Anh hùng Hồ Giáo và những con trâu quà tặng cuối cùng

Anh hùng Hồ Giáo và những con trâu quà tặng cuối cùng
TP - Anh hùng Hồ Giáo chăn bò ở Ba Vì, là nguyên mẫu của anh Nhẫn trong “Cỏ non” của Hồ Phương, rồi đi vào thơ Tố Hữu.
Anh hùng Hồ Giáo và những con trâu quà tặng cuối cùng ảnh 1
Anh hùng Hồ Giáo với những con trâu quà tặng cuối cùng

Bao nhiêu lứa học trò đã biết đến Hồ Giáo trong: “Đàn bê của anh Hồ Giáo” ở sách giáo khoa. Giờ đây, ông vẫn đang ngày ngày chăm bẵm 4 con trâu Mura do bà cố Thủ tướng Ấn Độ Indra Gandi tặng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng...

Tôi ngồi  với ông nơi thềm đá chuồng trâu. Cỏ. Mùi nước tiểu, phân và mùi trâu cùng mùi ẩm mốc của chuồng trại xây từ cái thời nó còn là cơ sở nông sản thực phẩm Bắc Nghĩa Bình những năm 80 thế kỷ trước.

Mấy con trâu xem ra ỷ có chủ bên cạnh nên mạnh dạn thò đầu qua máng cỏ khua sừng. Ông đang dọn vệ sinh chuồng trâu.

Trời hơi lạnh mà chiếc áo xanh công nhân cũ nát có miếng vá to tướng nơi cổ đẫm mồ hôi. Chỗ tập trung  cỏ cho trâu ăn là cái kho tường cao ngang vai tôi, không cửa ra vào.

Tôi thấy ông vừa vận mình trèo qua, chân chưa chạm đất, miệng đã phì phò. Một ngày bốn con trâu ăn chừng 170 kg cỏ. Mưa nắng, bão lụt, tết, lễ, chúng nó chả  cần biết cõi người có lệ nghỉ ngơi, cứ ậm ẹ róng riết đòi nhai.

Và cũng thế, từ khi đàn trâu 15 con do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng tỉnh Nghĩa Bình được đưa về xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành này năm 1991, chừng ấy năm, mãi đến giờ, không biết bao lần ông đã trèo qua trèo về với cỏ và trâu.

Cuộc đời ông quả đúng như thơ Tố Hữu “Tôi hỏi anh có thú vui gì - Anh cười : Thú vui đời đi chăn bò”. Nhưng, cái nghiệp, cái thú vui ấy đeo đuổi một đời, đến đoạn cuối, đã chuyển sang những âm giai buồn.

Trâu giống Ấn Độ, to, cao, khỏe, về sống trên cánh đồng khô cằn Quảng Ngãi. Trước khi trâu được đưa về, ông đã được đi Ấn Độ thăm dò phong thổ để nuôi trâu.

Giống trâu Ấn Độ tướng mạo khá lạ với trâu ta: Có xoáy (lỗ), đốm trắng ở đầu, đuôi. Mấy ông nông dân Quảng Ngãi, khi được đến nhận trâu về nhân giống, vừa nhìn thấy đã bác ngay: Phản tướng!

Ông bà chả bảo “lỗ đầu, bán. Lỗ trán, nuôi. Lỗ đuôi, ăn thịt”. Thiệt ác, chưa hết đâu, cái thứ gene giống chi lạ, mắt thì  bên trắng bên đen, có khi trắng cả hai. Hỏng.

Ông Giáo bật cười: “Mấy ổng nói trâu gì mà bị đánh đến kéo mây qua mắt, thấy đường đâu mà đi”. 

Nói thế chứ nó cũng nhập vào làng trâu trên đất này, làm phận cày kéo, năng suất gấp đôi trâu mình, lại khôn hơn, đến bờ là đứng lại đàng hoàng chứ không nhảy bậy như mấy anh trâu nhà ta, nhưng không khỏi tránh được cái nhìn kém phần ưu ái.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng dặn sữa trâu không được đem cho hay bán, phải đem xuống các trường mẫu giáo cho các cháu. Thời buổi sữa lon sữa hộp tàu tây ta ngút ngàn này, ai thèm xài sữa trâu ông Giáo? Rơi rụng mãi, bây giờ còn bốn con…

… Nếp nhăn đã xô dựng đầy trên gương mặt sạm đen của ông già 78 tuổi từng nổi tiếng trong sách giáo khoa ở bài: “Đàn bê của anh Hồ Giáo”. Tóc tai lòa xòa. Dáng hơi còng bởi bao năm mang vác, quét dọn, cắm mình trên đồng cỏ.

Chừng ấy năm, sáng, chiều đi bộ 5 km từ nhà ở thị xã Quảng Ngãi lên đây chăn đàn trâu rồi lại quay về, không xe cộ.

Năm kia, ông lại “tái xuất” trên báo, không phải chuyện trâu bò mà là nỗi dằn vặt tuổi già với bà vợ 64 tuổi cũng là bộ đội về hưu, đau ốm quanh năm nhưng thiếu bàn tay chăm sóc của con cái.

Vợ chồng già có cô con gái tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, ra trường nhận nhiệm sở tuốt trên vùng cao Sơn Hà. Chạy xin mãi về gần nhà không được. Báo chí vào cuộc. Rồi cô gái cũng được về  bên cha mẹ.

Ông cười rầu rầu, thì cũng nhờ mấy nhà báo thôi, mình nói ai nghe… Bây giờ, tôi cảm nhận ở ông cái thú vui yên  lặng với trâu, bỏ lại sau hào quang hai lần  được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1966 và 1986.

Khi vừa chào ông, tôi như  gặp cái nhìn trống không và một câu nói “tôi mắc cắt cỏ”. Khi tôi bắt đầu lật sổ ghi chép, ông tiếp: “Ngắn thôi nghen, tôi không có thời gian”.

Nhìn ông cong người  vác cỏ, cứ vài bước lại thở dốc ra trong cái  xám lạnh nền trời giữa cánh đồng 4 ha xanh mướt cỏ, tôi có cảm giác hay là ông này đã đạt “đạo” chăn trâu như câu ca “ai bảo chăn trâu là khổ”.

Đời ông gắn với nó, thở ra hít vào với mùi trâu. Ông bảo, có lần họp dưới tỉnh, nhớ quá, ông chuồn về, cũng chẳng phải làm gì, chỉ đứng nhìn đàn trâu. Bao chuyến đi xa, cả đêm trằn trọc, mong trời sáng lại về.

Hôm trước tôi đến, chị công nhân ở đây bảo, hễ nghe tiếng bác Giáo từ xa là chúng nó rống lên, vui mừng ra mặt. Và hình như chỉ có nó vui với ông.

“Ông Tố Hữu nói  nông thôn có máy làm trâu thay người. Đúng thế. Bây giờ ai cày trâu nữa. Nhưng không cày thì nuôi ăn thịt. Cái giống này quá dễ nuôi, thịt  ngon như thịt bò. Tôi đi Bình Phước, thấy có người nuôi đến 100 con, nghĩ mình mà tủi”.

“Thế sao ông không mở rộng, nhân giống thêm ra?  Ông đã đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh chưa ?”.

Ông im lặng rồi thở dài : “Không”. “Vì sao?”. “Vì mấy ổng không quan tâm. Từ ngày ông Phạm Văn Đồng mất đến giờ, không thấy ông  lãnh đạo nào đặt chân đến trại này cả”.

Tiếng nhai cỏ trệu trạo. Một điều chắc chắn là mấy con trâu đến từ xứ xa  đang giương mắt nhìn chủ và tôi, không hề biết một  cơn giông đang nổi lên trong lòng chủ, khi tôi đánh liều câu hỏi cuối: “Đàn trâu sẽ đi về đâu?”.

“Tôi mất ngủ mãi về việc này. Không biết rồi sẽ ra sao. Nhưng khi nào tôi còn sống thì nó còn. Trâu này ông Đồng cho, nếu trung ương  vào đây bảo tôi bán đi, cho đi, thì tôi đồng ý, chứ lãnh đạo tỉnh ra lệnh thì tôi quyết không chịu!”.

Ông nhấn giọng nhưng tôi có cảm giác nó tan đi trong gió chiều bạt cỏ rì rào…

Trâu nó lại đòi ăn. Nhìn ông với mười ngón to bè, gân guốc, đen nhẻm, đất  bám cứng trâu đầu móng đang xới cỏ lên đưa đến miệng trâu như chăm con nhỏ, tôi lại nghĩ đến những đứt đoạn chia lìa đến trong đời.

Một cuộc đối thoại, gắn kết âm thầm mà quyết liệt, dai dẳng và chung thuỷ giữa ông và mấy con trâu.

Đây không chỉ là món quà mà còn là sự  gửi gắm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho quê hương Quảng Ngãi và ông, với khát vọng  góp phần đổi đời với quê nhà nghèo khó.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.