Bảy lần Dũng sĩ
Tuổi 18, Lê Văn Chớ (xã Thạch Mỹ, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) rời ghế nhà trường. Với những chiến công từ buổi đầu tham gia quân ngũ, nhiều năm qua ông được cấp trên giao nhiệm vụ mũi trưởng mũi đặc công 20, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 812, Sư 324, chiến đấu trên tuyến lửa Quảng Trị. Gần 4 năm sinh tử, ông từng tham gia gần 100 trận đánh lớn nhỏ: Đánh chiếm Đồn Cùa (Cam Lộ), chiếm gọn căn cứ Cồn Tiên (Gio Linh), đánh chiếm Bắc Cam Lộ năm 1967. Cái tên Lê Văn Chớ trở thành nỗi ám ảnh của lính Mỹ lúc đó.
Một trong những trận đánh mà ông Chớ không bao giờ quên là trận đánh tại thành cổ Quảng Trị. “Nhận được chỉ thị từ cấp trên, ngay hôm đó, chúng tôi vạch kế hoạch tiến công. Tôi cùng đồng chí Phan Thế Kiềm được giao nhiệm vụ vào thành thăm dò tình hình. Để vượt qua hệ thống đồn bốt dày đặc được canh gác nghiêm ngặt, chúng tôi cải trang thành hai cô gái mặc áo dài, bên trong thủ sẵn AK. Gần qua đồn giặc cuối cùng thì bị phát hiện, lúc đó 3 người chúng tôi phải chiến đấu với hàng trăm tên lính. Được sự trợ giúp của người dân, anh em chúng tôi thoát chết trong gang tấc”.
Tối đó, Lê Văn Chớ chỉ huy mũi đặc công tiến vào thị xã Quảng Trị. Là lực lượng tiên phong, mỗi người trong tổ chức do ông chỉ huy đều mang theo mây song thả dọc đường đi để cho binh đoàn Bộ binh theo đó mà tiến vào. Trong trận đánh hào hùng đi vào lịch sử đó, do sự chênh lệch về lực lượng và vũ khí chiến tranh, nên không thu được kết quả như kế hoạch. “Tiểu đoàn 4 có 600 người thì trong đêm chiến đấu đầu tiên chỉ còn hơn 100 người” - ông Chớ xót xa.
Khi được hỏi về một kỉ niệm đáng nhớ nhất trong đời lính, Dũng sỹ Lê Văn Chớ kể cho chúng tôi về lần suýt bị đem đi liệm sống. Đó là trận đánh tiêu diệt Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 54 của địch trên động Chiêm Dòng, phía tây Hải Lăng vào tháng 5-1970. Trong đợt tấn công này, ông Chớ được giao chỉ huy mũi chủ công dẫn bộ đội tiến đánh Sở chỉ huy và trung tâm thông tin của địch. “Vì ai cũng mong hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để báo công mừng sinh nhật Bác, nên lúc đó mọi người đều chiến đấu rất hăng” - Dũng sỹ Lê Văn Chớ nhớ lại. Trận đó, ông bị thương nặng, đạn xuyên thủng từ sau lưng qua bụng, ruột đứt nhiều đoạn, gãy xương chậu. Đồng đội sơ cứu bằng cách lấy bát B52 úp vào bụng và dùng mũ tai bèo quấn vết thương, chuyển ra tuyến sau cấp cứu. Tuy nhiên mọi cố gắng đều vô ích. Thi thể ông cùng với một số đồng đội hi sinh trong trận đánh đó được quấn ni-lon để chôn cất. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, khi chuẩn bị chôn cất, mọi người phát hiện túi ni-lon phập phồng. Ngay lúc đó ông được chuyển vào hầm phẫu thuật dã chiến. Dưới ánh sáng yếu ớt của bóng đèn đi- a- mô, ông được phẫu thuật nối ruột và thoát chết.
“Ngay sau khi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, tôi đã khóc và nghĩ rằng, đồng đội hy sinh để tôi được sống và chiến đấu, vì vậy phải làm sao cho xứng đáng là lính đặc công của Sư 324 anh hùng, làm sao cho xương máu đồng đội mình rơi trên quê nhà không vô nghĩa…”
Có tiền là đi tìm mộ đồng đội
Xuất ngũ với tình trạng sức khỏe yếu (thương binh 2/4) điều kiện kinh tế khó khăn, dũng sĩ Lê Văn Chớ làm đủ nghề để mưu sinh. Anh lính đặc công chỉ quen cầm súng diệt giặc bỡ ngỡ trong cuộc chiến chống đói nghèo. Nhưng rồi ông đã giành chiến thắng vẻ vang trên thương trường. HTX 27-7 năm 1993 và khách sạn Hoàng Anh ra đời năm 1998 sau những cố gắng miệt mài không ngừng nghỉ của người cựu binh đã trở thành nơi giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động trẻ.
Nửa phần đời còn lại ông Chớ đi tìm mộ đồng đội. |
Khi kinh tế gia đình khá lên, điều đầu tiên ông nghĩ đến là tri ân các đồng đội và thân nhân các liệt sĩ đã ngã xuống. HTX 27-7 và khách sạn Hoàng Anh của ông tạo công ăn việc làm cho nhiều cựu chiến binh, cựu TNXP và con em của họ. Ông cùng với những đồng đội xưa thường xuyên thăm hỏi những gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn, tìm mọi cách để giúp họ xóa đói giảm nghèo.
Ông vẫn đau đáu nỗi niềm là làm sao quy tập những đồng đội đã nằm lại giữa núi rừng về với quê hương. Bởi vậy, phần lớn số tiền ông kiếm được đều để dành cho những lần xuyên rừng trở lại chiến trường xưa mang đồng đội trở về quê mẹ. Ông còn nhớ rõ những chuyến đi dài ngày đầy bất trắc và vất vả ấy: “Có những lần anh em tổ chức đi tìm phần mộ đồng đội, ốm đau giữa rừng, không thuốc thang, không lương thực. Khi hết tiền phải đi xin ăn rồi bán các vật dụng tùy thân như đồng hồ, nhẫn, quần áo, để lấy tiền đi tiếp. Có những lần cả nhóm phải thuê xe công nông mò mẫm trong rừng hàng tuần liền”. Hơn 10 năm nay, ông và đồng đội đã đi tìm như thế. Hễ có thân nhân liệt sĩ nào nhờ ông tham gia đi tìm mộ, ông không chút nề hà, sẵn sàng bỏ núi công việc ở nhà để lên đường.
1.300 hài cốt liệt sĩ được ông Lê Văn Chớ và đồng đội quy tập được về các nghĩa trang liệt sĩ trong những năm qua, đã đem lại niềm hạnh phúc cho thân nhân liệt sĩ. Ông nói: “Đôi chân này vẫn có thể bước đi thì tôi và anh em chưa dừng bước để đưa các anh về”.