Tiếng hát phòng trà

Một phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn đầu tư chương trình lớn Ảnh: T.N.A
Một phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn đầu tư chương trình lớn Ảnh: T.N.A
TP - “Cũng như ai không đến Hà Nội ban ngày thì không hiểu Hà Nội, nếu ai đó chưa từng tới Sài Gòn vào ban đêm thì người ta không thể hiểu thế nào là Sài Gòn”. Linh “xù” một ca sĩ nhạc rock kỳ cựu nói với tôi như vậy.

> Tây hát trong đêm nhạc giỗ Trịnh Công Sơn

Văn hóa phòng trà từ Bắc vào Nam

Người ta nói phòng trà ca nhạc xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội chứ không phải Sài Gòn. Phòng trà mang tên Nghệ Sĩ xuất hiện ở khu vực Hồ Gươm năm 1956.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhắc lại ca nhạc phòng trà thời tạm chiếm này. Chúng là nơi gặp gỡ và biểu diễn của các nhạc sĩ lãng du như Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh.

Phòng trà không thay thế những nhà hát Ả Đào mà chúng là một loại hình văn nghệ hiện đại, với chất lượng nghệ thuật cao hơn và chúng mang dáng dấp của các quán bar phương Tây đã được Việt hóa.

Muộn hơn một chút, phòng trà ca nhạc ở Huế cũng xuất hiện. Với miền Nam, từ sau 1954, cùng với những người Bắc di cư, ca nhạc phòng trà xuất hiện và phát triển.

Linh “xù” nói với tôi những phòng trà ca nhạc ở miền Nam trước 1975 không chỉ là một màu xám, nơi lính Mỹ hưởng lạc thú với rượu và sex. Hàng chục phòng trà là nơi nuôi dưỡng dòng nhạc dân tộc và nâng niu các tác giả trẻ.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã nổi tiếng từ Quán Văn. Trong một lần đi nghe hát ở phòng trà, Trịnh Công Sơn đã xúc cảm khi nghe ca sĩ Thanh Thúy biểu diễn mà viết tặng cô ca khúc Ướt mi, tác phẩm được in ấn đầu tiên vào năm 1959 và tác giả nhận số tiền tác quyền tương đương năm cây vàng.

Đôi khi người ta tự hỏi vì sao người miền Nam nói tiếng Nam mà hát tiếng Bắc? Đấy có thể bởi vì văn hóa nhạc phòng trà mang đậm chất Bắc, nơi các nghệ sĩ và các tác giả phần nhiều đều đến từ miền Bắc và miền Trung.

Lạc hướng

Các ca sĩ chật vật với các phòng trà đang dần vắng khách
Các ca sĩ chật vật với các phòng trà đang dần vắng khách.
 

Sau năm 1975, cũng như ở Hà Nội, các phòng trà hầu hết đóng cửa. Việc biểu diễn do nhà nước quản lý và được tổ chức thành các đoàn, các sân khấu.

Anh Danh, cây ghi ta chơi ở ban nhạc Sinco cũng là cây ghi ta nhạc Blue hàng đầu Sài Gòn kể: “Ban nhạc chúng tôi trực thuộc một nhà máy, chuyên phục vụ anh chị em công nhân, nên mang tên của nhà máy”.

Hai dòng nhạc lớn của phòng trà là nhạc ngoại và nhạc vàng bị cấm triệt để, các nghệ sĩ chuyển dần sang những công việc khác. Đào Hoa Nữ chẳng hạn, chị đã từ bỏ công việc ca sĩ để đi làm một nhà nhiếp ảnh và nổi tiếng.

Một số khác được phép tiếp tục biểu diễn nhưng họ không dễ gì tìm được bài hát phù hợp cho chất giọng của mình.

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai kể: “Một hôm tôi đang làm ở Đài tiếng nói TPHCM thì thấy thường trực báo có khách. Hóa ra là ca sĩ Duy Khánh đến xin bài Huế tình yêu của tôi. Duy Khánh đi hát cùng với các đoàn văn công, nhưng anh kêu hiếm bài quá, nên đến nhờ tôi cho phép hát, bởi trước đó Nhã Phương chuyên hát bài này của tôi”.

Sau một thời gian, Duy Khánh đã ra nước ngoài sinh sống và ca hát cho đến khi qua đời.

Sau 1986, các phòng trà ca nhạc dần được phục hồi. Bắt đầu nhộn nhịp và phát triển cực thịnh vào những năm 2000, khi nhiều phòng trà quy mô từ 100-500 chỗ như Tiếng Tơ Đồng, Đồng dao, Văn Nghệ… hút khách và cát xê của các ca sĩ tăng chóng mặt.

Nhưng, một chuyên gia trong lĩnh vực phòng trà đã cảnh báo rằng phòng trà ca nhạc đang bị biến tướng. Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói: “Phòng trà bị sân khấu hóa quá nhiều.

Các ca sĩ sân khấu đem vào không khí của sân vận động. Phòng trà thiếu tính lãng tử nghệ sĩ vốn là đặc trưng của nó”.

Ca sĩ trẻ lăn lộn ở các quán
Ca sĩ trẻ lăn lộn ở các quán .

Nấm sau mưa

“Khi thời của các sân khấu lớn đã đi qua và thời của phòng trà chưa tới, cơ hội đã dành cho các quán cà phê ca nhạc - Thanh Thúy, chủ một quán cà phê nhạc nói - Nó là mô hình thưởng thức âm nhạc dưới 100 chỗ, đầu tư không cao, các ca sĩ không thực sự nổi tiếng nên cát xê vừa phải”.

Hàng loạt nghệ sĩ tiếng tăm tâm đắc với phòng trà ca nhạc. Phòng trà Siu Black ra đời, rồi phòng trà của ca sĩ gạo cội Cẩm Vân cũng được mở.

Ca sĩ Tây Nguyên Siu Black nói: “Cuộc sống thị trường ngày càng xô bồ. Người hát hay chưa chắc có đất sống, nhiều xì - căng - đan lại được đắt sô. Ai cũng muốn giữ cho mình một chốn riêng đành phải tìm tới cà phê nhạc”.

Mọi sự đã nhanh chóng xấu đi, khi số lượng những quán cà phê nhạc không phép mọc như nấm.

Cách đây mấy tháng, Thanh Thúy đã đóng cửa quán của cô bởi quá vắng khách: “Hàng trăm quán cà phê nhạc nhưng chương trình thì đều giống nhau. Sức hấp dẫn không còn nữa, làm sao khách còn tìm tới”.

Cà phê Yoko một địa chỉ nổi tiếng về nhạc ngoại của giới trẻ cũng khá vắng vẻ. Chương trình đã thay đổi rất nhiều, mỗi đêm có một thậm chí vài ban nhạc biểu diễn.

Ban nhạc của chính quán này đã nhường đất cho các ban nhạc mới, nên họ chỉ còn một suất diễn mỗi tuần. Mặc dù chương trình được mở rộng, nhưng lắm khi người quản lý phải “đập vỡ chai rỗng” để giải xui mà quán vẫn đìu hiu.

Nhạc sĩ Thanh Bình, chủ bút trang âm nhạc Giai điệu xanh nói: “Nhiều khán giả dần đánh mất thói quen thưởng thức âm nhạc một cách nghiêm túc và cầu kỳ. Họ có nhiều trò giải trí mới và dần quan tâm nhiều đến các vụ xì - căng - đan, những chương trình giải trí câu khách rẻ tiền và vô bổ trên các phương tiện truyền thông”.

Dậy mùi thân xác

Một thành phố phát triển với gần 10 triệu dân nhưng tìm được những điểm biểu diễn có chất lượng nghệ thuật cao hằng đêm quả không dễ.

Trong khi đó, không hiếm những tụ điểm gắn biển “live music”, nhạc sống, đứng đón khách ngay bên đường là các cô chân dài đến nách mà một nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết.

Trong một quán bar ở trung tâm thành phố, rượu mạnh, “tài mà”- một thứ ma túy loại nhẹ, mùi nồng nặc khắp nơi. Các cô gái nằm gọn trong tay các anh chàng đến từ nước ngoài.

Đôi mắt phê thuốc, cô chỉ còn biết than vãn: “Nhìn đời chỉ thấy một màu… điên điên”.

Cô khoe: “Em có một tủ lạnh cỏ lào (một thứ ma túy)”. Những bộ đồ hút thảo mộc được bày công khai trong một quán nhạc. Chủ quán nói: “Chúng em đâu muốn trưng thứ đồ quái quỷ này. Nhưng, khách cứ hỏi hoài”.

Vài hôm sau, bộ đồ hút dây dợ dài cả mét được dẹp đi. Chẳng biết có phải vì thế mà khách khứa cũng giảm ít nhiều.

Trong một quán bar ca nhạc, những cô gái xinh đẹp, mười sáu mười tám tuổi, “ăn mặc cho có”, đùi hở, ngực mở, mỗi cô cầm một chai bia, sà vào khách.

Trên sân khấu, ca sĩ khá tên tuổi vừa nhảy múa vừa hò hét. Anh ăn mặc kiểu cao bồi Mỹ, hát nhạc ngoại quốc. Bài hát hay, giọng hát không tệ.

Nhưng, ngoại trừ người quản lý đi lại dòm ngó lên sân khấu, khách khứa còn bận đối phó với các cô gái chân dài hở rốn đang vây kín như một đàn cá. Mỗi cô gái tay cầm một chai bia.

“Tối nay các anh nghỉ ở đâu?”. Bia, rượu mạnh được bật bôm bốp. Người ta không biết ca sĩ đang hát gì và rồi tụ điểm ca nhạc này sẽ đi về đâu.

Vài tháng nay không thấy Linh “xù” biểu diễn ở các tụ điểm nữa. Rất mệt mỏi, Linh nói với tôi anh muốn giải nghệ sau gần 30 năm gắn bó với các phòng trà.

“Công việc đang trở nên tẻ nhạt. Người nghệ sĩ không thể sống mà không có công chúng đích thực của mình”.

cà phê nhạc

Trên sân khấu, ca sĩ khá tên tuổi vừa nhảy múa vừa hò hét. Anh ăn mặc kiểu cao bồi Mỹ, hát nhạc ngoại quốc. Bài hát hay, giọng hát không tệ.

Nhưng, ngoại trừ người quản lý đi lại dòm ngó lên sân khấu, khách khứa còn bận đối phó với các cô gái chân dài hở rốn đang vây kín như một đàn cá

3-2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG