Xuyên Việt lượm đất thiêng

Xuyên Việt lượm đất thiêng
TP - Khởi đầu từ nghề bán bong bóng dạo và chí kiên trì “phải có danh gì với núi sông”, anh Hải đã trở thành kỷ lục gia trong sự cổ vũ hết mình của vợ con.

> Người lau phố

Cuộc chơi vô giá

Nhà nghèo, đông con, thời trai trẻ ở Gò Công (Tiền Giang), Võ Văn Hải học chưa hết tú tài đã vào đời đạp xe ba gác mưu sinh. Sau giải phóng, anh đi thanh niên xung phong, trở về, lấy vợ vẫn tay trắng.

Thấy nghề bán bong bóng hợp sở thích ngao du, anh bèn đạp xe từ tỉnh này sang tỉnh nọ bán bong bóng tự vẽ và sưu tầm chuyện hay, của ngon vật lạ mọi miền, dành dụm mua đất cất nhà an cư ở ngoại thành Buôn Ma Thuột.

Xuyên Việt làm bản đồ bằng chiếc xe cũ vừa tân trang
Xuyên Việt làm bản đồ bằng chiếc xe cũ vừa tân trang.

Dọc đường, một lần đổ dốc đứt thắng, cả người lẫn xe rơi xuống suối khiến Hải hết thổi bong bóng. Anh phải lên bàn mổ vá đầu, thu hẹp thanh quản, giọng nói biến thành eo éo, đổi nhà mặt đường vào sâu trong hẻm để lấy tiền chạy chữa.

Khỏe lại, anh học nghề đúc chậu, trồng hoa kiểng, lặn lội núi rừng thác suối tìm cây đẹp, rễ khô, đá lạ về uốn nắn sáng tạo làm hàng thủ công mỹ nghệ và tác phẩm nghệ thuật, trở thành “nghệ nhân sinh vật cảnh”.

Nhiều bộ tác phẩm gỗ lũa, cây thế, đá cảnh của Võ Văn Hải đã giành được hàng chục bộ huy chương vàng, bạc, đồng đủ loại qua các cuộc triển lãm và hội hoa xuân.

Tại các cuộc thi sinh vật cảnh liên tỉnh, anh đoạt nhiều huy chương các loại.Với hội Hoa Xuân ở Huế, bộ đá mỹ thuật 104 tác phẩm của anh Hải giành trọn gói 4 huy chương của bộ môn Đá.

Từ hòn đá opal nặng 1.750 gram ánh lên nhiều vân màu lạ mua lại của một thanh niên tìm được trong rừng Đăk Nông, anh Hải nghĩ ra cách chọn từng góc hoa văn của đá chụp scan phóng đại hàng nghìn lần, khiến những vệt màu tự nhiên ẩn chìm trong đá bật lên huyền ảo.

Anh đặt tên ảnh là Con tàu huyền thoại, Thục nữ, Hiroshima, Nét đẹp nguyên sinh, Lên rẫy, Cô gái xứ Phù Tang, Thoáng Mỹ Sơn, Chiều Thượng tứ, Tuổi trăng tròn… Khi hòn đá lạ cùng 243 tấm ảnh ra mắt, ai cũng bất ngờ. Một cuộc họp được triệu tập bất thường có đại diện Hội VHNT, Sở KH&CN, Đại học Tây Nguyên, Hội Sinh vật cảnh, Hội Kiến trúc sư, Cty cổ phần khoáng sản Đăk Lăk... nhằm “Tư vấn ảnh trên đá” năm 2005 nhất trí ghi vào biên bản: Viên đá opal nhiều màu cực hiếm có độ tuổi ước tới hàng triệu năm, lối chụp các góc độ siêu nhỏ của viên đá để phóng đại thành ảnh nghệ thuật là sáng tạo hoàn toàn mới!

Anh Hải cùng bộ “Ngoạn thạch vi ảnh” khổ 80x100cm và hòn đá opal triệu tuổi lần lượt tham gia nhiều triển lãm. Tại Festival Huế 2006, bộ ảnh lộng lẫy khiến họa sư Lê Bá Đảng nhầm khi ngắm từ xa, ngỡ tranh sơn dầu vẽ theo trường phái lập thể.

Có người đề nghị anh Hải nhượng hòn đá với “giá nào cũng được”, nhưng anh lắc đầu bởi hòn đá đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận. Nó vô giá!

Từ sách “Ngoạn thạch vi ảnh”

Trong quá trình chơi sinh vật cảnh, anh Hải nhặt nhạnh từng khối gốc rễ cà phê già cỗi bị các chủ rẫy nhổ bỏ lăn lóc đem về chà rửa, phân loại, xẻ ra thành nhiều mảnh gỗ nu màu vàng ngà nổi vân nâu huyền rất đẹp.

Anh tỉ mỉ ghép nu thành bìa sách, đặt mua giấy dó khổ lớn nhất 61x84cm từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) làm nền phóng 88 tác phẩm theo chủ đề nghìn năm văn hiến, chọn từ bộ “Ngoạn thạch vi ảnh”, cộng thêm 80 trang giới thiệu, mô tả cách chơi vi ảnh thành ruột sách, cả bìa lẫn ruột gắn keo hoàn chỉnh xong nặng tới 81 ký, chi phí hơn 80 triệu đồng và một năm ròng rã công phu.

Đầu bìa sách, cái tên Võ Văn Hải được khắc bút lửa.

Ngày 25-8-2010, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc quyết định xuất bản khác thường cho cuốn sách Ngoạn thạch vi ảnh, tất nhiên không kèm yêu cầu nộp lưu chiểu bởi con số phát hành chỉ… 1 bản!

Tháng 3 vừa rồi, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục “Cuốn sách bìa bằng nu cà phê duy nhất” cho kỷ lục gia Võ Văn Hải. Trong hồ sơ kỷ lục, cuốn sách được công nhận đạt 4 cái nhất: lớn nhất, số lượng xuất bản ít nhất, viên đá được chụp vi ảnh nhiều nhất, và là cuốn sách đầu tiên về nghệ thuật vi ảnh ở Việt Nam.

Đến bản đồ “Hồn thiêng đất Việt”

Phác thảo mẫu bản đồ Việt Nam đắp bằng đất các nghĩa trang liệt sĩ
Phác thảo mẫu bản đồ Việt Nam đắp bằng đất các nghĩa trang liệt sĩ.

Ngày 1-11, anh Hải làm lễ dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) tỉnh Đăk Lăk, mở đầu hành trình xuyên Việt xin mẫu đất NTLS của tất cả các tỉnh thành trên cả nước để đắp bản đồ Tổ quốc, làm món quà dâng lên Đền Hùng dịp Giỗ Tổ 2012.

Ngày 1- 11, anh Hải làm lễ dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đăk Lăk, mở đầu hành trình xuyên Việt xin mẫu đất nghĩa trang liệt sĩ của tất cả các tỉnh thành trên cả nước để đắp bản đồ Tổ quốc, làm món quà dâng lên Đền Hùng dịp Giỗ Tổ 2012.

Theo bản vẽ, tấm bản đồ độc đáo có phông nền bằng gỗ hương, rộng 3,3m, cao 5,4m, đặt trên giá đỡ là một chiếc Kpan cổ (ghế gỗ dài đẽo nguyên phiến của đồng bào Ê Đê) thể hiện sự sung túc bền vững, phần nền kết bằng 54 tấm ván biểu trưng cho 54 dân tộc, viền xung quanh hình 18 con chim lạc đang bay tượng trưng 18 đời Hùng Vương.

Dự trù kinh phí 2m khối gỗ, 50 ký keo tổng hợp, 120 công chạm trổ, 63 lẵng hoa làm thủ tục dâng hương NTLS các tỉnh, 200 ký sắt làm khung kiềng để giữ cho khung bản đồ không cong vênh, chi phí ăn ở đi đường 3 tháng… được anh Hải tính toán tỉ mỉ tiết kiệm, cần 250 triệu đồng, chưa kể công vận chuyển cả bản đồ lẫn Kpan nặng 2 tấn rưỡi từ Buôn Ma Thuột ra Đền Hùng.

Trung tâm Sách kỷ lục VN hứa tài trợ khiến anh Hải vững tâm... ứng tiền vợ, lên đường.

Trong 10 ngày đầu, anh đã thu thập thuận lợi được mẫu đất NTLS của 9 tỉnh. Trung tâm Sách kỷ lục VN cũng có thư gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị giúp anh Hải sưu tầm đủ mẫu đất tại NTLS 63 tỉnh thành và 4 đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Hoàng Sa, Trường Sa.

Trên hành trình, anh Hải gặp đâu ăn đấy, ngủ nhà trọ. Mẫu đất thiêng gửi vào chùa, ngày về gom luôn thể . Đến NTLS nào anh cũng cùng cán bộ địa phương thắp hương dâng hoa, lập biên bản bàn giao mẫu đất có chữ ký đại diện sở LĐ-TB&XH và quản trang.

Tôi gặp chị Phạm Hoàng Mai, người vợ hiền cùng tuổi, cùng quê Gò Công của anh Hải.

Nhiều năm gần đây, hằng ngày chị và hai cậu con trai tảo tần từ 2 giờ sáng tới tận khuya thổi nấu, bán cơm cho sinh viên. Điểm thuê bị chủ nhà lấy lại, mẹ con chị chuyển sang nghề trồng ớt trên 2 sào rưỡi đất rẫy cách nhà gần ba cây số. Chị kể: Các cuộc chơi của ảnh càng lao vào càng tốn kém, đầu tư được công trình nào giá trị đều hiến tặng chứ không bán.

Có đợt túng bấn quá, con cháu càu nhàu, mình khuyên: Các con nghĩ coi, ba không nhậu nhẹt trà lá cờ bạc hư hỏng, chỉ đam mê nghệ thuật, nên giúp ba chơi cho thoải mái tư tưởng! Tội lắm, ảnh đi đợt này vét hết tiền nhà bọc theo có bốn triệu rưỡi.

Tính ảnh tằn tiện, lại thương vợ con nên hay ăn uống tiết kiệm, chỉ lo ảnh ốm dọc đường. Bữa trước bán miếng đất sát bên nhà rộng 6m được hơn trăm triệu cho ảnh làm cuốn sách "Kỳ thạch vi ảnh" rồi. Hai thằng con trai hãnh diện vì ba, nên vất vả mấy cũng chịu !

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.