Mơ ước một mái nhà tình thương. Ảnh: T.N. A. |
Như mọi đứa trẻ khác, Đặng Thị Pha La không thể lựa chọn cho mình tổ quốc và quê hương. Chị sinh ra ở Campuchia. Bố chị người Miên, mẹ người Việt. Mồ côi cả bố lẫn mẹ từ nhỏ nên Pha La sống với cậu, gọi cậu là ba nuôi. Cậu nói với Pha La: “Quê hương của chúng ta là Việt Nam”.
Câu nói ấy gọn gàng, rõ ràng, khúc chiết. Nó đọng lại trong tâm hồn trong trắng của chị như một hồi còi tàu lúc bình minh. Tiếng gọi ấy đã đưa họ hồi hương về Việt Nam. Chị Pha La kể: “Chúng tôi hồ hởi lên tàu về Việt Nam. Nhưng đời sống khó khăn quá, chiến tranh chia cắt, bà con lạc nhau hết”.
Năm tháng cứ trôi đi. Pha La lớn lên, cao lớn, khỏe mạnh, lập gia đình với một chàng trai sông nước. Chồng chị đi làm mướn, làm phu hồ, nay đây, mai đó. Chị bế con theo chồng. Chị nói nghèo khổ mà chị không buồn. Chị hạnh phúc với gia đình nhỏ. Gia đình là một giấc mơ, dù như giấc mơ hoang.
“Chúng tôi làm thuê ở đâu, sinh sống ở đó, lang thang năm này qua năm khác. Khi không ai thuê mướn, chồng tôi lại đi bắt ốc, bắt cá về ăn”. Chị Pha La sinh đứa con thứ ba, rời bệnh viện, không biết đi đâu. Ra khỏi khoa sản, họ dừng chân nơi lề quốc lộ, dựng lều, nằm luôn ở đó. Đứa nhỏ đỏ hỏn, khóc thét. Chị kiệt sức.
Một cặp vợ chồng người ngoại quốc đi qua đường nhìn thấy cảnh ngộ thương tâm. Họ dừng lại, cho tiền để vợ chồng đi thuê nhà. “Lúc đó tiền thuê nhà chỉ có 150.000 đồng nhưng chúng tôi không có tiền mà thuê” – chị Pha La rùng mình.
Thuê được nhà, đứa bé sơ sinh có chỗ trú thân. Họ đặt tên con là Thủy. Vợ chồng người ngoại quốc đến thăm, cho nhiều hoa quả ngon. Người mẹ có ba đứa con gái kể: “Tiếng là sinh sống ở vùng trồng hoa trái nhưng lần đầu tiên gia đình chúng tôi được ăn nho ngon như vậy”.
Cuộc sống bình yên, như giấc mơ, kéo dài đúng một tháng. Đứa nhỏ đã lớn lên chút đỉnh. Vợ chồng người ngoại quốc không giúp nữa. Họ trả căn phòng đã thuê, dắt díu nhau từ Đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn. Không ngờ đó là chuyến đi lang bạt cuối cùng. Anh phát bệnh, đột ngột qua đời khi đứa con út mới hơn một tháng tuổi.
Từ trái qua phải: Hà, Thủy, chị Pha La, Oanh. |
Con không muốn nhảy
Vừa đặt chân lên Sài Gòn mấy ngày, chồng bị sốt xuất huyết lăn ra chết, chị Pha La thấy trời đất như đóng sầm trước mặt. Chôn cất chồng xong, chị thẫn thờ.
Nuôi con như thế nào đây? Chị nghĩ: “Con mình đẻ ra, không thể cho ai được. Lỡ người ta đối xử không tốt”. Chị bèn đưa con lên cầu Rạch Ông để tự tử.
Nhớ lại ngày đó, chị kể: “Chúng nó linh cảm thấy điều gì đó, nên không chịu đi. Tôi phải lừa chúng nó. Tôi bảo mẹ đưa các con đi chơi. Thế là chúng nó vui vẻ đi theo”. Chị bế cái Thủy đỏ hỏn, hơn một tháng tuổi trên tay. Hai đứa nhỏ lẽo đẽo đi cùng. Nghe mẹ nói đi chơi nên bọn trẻ háo hức lắm. Cái Hà 7 tuổi dắt theo cái Oanh 4 tuổi.
Lên đến cầu Rạch Ông, chị leo thẳng lên thành cầu, ôm cái Thủy trong tay, chuẩn bị nhảy. Chị thấy dòng sông rộng, nước đen sì, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Chị xác định nhảy xuống chắc chắn là chết. Nhưng, có điều chị thực không ngờ, hoàn toàn ngoài dự kiến: Bọn nhỏ không chịu chết!
Chị kể: “Con Oanh mới hơn 4 tuổi, còn nhỏ lắm. Nó chưa biết nói gì nhiều, nhìn thấy sông lớn, gió mạnh, nó sợ. Con Oanh cứ đứng dưới thành cầu, không chịu bò lên. Tôi gọi nó lên, nhưng nó cứ đứng dưới. Nó ôm lấy con Hà. Tôi bực quá, tôi quát con Hà kéo em lên”.
Hà nghe lời, bò lên thành cầu. Nó nhìn thấy dòng nước đen ngòm, dơ dáy kinh khủng. Con Hà đã bảy tuổi. Nó biết thế nào là đẹp, là xấu, là sạch, là dơ. Có lẽ, nó cũng biết thế nào là cái chết. Con Hà không chịu nhảy. Nó lắc đầu bảo mẹ: “Con không nhảy xuống đó đâu mẹ ơi!”.
Bọn nhỏ khóc lóc làm Pha La nghĩ lại. Chị ôm chặt cái Thủy và dắt hai đứa con đi bộ xuống xóm ghe dưới sông. Chị chui lên con ghe, cho cái Thủy bú no, nằm ở giữa, cái Hà cái Oanh nằm kẹp bên em của chúng. Ba đứa nhỏ vừa đói vừa rét, ngủ vùi ngay lập tức, không biết gì nữa. Chị để ba đứa trên ghe, bỏ ra ngoài.
Chị sang ghe bên cạnh, xin hai cái vỏ bao tải đựng gạo. Chị xách hai cái bì xác rắn ấy về, may thành hai cái túi chắc chắn, khoác lên vai, đi lượm rác trong đêm. “Thật may mắn cho tôi, trong đêm đó tôi kiếm được gần một bì nhựa và giấy lộn. Về nằm với các con, đến 5 giờ sáng tôi lại đi tiếp một vòng quanh sông, nhặt thêm được một bì các thứ linh tinh nữa. Tôi đem đi bán được 30 nghìn đồng”.
Chị đã quên cái cầu Rạch Ông: “Đến khi cầm tiền trong tay, tôi mới tin rằng chúng tôi không cần phải chết nữa. Tự dưng miệng tôi bật ra tiếng nói: Mẹ con chúng tôi có thể sống rồi!”.
Trôi nổi xóm ghe.
17 năm sương gió
Cho đến nay, chị Pha La vẫn chưa có nhà. Họ sống trong một cái bè bằng bọt xốp, trên đoạn kênh gần cư xá Ngân Hàng, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM. Chị Pha La đã mất 8 ngày đi lượm bọt xốp, làm phao, rồi kê đủ thứ ván nhì nhằng, bọc những tấm vải mưa rách nát, làm cái bè nổi trên sông để trú thân.
Bốn mẹ con chị đã sống trong bè nổi, từ sau cái đêm “đi tự tử” ấy. Cái Thủy, giờ đã là cô thiếu nữ biết đọc biết viết, ngày ngày cùng các chị đi bán vé số. Cái Hà, cái Oanh đều đã có gia đình, đang có bầu, mà vẫn sống chung với mẹ.
Xóm ghe vô thừa nhận nằm dưới chân cầu Tân Thuận quận 7, có 19 hộ “ở lỳ” trên phao, trên ghe nát. Ngày tết, ngày lễ, chị Pha La lại phải ra giữa sông, neo ngoài đó, để khỏi ảnh hưởng mỹ quan. |
Chị Pha La, như 17 năm qua, chèo thuyền đi dọc con kênh, lượm những cái chai nước suối người ta ném ra sông, những mảnh ni lông, những tấm nhựa nát trôi giạt. “Ngày nào tôi cũng chèo con thuyền nhỏ đi vớt nhựa, vớt ve chai. Tôi bơi ngược từ quận 7 lên quận 8, bơi xuôi ra sông Sài Gòn. Có bữa vớt được nhiều, bán được năm, sáu chục ngàn, có bữa được ba chục ngàn. Có ngày không vớt được cái chi”.
“Sống trên sông, mọi thứ phải mua”. Tình cảm xóm giềng với chị rất quan trọng. Chị và tôi đi qua bè ông Sáu Đá, thắp hương cho người đàn ông vừa chết sáng sớm. Con ông Sáu Đá khóc kể: “Cả cái bè của con bị lao. Anh trai con bị lao chết đầu năm, giờ cha con chết. Cha con đi viện lao, nhưng tốn nhiều tiền quá nên cha trốn về, được 17 ngày là chết”. Chị Pha La phúng ông Sáu Đá 50.000 đồng.
Thành phố ngày càng to đẹp. Quận 7 có khu đô thị Phú Mỹ Hưng nổi tiếng cả châu Á. Bên cái quan tài ông Sáu Đá được đặt tạm lề đường, chị Pha La nói: “Mỗi lần chèo thuyền trên sông, thấy người ta xây nhà cửa to và đẹp, tự dưng nước mắt tôi ứa ra. Gần 50 tuổi không có được một căn nhà, dù là nhà tình thương”.
Xóm ghe vô thừa nhận nằm dưới chân cầu Tân Thuận quận 7, có 19 hộ “ở lỳ” trên phao, trên ghe nát. Ngày tết, ngày lễ, chị Pha La lại phải ra giữa sông, neo ngoài đó, để khỏi ảnh hưởng mỹ quan.
Con rể của chị, chồng cái Hà, là người trên bờ, dân phường sở tại hẳn hoi. Nhưng cậu ta đi làm phu hồ, công việc ít, cuối cùng chẳng đưa được mẹ và vợ lên bờ mà bây giờ cũng xuống bè ở chung luôn! Chồng của Oanh thì đang ở quê làm ruộng, lâu lâu mới lên, thu nhập chẳng đáng là bao.
Trên chiếc bè đã mục nát, người đàn bà gần 50 tuổi tất bật với hai cô con gái đang bụng mang dạ chửa. Thủy bán vé số về, vui vẻ tay cầm trên tay đôi dép tông màu vàng, bảo: “Có chị đang đi đường, tháo luôn đôi dép, đưa cho con”.
Hà sắp sinh con. Nó là chị cả. Bụng bầu lớn không đi bán vé số được nữa, Hà ngồi dựa gối, nghe mẹ kể chuyện cả nhà đi tự tử. Hà là người biết rõ những chuyện đó. Nó không nói gì với các em. Ôm cái bụng đã vượt mặt, thi thoảng, nước mắt nó vẫn ứa ra.
9-2011