 1995

- Có khoảng 200.000 sex shop ở đại lục

- Ngành sản xuất sản phẩm sex trị giá trên 100 tỷ nhân dân tệ (320 nghìn tỷ VND)/năm

- Khoảng 2,5 tỷ bao cao su được tiêu thụ mỗi năm ở Trung Quốc

Trong một số trường hợp, chính quyền kiểm soát, thậm chí vùi dập các chiến dịch quảng bá sức khỏe an toàn vì chúng dính dáng bao cao su.

Ví dụ, Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV phát một chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng về phòng chống AIDS vào ngày 28-11-1999, một ngày trước Ngày AIDS Thế giới. Chiến dịch do Ủy ban Quốc gia về Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thực hiện.

Quảng cáo trên truyền hình kéo dài 42 giây, trong đó xuất hiện một bao cao su dưới dạng một nhân vật hoạt hình chống lại virus HIV và các bệnh lây qua đường tình dục. Quảng cáo mang khẩu hiệu “ngăn mang thai ngoài ý muốn” và dòng chữ “bao cao su, không lo lắng”.

Quảng cáo này chỉ được phát sóng một lần vì ngay sau đó Cục Công nghiệp và Thương mại Nhà nước (SAIC) nói rằng, đó là quảng cáo trái phép.

Một quan chức SAIC nói rằng, lệnh cấm nhằm bảo vệ công chúng. “Quảng cáo bao cao su xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng không thực sự tốt cho không khí xã hội”, vị quan chức này nhận định.

Lệnh cấm thực sự lỗi thời

Có những lý do mạnh mẽ để ủng hộ cũng như phản đối lệnh cấm quảng cáo condom. Huang Shengming, Trưởng khoa Quảng cáo của Trường Đại học Thông tin Trung Quốc, nói rằng, cần xem xét quy định trong bối cảnh phù hợp.

“Có thể hiểu được lệnh cấm dưới góc độ văn hóa. Xã hội nói chung không thoải mái khi công khai nói về sex. Các công ty luôn muốn quảng cáo của họ hấp dẫn, gợi tình và điều này khiến một số người không thoải mái”, ông Huang nói.

Trung Quốc sản xuất hơn 6 tỷ bao cao su latex và xuất khẩu gần 1,8 tỷ condom trong năm 2009, đồng thời nhập khẩu 650 triệu bao cao su các loại, theo Hiệp hội Công nghiệp Cao su Trung Quốc. Vị quan chức của SAIC không giải thích tại sao quảng cáo condom lại bị cấm, nhưng ông thừa nhận rằng, trong lĩnh vực sex, xã hội hiện nay cởi mở hơn rất nhiều so với trước.

“Lệnh cấm thực sự lỗi thời. Nó không thay đổi hơn 20 năm qua. Nhưng tôi chưa nghe thấy bất kỳ kế hoạch thay đổi nào”, ông nói.

Những năm qua có một số nỗ lực nhằm quảng bá condom nhưng không rõ chúng có nhằm mục đích lách luật cấm quảng cáo bao cao su hay không. Tháng 10-1998, Cty Jissbon cho quảng cáo condom trên thành 80 xe bus ở thành phố Quảng Châu. Người dân địa phương phản ánh tới cơ quan chức năng. Kết quả là quảng cáo bị dỡ bỏ 33 ngày sau.

Hai thập kỷ qua, nhiều nhà sản xuất condom khác đã thử quảng cáo sản phẩm của họ trên biển quảng cáo khổ lớn, TV, tàu điện ngầm… Tất cả những quảng cáo đó bị dỡ bỏ trong một vài ngày, thậm chí vài giờ, sau khi chính quyền địa tuyên bố đó là những quảng cáo trái phép.

Búp bê tình dục được trưng bày tại Festival Văn hóa Tình dục ở Bắc Kinh hồi tháng 5 Ảnh: Chiafu Chen
Búp bê tình dục được trưng bày tại Festival Văn hóa Tình dục ở Bắc Kinh hồi tháng 5. Ảnh: Chiafu Chen .

Tiêu chuẩn kép

Không ai bàn chuyện dỡ bỏ lệnh cấm quảng cáo condom cho đến khi HIV/AIDS trở thành vấn nạn. Hiện nay, các nhà sản xuất bao cao su được phép làm việc với các cơ quan nhà nước và tổ chức phi chính phủ (NGO) để thực hiện quảng cáo truyền thông AIDS, nhưng biểu trưng (logo) công ty và tên nhãn hiệu thường không xuất hiện trong quảng cáo.

Wan Yanhai, Giám đốc Viện Giáo dục Sức khỏe Aizhixing (một NGO có trụ sở ở Bắc Kinh chuyên lĩnh vực giáo dục về HIV/AIDS), nói rằng, rất ít công ty muốn trả tiền cho quảng cáo không có logo của họ. “Không nên coi bao cao su là sản phẩm sex; nó là sản phẩm sức khỏe sinh sản”, ông Wan nói.

Các nhà quảng cáo chuyên nghiệp không thể kiếm lời từ thị trường béo bở này. Ge Yongming, Giám đốc quảng cáo của Công ty Quảng cáo Giao thông Công cộng Bắc Kinh, buộc phải từ chối nhiều khách hàng tiềm năng. “Nhiều nhà sản xuất condom hỏi tôi về cách quảng cáo trên xe bus và tôi phải giải thích tại sao lại không thể làm điều đó”, ông Ge nói.

Nhà xã hội học Li Yinhe ở Bắc Kinh nói rằng, hiện có tiêu chuẩn kép về vấn đề này vì những sản phẩm khác, ví dụ băng vệ sinh được quảng cáo tự do trên TV mỗi tối. “Nếu bạn muốn nói về tác động xấu đối với con trẻ thì băng vệ sinh khác condom ở chỗ nào? Bao cao su chỉ là một công cụ, một công cụ hữu ích. Tại sao nó vẫn bị kỳ thị? Không khí chung vẫn là chống sex ghê lắm!”, ông Li nhận xét.

Đông Phong
Theo Global Times, China News Service, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG