Những người mở con đường huyền thoại thứ tư

Những người mở con đường huyền thoại thứ tư
TP - Bộ đội Cụ Hồ đã mở Đường Trường Sơn huyền thoại, vận chuyển hàng triệu tấn hàng hoá, vũ khí, đưa hàng triệu lượt người ra chiến trường, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bộ đội Cụ Hồ đã làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Bộ đội Cụ Hồ đã góp phần xây dựng Đường Hồ Chí Minh huyền thoại thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Và hôm nay, cũng chính bộ đội Cụ Hồ lại tiếp tục mở con đường huyền thoại thứ tư: Đường tuần tra biên giới mang ý nghĩa to lớn về kinh tế quốc phòng...

> Những cung đường biên cương Tổ quốc

Đường tuần tra biên giới đã thông tuyến
Đường tuần tra biên giới đã thông tuyến.
 

Vị tướng chống gậy lên tuyến, làm thơ

Thiếu tướng Hoàng Kiền- Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường tuần tra biên giới (ĐTTG) trao đổi với chúng tôi: Con đường này đạt nhiều kỷ lục nhất. Đó là đường bê tông xi măng dài nhất khu vực Đông Nam Á. Nó chạy qua 25 tỉnh biên giới, dài hơn 10.000 km, từ địa đầu Móng Cái( Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), bám sát biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Con đường vươn qua sông suối, rừng già, đèo cao, núi thẳm, có những nơi chưa từng in dấu chân người. Đường tuần tra biên giới trở thành con đường có ý nghĩa chiến lược lớn, đem lại hiệu quả về nhiều mặt, phục vụ thiết thực nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội, hoà bình và hữu nghị nơi biên cương Tổ quốc

Sau hơn 5 năm thi công, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9-2011, những cán bộ, chỉ huy, những chiến sĩ xuất sắc đã góp mở gần 2.000 km đầu tiên đã có mặt cùng chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên trong những ngày mở đường gian khổ nhất.

Thiếu tướng Hoàng Kiền
Thiếu tướng Hoàng Kiền.
 

Nhiều cán bộ chiến sĩ luôn nhắc đến vị chỉ huy của họ, thiếu tướng Hoàng Kiền. Ông luôn có mặt trên những cung đường mới để có những chỉ đạo kịp thời, sâu sát nhất. Hơn 40 năm trước, ông nhập ngũ vào chiến trường, có mặt ở Trường Sơn, làm lính công binh mở đường 559.

Hòa bình, ông được theo học về công trình. Sau đó, 3 năm ông tham gia xây dựng công trình tại đảo Bạch Long Vĩ. Rồi 8 năm tiếp theo, ông lại gắn bó với những công trình xây dựng trên quần đảo Trường Sa. Trở thành Tư lệnh Bộ đội Công binh, với những kinh nghiệm mở đường, xây dựng công trình bê tông, thiếu tướng Hoàng Kiền tự tin nhận trọng trách mới. Nhưng không ít khó khăn mới lại xuất hiện thử thách ông. Đường Trường Sơn năm xưa, điểm cao nhất là 1.000 mét.

Mở đường TTBG
Mở đường TTBG.
 

Đường TTBG hôm nay phải vượt qua nhiều đỉnh núi cao hơn mà cao nhất là đỉnh Puvailaleng ở Kỳ Sơn (Nghệ An) tới 2.721 m. Trước yêu cầu phải bám sát đường biên giới với khoảng cách từ 0m đến 1.000 m nên dù có sông suối, đèo cao vực thẳm đến đâu, con đường vẫn phải vượt qua. Vì thế có những đoạn đường chỉ vài chục mét mà phải nổ mìn, phá đá cả tháng trời mới thông tuyến.

Thấy vị tướng chân trần ngập sâu trong bùn lầy, chống gậy, phăm phăm lên tuyến ai cũng nể phục. Thiếu tướng Hoàng Kiền có cái thú thi ca. Ông đã có hàng chục bài thơ sáng tác trong những lần lên tuyến cùng bộ đội. Mỗi bài thơ là một kỷ niệm trên những cung đường ông đến.

Tôi cũng như nhiều chiến sĩ mở đường còn nhớ bài thơ ông mới viết đầu Xuân Tân Mão có tựa đề Vang lừng Trường Sơn với những câu thơ mộc mạc, chân tình: Đầu Xuân lên tuyến kiểm tra/ Đường vào Phủ Khả đi qua Khe Kiền/ Mưa dầm, lầy lội triền miên/ Xe leo lên tới đường biên máy rù/ Trường Sơn trùng điệp mịt mù/ Núi cao mây phủ âm u mưa dài/ Rừng già gió phả buốt vai/ Thi công, chỉ đạo miệt mài sớm trưa/. Đọc thơ càng hiểu, con đường mà ông và chiến sĩ đang mở lúc nào cũng là niềm đau đáu…

Thượng úy Nguyễn Xuân Hưng
Thượng úy Nguyễn Xuân Hưng.
 

Lính trẻ luôn sáng tạo và biết yêu

Thượng úy, kỹ sư Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Xí nghiệp thi công cơ giới thuộc Công ty 789 đã có mặt trên tuyến đường nhiều năm. Anh là một trong những cán bộ chỉ huy trẻ nhất. Từ Gia Lai, Kon Tum, đến Thanh Hóa Nghệ An, đơn vị anh luôn đảm nhận những cung đường khó khăn.

Anh cũng như nhiều chiến sĩ trẻ trong đơn vị không khỏi băn khoăn khi phải đến nơi rừng xanh, núi đỏ, sống cuộc sống trăm bề thiếu thốn. Không điện nước sinh hoạt, không có đường vận chuyển đi lại. Rồi lũ ập đến, nắng thiêu đốt, muỗi, vắt, rắn độc, sốt rét rình rập.Nhưng khi xác định rõ được nhiệm vụ, những người lính trẻ cùng động viên, giúp đỡ nhau vượt qua thử thách.

Những người mở con đường huyền thoại thứ tư ảnh 5
 

Sức khỏe và sáng tạo là thế mạnh của lính trẻ. Khi đơn vị thi công trên đoạn đường dốc dựng đứng, chỉ huy đang băn khoăn lựa chọn phương án thi công thì qua tra cứu trên mạng, qua các tài liệu cùng kiến thức học trong nhà trường, chúng tôi đã đề xuất ý kiến nên mua xe bánh xích sẽ đảm bảo tốt các yếu tố kỹ thuật, phù hợp với địa hình thi công.

Sáng kiến của các Đoàn viên thanh niên trong đơn vị đã gợi mở cho chỉ huy lựa chọn đúng phương tiện thi công, đạt hiệu quả cao"- thượng úy Hưng cho biết.

Cuộc sống nơi xa, các chiến sĩ đã có sáng kiến treo điện thoại lên cành cây, lên cửa sổ mong có sóng để nhận tin nhắn của người thân yêu... Thượng úy Hưng kể: Trên tuyến đường mới mở, nhiều mối tình đẹp giữa chiến sĩ mở đường với các cô gái địa phương đã đơm hoa kết trái. Lính trẻ rất sáng tạo và cũng rất biết... yêu.

Khoan đá nổ mìn mở đường
Khoan đá nổ mìn mở đường.
 

Ngày chiến sĩ lái xe ủi Lê Văn Dân kết duyên với một thiếu nữ dân tộc Giá Rai ở Azunba là ngày vui của cả đơn vị. Bây gìờ, cô dâu đã về quê chồng ở Thái Bình còn Dân lại đi tiếp lên cung đường mới. Giám đốc Hưng cũng cho biết thêm: Việc kết nghĩa với các chi đoàn nơi đơn vị làm đường đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhờ hiểu rõ lợi ích khi có con đường đi qua nên việc giải phóng mặt bằng thi công trên địa bàn diễn ra thuận lợi. Nhiều hộ dân đã tự nguyện di dời nhà cửa, ruộng nương từng một đời gắn bó đến nơi ở mới, nhường đất cho bộ độ mở đường.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên tham gia xây dựng ĐTTBG đã được người thân chẳng quản đường xa, khăn gói lên thăm động viên yên tâm làm nhiệm vụ. Tình yêu đã mời gọi họ đến với con đường.

Chị Lưu Thị Vân, nhân viên Trung tâm giống cây trồng Hà Nội đã 4 lần từ Hà Đông đi xe máy theo đường Hồ Chí Minh vào Dục Nông (Thanh Hóa) thăm chồng. Thấy nỗi vất của anh em trên tuyến, chị ở lại cả tuần làm chị nuôi cho đơn vị. Và cũng chính những ngày vượt cả ngàn cây số cách trở lên tuyến thăm chồng ấy, chị Vân có thêm niềm vui sắp làm mẹ...

Đường TTBG - đang tiếp tục nối dài. Sẽ còn những câu chuyện cảm động về những con người dẻo dai, bền bỉ trên tuyến đường huyền thoại thứ tư này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG