Mộng du tháp cổ

Mộng du tháp cổ
TP - Bản Xằng Tớ nay là Yên Hòa, thuộc xã biên giới Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An, nằm ở thượng nguồn dòng Nậm Nơn, giáp tỉnh Xiêng Khoảng (nước bạn Lào).

> Phi đội nhảy tàu

Ở đây sừng sững một ngọn tháp cổ đầy rêu phong, cao vút mà không ai biết lịch sử của nó. Người dân tạo cho ngọn tháp nhiều câu chuyện khiến nó được bao phủ bởi cả màn sương huyễn hoặc.

Chạm tay vào tháp

Dòng Nậm Nơn không còn chảy xiết như mùa lũ trước nữa. Từ ngày thủy điện Bản Vẽ ngăn dòng, Nậm Nơn trở thành một lòng hồ mênh mông.

Mỹ Lý nằm giữa thung lũng, là một trong những xã xa nhất của huyện biên giới Kỳ Sơn, bà con phải sống biệt lập với bên ngoài. Để vào được nơi này, phải ngược dòng Nậm Nơn, nếu không, phải theo đường bộ trùng điệp núi rừng.

Dòng Nậm Nơn – lối vào bản Xằng Tớ
Dòng Nậm Nơn – lối vào bản Xằng Tớ.

Sau khi đặt chân đến trung tâm Mỹ Lý, chúng tôi được bộ đội Đồn biên phòng Mỹ Lý thuê xuồng của dân bản Xiềng Tắm ngược dòng, và chưa đầy nửa tiếng đồng hồ thì đến bản Xằng Tớ.

Đứng trên mạn thuyền nhìn thốc lên thấy thấp thoáng một ngọn tháp cổ mọc lên giữa nếp nhà sàn của bản làng ven sông rất đẹp.

Tuy nằm khuất trong thung lũng heo hút nhưng cuộc sống của bà con hai bên sông khá nhộn nhịp. Vào bến thuyền của bản Xằng Tớ, chẳng mấy chốc đã chạm tay vào tháp cổ.

Cụ Lô Văn Minh (84 tuổi), người dân tộc Thái cho biết, khi sinh ra cụ đã thấy tháp cổ đứng sừng sững như thế rồi. Lớn lên, cụ hỏi ông nội thì được ông cụ trả lời, nội lớn lên cũng đã thấy tháp mọc lên từ bao đời nay.

Bản Xằng Tớ là tên gọi trước đây của bà con đồng bào Thái xã Mỹ Lý. Vì không ai biết tên gọi tháp cổ là gì nên người ta quen gọi là tháp Xằng Tớ, vì nằm trên bản Xằng Tớ.

Nay, bản Xằng Tớ được đổi tên thành bản Yên Hòa nên người dân lại quen gọi là tháp Yên Hòa. Tháp được xây bằng gạch mỏng, cao khoảng 29 đến 30 m, tọa lạc trên một nền đất rộng.

Trên tháp cổ có nhiều hoa văn, thân tháp gắn phù điêu, tượng Phật, La Hán… bị rêu phong phủ mờ. Nhiều bức tượng đang bị đứt gãy. Một số chỗ bị trợt vữa, chân tháp bị đục thủng.

Bà con bản Xằng Tớ bảo, giữa miền sơn cước, nơi đi lại vô cùng khó khăn, và xưa kia khắp các bản làng chưa ai biết đến cái nhà xây bằng gạch hay bê tông, một ngọn tháp lớn sừng sững là cả sự lạ.

Ngọn tháp là niềm tự hào của bản làng Xằng Tớ, của tất cả đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú ở miền đất này. Tuy nhiên, không ai ở đây biết về lịch sử của nó.

Mờ tỏ chuyện quanh tháp cổ

Trường mầm non Yên Hòa bên tháp cổ
Trường mầm non Yên Hòa bên tháp cổ.
 

Ông Lô Văn Thắng, trưởng CA xã Mỹ Lý kể, ngày trước tháp còn nguyên vẹn, xung quanh không có cỏ mọc um tùm. Hằng năm đến các ngày lễ, tết bà con khắp các bản làng kéo nhau về thắp hương xin lộc, cầu an.

Những ngày hội, đồng bào Thái ra chân tháp cổ tổ chức các trò chơi dân gian. Trong khuôn viên tháp có miếu thờ, xung quanh có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, nay chỉ còn một cây. Trên đỉnh tháp có một “mắt ngọc” thường xuyên phát ra ánh sáng lạ vào ban đêm.

Bây giờ, cạnh chân tháp, địa phương dựng lên một túp lều làm lớp học cho các cháu mầm non bản Yên Hòa.

Cụ Lô Văn Minh cho biết thêm, trước đây, vùng này có hai ngọn tháp cổ khác, cao lớn gần bằng tháp Xằng Tớ ở bản Xiềng Tắm (trung tâm xã Mỹ Lý bây giờ) và ở bản Xằng Nứa cũng thuộc xã Mỹ Lý. Hai ngọn tháp này đã sập từ lâu.

Đứng dưới chân tháp, ông Lô Văn Thắng, trưởng CA xã Mỹ Lý kể, sau khi kẻ xấu đục trộm tháp để lấy tượng mang đi, sót lại một bức tượng được làm bằng đồng, một người tên là Lô Văn Minh, bản Xằng Tớ, xã Mỹ Lý tối đến đột nhập vào tháp cổ để trộm bức tượng đó mang về nhà.

Chẳng bao lâu, gia đình ông Minh gặp nhiều tai ương. Ông Minh mang tượng ra trả lại tháp, rồi chuyển gia đình xuôi về bản Xốp Tụ sinh sống cùng con cái.

Ông Hà Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý nói, khoảng năm 1981, ông Nguyễn Văn T. (một cán bộ chỉ huy trong lực lượng vũ trang, công tác tại Mỹ Lý, nay đã nghỉ hưu, xin được giấu tên) thấy mắt ngọc của tháp phát sáng ban đêm liền vác súng đến bắn vỡ. Chẳng bao lâu chính người bắn vỡ “mắt ngọc” đó bị mù một mắt.

Những câu chuyện như vậy, không biết tính xác thực đến đâu, nhưng khiến người dân Xằng Tớ thêm yêu quý ngọn tháp, và trong tâm niệm của họ, tháp cổ càng linh thiêng hơn.

Sẽ là điểm du lịch sinh thái

Ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nói, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đã trở thành quần thể du lịch sinh thái, huyện Kỳ Sơn rất muốn tháp cổ ở Mỹ Lý sẽ được xây dựng thành một điểm đến của du lịch địa phương.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Quản lý Di tích- Danh thắng Nghệ An cho biết, theo bia Ma Nhai (có nghĩa là mài sười núi), vùng đất Mỹ Lý thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn được nhắc tới từ triều đại nhà Lý, là nơi Phật giáo (phái Đại Thừa) du nhập từ những năm đầu Công nguyên.

Vì thế, không ít công trình của Phật giáo đã xuất hiện ở vùng đất Mỹ Lý từ xa xưa. Theo thời gian, Phật giáo không tồn tại ở đây nữa, các ngôi chùa dần dần biến mất, chỉ còn các ngọn tháp.

Công trình tháp ở đây có hai ý nghĩa, một là tháp mộ dùng để chôn cất các nhà sư trụ trì, hai là tháp thờ, loại tháp này dưới không có mộ mà chỉ để làm nơi thờ tự. Tháp cổ Xằng Tớ là thuộc loại tháp thờ.

“Lâu nay địa phương rất muốn phục dựng tháp cổ nhưng theo tôi, muốn phục dựng thì trước hết phải có các tăng ni trụ trì, có lý lịch của tháp. Hiện nay, chúng tôi cũng chỉ biết đây là di sản, công trình đã nằm trong danh mục phân cấp di tích và giao cho địa phương bảo vệ. Về lâu dài, sẽ đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho xây dựng đây là một điểm đến nằm trong danh thắng du lịch của Kỳ Sơn, nằm trong khu du lịch sinh thái thuộc lòng hồ thủy điện Bản Vẽ” - ông Thanh nói.

Bà con bản Xằng Tớ bảo, giữa miền sơn cước, nơi đi lại vô cùng khó khăn, và xưa kia khắp các bản làng chưa ai biết đến cái nhà xây bằng gạch hay bê tông, một ngọn tháp lớn sừng sững là cả sự lạ.

Ngọn tháp là niềm tự hào của bản làng Xằng Tớ, của tất cả đồng bào Thái, Mông, Khơ Mú ở miền đất này. Tuy nhiên, không ai ở đây biết về lịch sử của nó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG