Trong vùng giải tỏa

Trong vùng giải tỏa
TP - Thành phố Đà Nẵng những năm qua và sắp tới luôn được ví như “đại công trường”. Tốc độ phát triển nhanh làm thành phố thay da đổi thịt nhưng cũng có nhiều khu vực phải hứng chịu những hậu quả nặng nề: ô nhiễm, bụi, nguy cơ giao thông, hết đất sản xuất, thất nghiệp... mà chính quyền thành phố phải quan tâm giải quyết.

Mệ Đối nhặt rác, giúp người
> Rồi cũng vui vùng đồi đơn chiếc

Ám ảnh bụi

Toàn thành phố Đà Nẵng hiện có gần 9.000 xe ben chở đất hoạt động thường xuyên cho các dự án.

Hai dự án lớn nhất hiện đang thi công là khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (Cẩm Lệ) và khu đô thị Golden Hills (Liên Chiểu - Hòa Vang) cùng khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú khiến hàng ngàn người dân trong và ven vùng dự án khốn khổ. Tiếng gầm rú và khói bụi xe ben chở đất thải ra ngày đêm.

Ông Võ Tiến Dũng (người dân thôn Quan Nam 3 - Hòa Liên), thẳng thắn: Từ khi dự án Golden Hills khởi công, chúng tôi như bị giam cầm, bao vây tứ phía vì đất. Ngày ngày, tiếng động cơ gầm rú khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Nhưng bụi mới là chuyện lớn. Ai có thể sống trong bụi, ăn trong bụi được, xin lên Hòa Liên thử một lần cho biết. Cùng bức xúc, anh Nguyễn Đình Cự (Quan Nam 5), nói: Chỉ đến khi dân quá bức xúc, xảy ra chuyện xung đột như vừa rồi mới huy động xe tưới nước, nhưng họ tưới nước cho lãnh đạo lên thăm thôi. Còn bụi vẫn cứ hoàn bụi.

Bất kỳ ai tham gia lưu thông trên 2 cung đường từ cầu vượt Hòa Cầm lên Túy Loan (QL 14B) và đường tránh Túy Loan – Hải Vân đều phải khổ cực vì bụi do xe ben thải ra. Chị Nguyễn Thị Hòa – người bán kính, khẩu trang bên đường Ql 14B, nói: “Mùa mưa cực khổ đã đành, nhưng mùa nắng mới kinh khủng, bây giờ ai cũng cố đi tránh con đường này. Bụi quá chịu không nổi”. Quả thật, lưu thông trên 2 đoạn đường này chính là sự tra tấn khắc nghiệt nhất trong những ngày hè oi bức. Bắt đầu từ sáng sớm đến tận tối, hàng trăm xe ben luôn nối đuôi nhau lưu hành, cùng phóng bạt mạng. Nhiều xe chở đất không thèm che bạt hoặc chỉ che đậy hờ hững khiến đất đá rơi xuống đường, bụi cuốn tung mù mịt. Xung quanh đường, cỏ cây, nhà dân nhuốm một màu đỏ quạch.

Đường Phạm Hùng (nam cầu Cẩm Lệ) và đường Cách Mạng Tháng 8 cũng là một trong những cung đường đau khổ vì xe ben ở Đà Nẵng. Chị Nguyễn Thị Xuân, người sống bên đường Phạm Hùng, bộc bạch: Cứ kéo dài mãi thế này dân đổ bệnh hoặc bán nhà mà đi xứ khác.

Xe ben phóng bạt mạng, gây tai nạn giao thông giờ đã là chuyện thường ngày. Vì lợi nhuận, tài xế thường cơi nới thùng xe, chạy quá tốc độ để tăng chuyến. Theo thống kê từ Phòng CSGT Công an Đà Nẵng, từ tháng 1 đến nay, xảy ra 7 vụ tai nạn thì đã có 8 người chết, 4 bị thương nặng vì xe ben.

Phòng CSGT thành phố cho hay, hiện Đà Nẵng có 8.700 xe ben thường xuyên chở đất đá cho các dự án. Từ tháng 3 đến nay, CSGT đã kiểm tra 7.649 xe và tạm giữ 176 xe. Trong đó, rất nhiều xe chạy quá tốc độ, cơi nới thùng, tài xế không bằng lái..., phạt và thu về số tiền gần 3 tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh trong buổi tiếp dân vùng dự án mới đây, cho rằng: “Bụi không thể xử lý triệt để được mà chỉ tìm cách hạn chế tối đa. Vấn đề này, trách nhiệm của doanh nghiệp là rất lớn. Họ phải tăng cường xe tưới nước, đồng thời yêu cầu tài xế chấp hành đúng pháp luật”.

Hụt hẫng quê ra phố

Hàng loạt dự án khu đô thị sinh thái, tái định cư, công nghiệp mở rộng về các vùng nông thôn, khiến nhiều làng quê trên địa bàn Đà Nẵng xáo trộn, biến dạng. Đời sống người dân hụt hẫng trước cảnh thất nghiệp, thiếu phương tiện sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp…

Bà Nguyễn Thị Đỗ (46 tuổi, thôn Trung Sơn, Hòa Liên, Hòa Vang), tần ngần đứng trước ruộng lúa đang thời làm đòng nhưng nhiều chỗ chết rục: “Nắng thì hạn, mưa lại bị ngập úng thế đó. Bình thường thì chuột, bọ từ các vùng giải tỏa khác tập trung kéo đến cắn phá, cả vụ thu được bao thóc, lấy gì mà sống?”. Mỗi sào lúa (500m2) được bà đầu tư 500 ngàn đồng nhưng hầu như trắng tay sau mỗi mùa thu hoạch. Nhà 5 miệng ăn, cả thảy 6 sào ruộng của bà Đỗ đều thuộc diện quy hoạch dự án xây dựng khu nhà liền kề. Giữa năm 2010, ngành chức năng đến đo đạc, kiểm tra ruộng…nhưng chưa đền bù. Bà Đỗ lâm cảnh “đi không được, ở không xong”.

Xe ben gây tai nạn
Xe ben gây tai nạn.

Thôn Trung Sơn có ba dự án được quy hoạch, triển khai: khu tái định cư phía Nam đường Nguyễn Tất Thành, khu nhà liền kề và dự án xử lý nước thải KCN Hòa Khánh (Liên Chiểu); kéo theo hàng loạt hộ dân phải di dời, giải tỏa “trắng”. Ông Võ Chí Thành (51 tuổi, thôn Trung Sơn) nói: “Tiền đền bù không đủ làm nhà tái định cư. Hai đứa con đành nghỉ học xin làm công nhân dưới thành phố. Nhưng vợ chồng già thì biết làm cái gì khác ngoài nông nghiệp?”.

Tại vùng giải tỏa thôn Quan Nam 1, 5 (xã Hòa Liên), nhiều hộ dân thất nghiệp, “ăn không ngồi rồi”. Theo ông Ngô Văn Kế (thôn Quan Nam 1), đất nông nghiệp, lâm nghiệp đang mất dần, nhường chỗ cho các dự án. Bình thường, một sào lúa, ao vườn có thể nuôi đủ cho vài miệng ăn sau mỗi vụ mùa, nhưng giờ, gạo ăn đong từng bữa, đời sống ngày một chật vật, ô nhiễm từ các nhà máy khu công nghiệp khiến ruộng lúa còn lại không thể sản xuất…

Phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) có trên 1.000 ha đất giải tỏa, trong đó có 60% là đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Cường – Tổ trưởng tổ 1, Khuê Đông (Hòa Quý) cho hay, hàng chục hộ giải tỏa thuộc dự án Khu tái định cư phía Bắc đường vành đai phía Nam thành phố vốn sống nhờ nghề nông. Nay hết ruộng, dân thất nghiệp, thiếu phương tiện sản xuất.

Tiếp tục “đưa phố về quê”

Tại cuộc họp dân vùng dự án Hòa Liên mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho hay: Đô thị Đà Nẵng không thể chỉ ở chợ Cồn, chợ Hàn mà phải mở rộng về phía vùng núi, nông thôn Hòa Xuân, Hòa Phong, Hòa Khương, về phía Quan Nam - Thủy Tú. Thành phố muốn đưa khu công nghệ cao, đưa đại học, khu đô thị về đây… để dân bớt nghèo khổ, con cái được học hành tử tế. Đó là ý tốt, góp phần làm cho bộ mặt thành phố ngày càng giàu đẹp hơn. Tuy nhiên, quá trình làm khó tránh khỏi các vấn đề xáo trộn đời sống dân sinh.

Bụi trên đường vào dự án ở Đà Nẵng
Bụi trên đường vào dự án ở Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Nhu - Phó ban đền bù số 3, đơn vị đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho các hộ dân diện di dời, giải tỏa thuộc dự án Quan Nam - Thủy Tú, Khu tái định cư phía nam Nguyễn Tất Thành, dự án đường Nguyễn Tất Thành nối dài.

Vấn đề hỗ trợ việc làm cho người dân vùng dự án, ông Nguyễn Văn An - Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng triển khai các cơ chế hỗ trợ vùng giải tỏa, như: miễn, giảm học phí cho học sinh; đào tạo nghề, chuyển đổi sinh kế và hỗ trợ giải quyết việc làm… Trung bình mỗi năm, thành phố chi 3–4 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho khoảng 1.000 người dân vùng giải tỏa, với các ngành nghề: điện tử, may mặc, cơ khí… Riêng năm 2011, đã có 500 người đăng ký tham gia.

Tuy nhiên, cũng theo ông An, việc chuyển đổi ngành nghề cho đối tượng lớn tuổi gặp khó khăn do khả năng thích ứng công việc và “đầu ra” cho người lao động tại các đơn vị tuyển dụng. Trước mắt, sở đang phối hợp với hội nông dân, phụ nữ triển khai đào tạo các ngành nghề phù hợp như: nấu ăn, trồng nấm, nuôi cá nước ngọt.

Đừng luẩn quẩn với củ khoai, cây lúa

Miền núi, nông thôn còn nghèo, cùng cực, thậm chí còn những cái lạc hậu. Chính như thế mới đưa đô thị về để thay đổi bộ mặt nông thôn. Chúng ta đừng cứ luẩn quẩn với cây lúa, củ khoai. Chắc chắn trong quá trình này, dân đang ở yên bình giờ phải xáo trộn. Trước ở rộng giờ chật hơn, ồn ào, ô nhiễm môi trường, bụi bặm hơn. Chúng ta chấp nhận đời mình cực để đời con, đời cháu văn minh hơn, phát triển hơn. Thử hình dung khi các khu công nghệ cao, làng đại học, đô thị mọc lên, bộ mặt nông thôn sẽ thay đổi tích cực thế nào?” .

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG