Ngày giỗ chung của các mẹ

Vượt qua những lý do tế nhị, nơi thờ cúng người có công "neo côi" giờ đã được tổ chức trang trọng, ấm cúng tại Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh TT- Huế
Vượt qua những lý do tế nhị, nơi thờ cúng người có công "neo côi" giờ đã được tổ chức trang trọng, ấm cúng tại Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh TT- Huế
TP - Có một ngày giỗ chung dành cho các cụ già neo đơn có công với nước, từng được nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh TT- Huế. Các cụ, các mẹ mất không cùng ngày, không còn người thân lo hương khói.

> Người đàn bà thép xuyên Việt

Vượt qua những lý do tế nhị, nơi thờ cúng người có công
Vượt qua những lý do tế nhị, nơi thờ cúng người có công "neo côi" giờ đã được tổ chức trang trọng, ấm cúng tại Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh TT- Huế.
 

Hương khói "neo côi"

Tôi biết về ngày giỗ chung thường được gọi là hiệp kỵ được tổ chức đều đặn vào mỗi dịp cao điểm đền ơn đáp nghĩa đã mấy năm. Một ngày giỗ thật đặc biệt! Bởi, hiếm có ngày giỗ chung hằng năm nào như vậy ở những nơi khác.

Công việc nghĩa tình kia cũng không thuộc bất kỳ định chế tiêu chuẩn chính sách nào, mà đơn giản là xuất phát từ niềm tri ân, ý nghĩa tâm linh sâu kín và bao trăn trở dằn vặt đã trở thành thâm niên của cán bộ, nhân viên trung tâm - những người luôn khuya sớm canh lo từng hơi thở, miếng ăn, giấc ngủ cho các mẹ, các cụ đã một đời chịu nhiều lao lung mất mát.

Lần đó dịp 27-7, tôi đến thăm các mẹ các cụ tại Trung tâm Điều dưỡng, Chăm sóc người có công tỉnh. Một nhóm cán bộ nhân viên gấp gáp sắm sanh bày biện những nhang đèn hoa quả và nhiều lễ phẩm, thức mặn tựa như sắp có một cỗ giỗ lớn tổ chức công khai ngay nơi công sở. Kể cũng lạ! Chuyện cúng kiếng lâu nay là điều tối kỵ tại cơ quan nhà nước.

Anh Hải, lúc đó là Giám đốc Trung tâm, như đoán được ý khách: “Cơ quan sắp làm cỗ giỗ. Kể ra cũng đã thường niên tổ chức vào dịp 27-7 được mấy năm rồi… Đó là lễ giỗ chung dành cho các mẹ các cụ neo đơn là đối tượng có công, mất không cùng ngày, từng được nuôi dưỡng nơi đây, nhưng hiện không còn ai thân thích hương khói”. Người đưa ra sáng kiến làm lễ cúng giỗ đặc biệt kia là anh Hà Huy Bé, Trưởng phòng Hành chính.

Anh Bé giờ đã là Phó Giám đốc Trung tâm, cương vị mới nhưng việc xưa vẫn canh cánh. Mấy hôm rồi vợ anh lâm bạo bệnh điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Gặp lúc cao điểm bận rộn, anh Bé tranh thủ thời gian vào ra chăm nuôi vợ nhưng không xao nhãng việc cơ quan, nhất là dịp 27-7 sắp cận kề, sắp có thêm một lần giỗ chung cho những người vốn chịu nhiều neo côi mất mát.

“Có phải sáng kiến sáng tạo chi đâu anh. Cứ thấy các mẹ các cụ ra đi chẳng còn bà con thân thích chăm nom hương khói, cái bát nhang di ảnh cũng không người đến đón, nhiều lúc phải gửi vào nhà chùa, chúng tôi không cầm được nước mắt. Tội lắm! Mình đã phụng dưỡng, sao lại không thể phụng thờ các mẹ? Cứ trăn trở, cứ nghĩ suy qua nhiều năm như thế rồi mới dám mạnh dạn làm giỗ cúng trong cơ quan như hôm nay đây”, anh Bé nói.

Những bà mẹ tại trung tâm xem đây như là nhà của mình
Những bà mẹ tại trung tâm xem đây như là nhà của mình.
 

Những người vừa cởi áo lính bước vào thời bình hoặc có thân nhân hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ máu lửa như anh Bé, anh Hải (Giám đốc cũ) và chị Võ Thị Xuyến (Giám đốc Trung tâm hiện nay)... rất thấu nỗi mất mát neo côi của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, cũng như rất nhiều cụ ông cụ bà có công với nước nhưng không còn ai thân thích sau ngày vui thống nhất non sông.

Cái câu Người có công neo đơn không nơi thờ cúng trở thành nỗi ám ảnh đối với thế hệ hậu sinh như anh Hải, chị Xuyến, anh Bé. Họ luôn cảm thấy có điều gì đó thiếu sót...

Đầu những năm 2000, anh Bé và các đồng sự đề xuất ý tưởng xây dựng một khu nhà tang lễ để kết hợp hương khói, thờ cúng người có công neo chiếc. Điều kiện kinh phí không cho phép nên ý tưởng kia đành xếp tủ.

Lại trăn trở. Anh Bé đề xuất phương án mới là tận dụng một gian nhà nào đó thuộc trung tâm làm nơi tổ chức tang lễ, và hương khói cúng giỗ cúng lễ thường niên cho những cụ già có công không còn thân nhân.

Ý tưởng này được lãnh đạo trung tâm và cơ quan chủ quản chấp thuận. Từ độ đó, nhiều mẹ nhiều cụ trước lúc lâm chung đã không còn canh cánh chuyện lạnh lẽo khói hương hay thảng thốt lời trối trăng mang bát nhang gửi chùa...

Anh Hà Huy Bé - người từng đưa ra sáng kiến lập nơi thờ cúng người có công neo đơn
Anh Hà Huy Bé - người từng đưa ra sáng kiến lập nơi thờ cúng người có công neo đơn.

Vừa phụng dưỡng, vừa phụng thờ

Chúng tôi theo chị Xuyến xuống thắp nhang tại khu phòng tưởng niệm, thờ cúng những người có công không còn thân nhân thuộc khuôn viên trung tâm. Một gian thờ được thiết trí trang trọng ấm cúng theo phong cách truyền thống: phông màn trướng liễn câu đối trang nghiêm, tủ án kê cao phía trước đặt lư đồng, đèn đồng, bát nhang lớn, bàn lễ thấp bên trong đặt di ảnh và bát nhang nhỏ thờ những người vừa mất chưa tròn năm…

“Nơi đây không chỉ cúng giỗ chung cho người có công neo đơn dịp 27-7. Có cụ nào vừa mất, chúng tôi đều cúng cơm tại đây cho đến hết 49 ngày, cúng lễ 50 ngày, 100 ngày, rồi cúng giáp năm theo tục lệ truyền thống. Tết cổ truyền, Tết đoan ngọ hằng năm cũng làm mâm cúng tươm tất cho các cụ... Yên tâm chuyện hương khói về sau, thế là nhiều cụ neo đơn hiện sống tại trung tâm nhờ chúng tôi giúp luôn những việc khác. Cũng hệ trọng với họ lắm”, giọng chị Xuyến trầm trầm sau tuần nhang nghi ngút dâng lên ban thờ.

Thì ra, người già có công neo đơn giờ xem người của trung tâm như con cháu trong gia đình, dòng họ. Họ phó thác, gửi gắm nhiều chuyện hệ trọng trước lúc lìa xa cõi đời, như việc hậu sự, việc nhờ tìm mua đất tốt mai táng, nhờ xây sinh phần lăng mộ bằng chính những đồng tiền chính sách chắt chiu tiết kiệm.

Một dịp sang ngân hàng, tôi nghe chuyện một người già có công neo đơn suýt bị cháy sạch số tiền giấu giữ bí mật bao năm để lo hậu sự. Hỏi ra, đó là bà cụ B. Lúc tiếp nhận điều dưỡng, bà cụ B. đã bị lẩn thẩn, tiền bạc tích cóp để dành xây mộ bấy lâu phải giao trung tâm quản lý. Khi tiếp nhận gói tiền trị giá hơn 8 triệu đồng thì hỡi ôi, tất cả đều bị cháy sém.

Thì ra bà cụ lúc còn tỉnh táo ở quê đã thận trọng giấu tiền xuống lớp tro đáy bếp củi để đề phòng bọn trẻ nghịch quanh xóm dòm ngó trộm cắp mua quà, chơi game. Lần đó, cán bộ trung tâm phải gõ cửa ngân hàng nhờ can thiệp. Đống giấy bạc bị cháy sau được đổi thành tiền lành, cụ B. giờ đã mồ yên mả đẹp.

“Mới rồi, chúng tôi giúp liên hệ mua đất và xây thêm 3 sinh phần theo nguyện vọng của 3 người già yếu là các cụ Trần Nô, Trần Cu, Lương Thị Định. Vừa làm xong thì 1 cụ qua đời... Cụ ra đi thanh thản lắm ! Cũng có những trường hợp mong được chôn cất, tại quê nhà. Trung tâm sẵn sàng phối hợp chính quyền địa phương đáp ứng nguyện vọng, kết hợp thêm kinh phí hỗ trợ của nhà nước để làm”, anh Hà Huy Bé kể.

Có một đề nghị mà Trung tâm trình đi từ lâu, đến nhiều nơi, nhưng chưa được giải quyết. Đó là vấn đề bố trí đất huyệt mộ. Anh Bé trăn trở: “Những trường hợp người có công không tự lo được đất chôn cất thì đằng nào nhà nước cũng giải quyết theo chế độ. Vậy nên, mong tỉnh xem xét có chính sách bố trí cho người có công, kể cả đối tượng xã hội neo đơn một khu mai táng tập trung. Có vậy, cơ quan chức năng dễ quản lý, hương khói về sau, vừa tránh bị thất lạc mồ mả do chôn cất manh mún, rải rác ra nhiều địa phương, nhiều thời kỳ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG