Ông Motohisa Furukawa - Hạ nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Dân chủ Nhật Bản, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, trao đổi với PV Tiền Phong.
Nghị sĩ Motohisa Furukawa . Ảnh: Đ.P |
Ông Furukawa (44 tuổi) được đánh giá là ngôi sao đang lên trên chính trường, có tầm nhìn xa về tương lai của Nhật Bản với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Nhật Bản quan tâm thế nào đối với ba dự án lớn ở Việt Nam gồm đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, và khu công nghệ cao Hòa Lạc?
Năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phía Nhật Bản hợp tác xây dựng 3 dự án này. Chúng tôi công nhận tầm quan trọng của các dự án đó và đang làm việc một cách nghiêm túc đối với 3 dự án đó trên tinh thần quan hệ đối tác kinh tế.
Về đường bộ cao tốc, Nhật Bản đã cung cấp tín dụng ODA (viện trợ phát triển chính thức) cho một phần của dự án. Về đường sắt cao tốc, nghe nói Chính phủ Việt Nam đang rà soát dự án để lại trình lên Quốc hội. Phía Nhật Bản muốn hợp tác theo hướng có lợi cho người dân Việt Nam để cuối cùng tàu hỏa cao tốc Shinkansen được thực hiện ở Việt Nam.
Về dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc, phía Nhật Bản đang xem xét lại quy hoạch dựa trên cơ sở của một dự án ODA. Hai bên vừa mới bắt đầu các nghiên cứu khả thi. Cả ba dự án lớn nói trên sẽ tiếp tục là những biểu tượng của quan hệ hữu nghị Nhật - Việt.
Hai nền kinh tế có thể tận dụng thế mạnh và bù đắp thế yếu của nhau như thế nào?
So sánh về tỷ lệ dân số giữa trẻ và già, tôi cho rằng, ở hai nước chúng ta là ngược nhau, vì vậy chúng ta có thể bổ sung cho nhau.
Hiện nay, số người già ở Nhật Bản chiếm tỷ lệ rất lớn trong khi người trẻ chiếm tỷ lệ khá nhỏ. Có thể coi đó là hình tam giác lộn ngược. Trong khi đó, lực lượng lao động ở Việt Nam có lẽ cũng giống như ở Nhật Bản cách đây 30 - 40 năm. Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ người trẻ cao hơn người già nên các bạn có cấu trúc dân số hình tam giác xuôi.
Ngoài các chương trình ODA, Nhật Bản đang cử những kỹ sư giàu kinh nghiệm, lớn tuổi, đã về hưu sang Việt Nam theo chương trình tình nguyện để chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Thông qua những chương trình như vậy, Nhật Bản có thể góp phần vào sự phát triển của Việt Nam. Hiện nay, Nhật Bản có rất nhiều người già cần được chăm sóc. Đến nay, chúng tôi mới nhận những người lao động trẻ từ Philippines và Indonesia. Trong thời gian tới, Nhật Bản có thể nhận lao động trẻ từ Việt Nam sang làm những việc như vậy.
Nhật Bản còn có công nghệ được phát triển trong nhiều năm qua để xây dựng các công trình hạ tầng như đường bộ, đường sắt, cầu, điện hạt nhân... Tại Nhật Bản, việc xây dựng hạ tầng đã gần như hoàn thiện trong khi ở Việt Nam vẫn còn nhiều lĩnh vực cần những hạ tầng đó.
Nhật Bản có thể chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm cho Việt Nam. Do trình độ phát triển của hai nước ở mức khác nhau, hợp tác Nhật - Việt đảm bảo hai bên cùng có lợi. Với tư cách những đối tác kinh tế, đó là điều rất tốt.
Chính sách đối ngoại của chính phủ Nhật Bản hiện nay đối với Việt Nam và Đông Nam Á nói chung có gì khác so với các chính phủ Nhật Bản trước đây?
Đường lối cơ bản trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản dựa trên cơ sở liên minh Nhật - Mỹ và tăng cường quan hệ với các nước châu Á. Chúng tôi không thay đổi chính sách đối ngoại cơ bản này.
Với tư cách các đối tác chiến lược, Việt Nam và Nhật Bản cần tăng cường hơn nữa các mối quan hệ hai nước. Khi tôi đến thăm Việt Nam, môi trường và không khí ở đó gợi cho tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình ở Nhật Bản cách đây 30 - 40 năm.
Quan hệ 2 nước sẽ phát triển theo hướng nào?
Do quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản là quan hệ đối tác kinh tế, tôi tin rằng mối quan hệ này đang phát triển sâu, rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả kinh tế, chính trị và văn hóa vì sự thịnh vượng chung ở châu Á.
Xin cám ơn ông.
Thực hiện