Đêm săn cá mập

Đêm săn cá mập
TP - Bắt được dòng cá mập dữ không đơn giản. Phải kết hợp nhiều yếu tố: đêm có trăng mờ, vùng nước nóng, có hang đá ngầm, nhiều cá con xuất hiện… thả mồi câu và canh gác từng ly.

Bắt được cá mập dữ tại vùng biển Quy Nhơn
> Cá mập trắng cũng có kỳ nghỉ đông

Nghiệp săn cá dữ

“Sát thủ” cá mập có kinh nghiệm gần 40 năm, ông Lê Văn Ba (SN 1944), ngụ ở thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ, Bình Định) nói săn được con cá như ý muốn của đoàn nghiên cứu lại càng là điều không dễ. Đây là đoàn nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, Sở KHCN và Sở NN-PTNT Bình Định, thực hiện đề tài nghiên cứu hiện tượng cá dữ tấn công người ở Quy Nhơn và đề xuất các giải pháp phòng ngừa.

Theo lời ông Ba, mỗi chuyến đi săn cá mập ít nhất mất 10 ngày. Trước đây cá mập xuất hiện nhiều. Một dạo lại thưa vắng. Gần đây chúng xuất hiện ở vùng biển gần bờ và tấn công một số người tắm biển Quy Nhơn. Tháng 8-2010, Viện Hải dương học Nha Trang phối hợp Sở KHCN, Sở NN-PTNT Bình Định thành lập công trình nghiên cứu Cơ sở Khoa học của hiện tượng cá dữ tấn công người ở Quy Nhơn và Đề xuất các giải pháp phòng ngừa.

Ông Võ Văn Quang, Trưởng nhóm đánh bắt cá dữ (Viện Hải dương học Nha Trang) cho biết, để thực hiện được đề tài khoa học này phải tham vấn nhiều nơi, tìm nhiều người có kinh nghiệm trên tinh thần tự nguyện và thành lập 6 nhóm phụ trách (thăm khám cộng đồng, khảo sát, đánh bắt cá dữ, nghiên cứu địa hình biển…), tiến hành 6 chuyến khảo sát trên biển.

Chuyến hành trình lần thứ 6 của đội quân săn cá dữ bắt đầu từ 15 giờ ngày 11-7 tại vùng biển Quy Nhơn.

Chiếc tàu có công suất gần 20CV chở đoàn. Ba ngư dân chuyên hành nghề bắt cá mập đại dương thâm niên hàng chục năm Lê Văn Ba, Nguyên Đình Bảo, Nguyễn Hữu Lộc (cùng trú thôn Tân Phụng) được đoàn mời tham gia chuyến đi săn.

Sau khi xuất phát, đoàn đi theo chỉ dẫn của các ngư dân.

Ông Ba kể: Trước tiên là dò xét các địa điểm cá mập thường xuất hiện và chọn thời điểm thích hợp để nhử, bắt gọn chúng mà tránh được nguy hiểm đến người đi săn. Thao tác đó cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ của những người có kinh nghiệm về cách sống của loài cá dữ.

Mỗi dàn câu trước khi thả xuống đều phải găm vào từng loại cá khác nhau, nằm xen kẽ nhau để tích hợp mùi dụ cá mập đến.

Khi thả câu, phải đo mực nước biển, nhắm cho trúng hai phần ba mực nước để treo lơ lửng mũi câu và sóng biển sẽ làm thao tác chuyển mùi vị lan tỏa dễ dàng hơn. Mồi câu gồm ba loại (loại to, vừa và nhỏ) và thả vào 3 mực nước khác nhau. Sau khi thả xong, đoàn chong mắt canh gác.

Ông Lộc chia sẻ: Dòng cá mập dữ gần bờ thường sinh sống dưới đáy biển, ít nổi lên mặt nước hoặc lưng chừng. Mồi câu xuống lưng chừng kết hợp sóng biển làm cho mồi câu vờn qua vờn lại cộng thêm mùi tanh khiến cá ngóp lên ăn và mắc câu dễ dàng.

Ông Bảo kể, có lần một con cá mập xám khổng lồ mắc câu vùng vẫy dữ dội nên không ai dám lại gần. Cứ để nó tự vùng vẫy đến khi kiệt sức ngư dân mới tiếp cận và bắt. “Nguy hiểm rình rập nên cả tỉnh không có nhiều người làm nghề săn cá mập đâu, chúng tôi theo nó coi như cái nghiệp rồi” - ông Bảo nói.

Miệng cá còn nguyên lưỡi câu
Miệng cá còn nguyên lưỡi câu.

Tóm gọn

Dàn câu150 lưỡi được thả xuống vào khoảng 17 giờ ngày 11-7, tại tọa độ 13 độ 41 vĩ Bắc-109 độ 14 kinh Đông, giữa đảo Hòn Ngang và Hòn Khô (thuộc vùng biển xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, Bình Định). 4 tiếng sau một cụm phao ngụm xuống nổi lên liên tiếp. Cá lớn cắn mồi.

Nhưng có phải cá mập hay không? Các lão ngư kéo căng dàn câu lên, nhưng không xông lại gần khi cá còn khỏe. Đến 21h30, họ đã tóm được con cá dữ.

Khoảng 7 giờ sáng ngày 12-7, con cá mập sọc trắng, giống cái, nặng gần 40kg, dài 1,78m; vòm miệng rộng 16,5cm được đoàn của Viện Hải dương học đem vào bờ. Sau khi tiến hành phân tích một số chỉ tiêu sinh học, xử lý mẫu sơ bộ, con cá trên được gửi vào kho lạnh. Đoàn tiếp tục hành trình ra biển kiểm tra những mồi câu đang thả, sau đó mới đưa về Nha Trang làm mẫu vật trưng bày.

Nhận xét của nhóm ngư dân chuyên săn cá dữ: Con cá mập sọc trắng bắt được tối 11-7 gồm có hai bộ răng/hàm vẫn chưa phải là loài cá dữ tợn nhất.

Ông Bảo nói: Cá dữ nhất là loại cá có 3 bộ răng/hàm, thuộc họ cá mập bung hoặc cá nhám đá (khoảng 15kg trở lại). Loại này tấn công người rất dữ. Các ngư dân nghi rằng những người tắm biển Quy Nhơn bị loài cá nhám đá này tấn công (cá nhám đá bị thu hút bởi mùi vị tổng hợp, nước nóng, gần bờ).

Lão ngư Lê Văn Ba diễn tả lại động tác thả mồi câu theo dàn câu nhiều lưỡi
Lão ngư Lê Văn Ba diễn tả lại động tác thả mồi câu theo dàn câu nhiều lưỡi.

Vẫn lo ngại

Sau một loạt sự kiện cá dữ tấn công người tắm biển Quy Nhơn vừa qua, Tiền Phong cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng khác không ít lần nhắc đến vấn đề an toàn cho người tắm biển. Chính quyền TP Quy Nhơn đã đưa ra một số biện pháp ngăn ngừa tình trạng này nhưng xem ra còn hời hợt chưa thuyết phục.

Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết: Sở và một số ngành liên quan đang phối hợp với ngư dân thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về hiện tượng cá dữ tấn công người ở biển Quy Nhơn. Sau khi có kết luận cuối cùng của đoàn, sẽ có biện pháp cụ thể hơn.

Ông Hào bức xúc:“Chúng tôi đã nhiều lần trình kiến nghị tới UBND tỉnh và giao cho UBND TP Quy Nhơn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với ngư dân, các đơn vị có điểm du lịch trên địa bàn thành lập trạm báo hiệu trên biển nhằm bảo vệ người tắm nhưng đến nay UBND TP vẫn chưa làm xong”.

Những năm 2009, 2010 cá mập liên tục xuất hiện tại vùng biển Quy Nhơn và các địa phương cận kề. Riêng năm 2010 có 3 con cá mập sa lưới của ngư dân (có con lên đến 500kg), năm 2011 có 2 con (1 con bị ngư dân Phan Văn Dàu ngụ phường Trần Phú bắt được cách đây 1 tháng). Hiện đang là mùa hè oi bức, mỗi ngày có hàng ngàn người dân và khách du lịch xuống tắm biển.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG