Thực hư chuyện tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm

Thực hư chuyện tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm
TP - Tìm kiếm hài cốt liệt sỹ còn nằm lại nơi chiến trường xưa, là mong mỏi, là khát vọng của đồng đội và thân nhân liệt sỹ. Đây cũng là việc làm được Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn coi trọng. Một trong những phương pháp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ là dựa vào khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ai cũng có thể tự xưng là “nhà ngoại cảm” để mở ra những “trung tâm”, “cơ sở” tìm kiếm mộ liệt sỹ.

Kỳ 1: “Bùng nổ” Trung tâm tìm mộ liệt sỹ

Nam Đàn

Cách TP Vinh (Nghệ An) chưa đầy hai chục cây số, xã nhỏ Nam Cát thuộc huyện Nam Đàn bỗng trở nên nhộn nhịp hơn, từ khi xuất hiện một Trung tâm tìm mộ liệt sỹ bằng phương pháp tâm linh. Người lạ đến đây, vừa tới cổng làng đã có người đon đả mời chào mua hương hoa, vàng mã... Dọc hai bên đường làng, nổi lên nhiều dịch vụ ăn theo như trông giữ ô tô, xe máy, nhà nghỉ trọ, quán cơm bình dân.

Nơi đây mới xuất hiện “Trung tâm tìm kiếm mộ liệt sỹ” của một phụ nữ tên là Phan Thị H. (do chưa được các nhà khoa học thẩm định, kết luận về khả năng ngoại cảm, tại bài này không nêu tên thật của một số nhân vật). Một người dân địa phương kể, chị H. từng dạy học ở trường mầm non khu Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội. Cuối năm 2010, chị H. bỏ về quê, lập bàn thờ “gọi hồn” tìm kiếm mộ liệt sỹ.

Có mặt tại “Trung tâm” của chị H., ấn tượng đầu tiên với PV Tiền Phong là nơi này rất đông người. Hệ thống bàn thờ được kê từ trong nhà ra sân, ra tận cổng. Phía ngoài cổng còn lập một miếu thờ, cạnh bên để hòm công đức. Các gia đình có mặt ở đây với mục đích đăng ký tìm kiếm mộ liệt sỹ...

Rời xã Nam Cát, PV tìm đến bốn cơ sở tìm kiếm mộ liệt sỹ khác, cũng thuộc huyện Nam Đàn. Đó là cơ sở của ông Lê Hoài N. ở xã Nam Cường; cơ sở của bà Nguyễn Thị S. ở xã Nam Trung; cơ sở của bà Lê Thị H. ở xã Xuân Hòa; cơ sở của bà Nguyễn Thị Phương M. (Hiệu trưởng trường Tiểu học Hùng Tiến) ở thị trấn Nam Đàn. Đây đều là những cơ sở mới mọc ra thời gian gần đây.

Diễn Châu

Tại xóm 7, xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, PV Tiền Phong tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân N. Ông N. sinh năm 1962, nhà sát tỉnh lộ 538, luôn tấp nập người vào ra. Đây cũng là một “Trung tâm tìm mộ liệt sỹ”. Các dịch vụ ăn theo cũng mọc lên xung quanh, tương tự các “Trung tâm” ở Nam Đàn.

Theo một số người dân, ông N. nguyên là một thầy cúng khá nổi tiếng. Thường thì người nhà liệt sỹ chỉ cần ngồi cầu cúng theo ông N. một lúc là có thể lên đồng ngay. Có nhóm sau khi lên đồng thì hò hét, có nhóm thì ngồi nhỏ nhẹ trò chuyện.

Tại “Trung tâm” của ông N., bình quân mỗi ngày có gần một trăm nhóm người, họ được ngồi theo từng ô, mỗi ô có từ 5 đến 7 người. Một công an viên xã Diễn Thái cho biết, ngày nào cơ sở này cũng có đông người đến đăng ký tìm kiếm mộ liệt sỹ.

Dễ thấy...

Hầu hết tại các “Trung tâm tìm kiếm mộ liệt sỹ” mà PV có mặt, tuy không thu tiền nhưng chỗ nào cũng đặt hòm công đức để người nhà liệt sỹ “tùy tâm” bỏ tiền vào. Không ít trường hợp đến tìm mộ liệt sỹ, gia đình liệt sỹ đặt vào hòm công đức 5 - 7 triệu đồng. Chưa ai biết số tiền đó được “Trung tâm” dùng vào việc gì. Một số hộ gia đình sau khi được vong liệt sỹ ứng lên chỉ chỗ phần mộ liệt sỹ đang nằm, đã phải bỏ ra tiền triệu (tuỳ quãng đường ngắn dài) để thuê ô tô của “Trung tâm” đi bốc mộ về.

Hầu hết các nhà hàng, quán cơm bình dân mọc lên xung quanh các cơ sở này đều không đảm bảo vệ sinh. Chỗ ngồi ăn không xa chuồng lợn, chuồng bò… Mùa nắng nóng, ruồi, muỗi rất nhiều. Khách chưa kịp ăn thì ruồi đã bâu kín bát, đĩa. Những ngày nắng nóng, quá đông người ngồi thiền trong một khoảnh sân che kín đầy hương khói, rất dễ xảy ra các bệnh về đường hô hấp.

Kết quả?

Ở các cơ sở trên, thủ tục và phương pháp tìm kiếm mộ liệt sỹ đều giống nhau. Gia đình liệt sỹ đến đăng ký danh sách, ghi cả số điện thoại. Sau đó chủ các cở sở sẽ làm lễ, nếu gọi được vong liệt sỹ về thì thông báo cho gia đình liệt sỹ mang di ảnh, Bằng Tổ quốc ghi công, Giấy báo tử… tới để lập bàn thờ cầu vong liệt sỹ.

Mỗi gia đình lập một bàn thờ riêng, đi cùng thường có 5 - 7 người nhà, cùng ngồi trước bàn thờ để thiền. Khi nào vong liệt sỹ ứng vào ai trong số người nhà liệt sỹ, người đó sẽ có biểu hiện người rung, vật vã, nhắm mắt, tự xưng là liệt sỹ, rồi kể lại quá trình hy sinh, và chỉ chỗ phần mộ của mình để người nhà đi cất bốc.

Thủ tục như vậy, song kết quả thế nào? Ông Nguyễn Văn Hùng, cựu quân nhân, quê Diễn Thọ, Diễn Châu, cho biết: Ông đã cùng người nhà đến “Trung tâm” của bà Lê Thị H. (xã Xuân Hòa, Nam Đàn). Vong liệt sỹ đã ứng vào một người cháu của ông Hùng gần 30 ngày, mà vẫn chưa chỉ được phần mộ liệt sỹ ở đâu. Mỗi ngày, nhà ông có 5 - 6 người thường xuyên túc trực, chờ đợi kết quả là lên đường.

Anh Nguyễn Đức Lâm quê huyện Nam Đàn kể: Anh cùng người nhà bỏ công của khá tốn kém, đến “Trung tâm” ở xã Xuân Hòa. Sau gần hai chục ngày, vong liệt sỹ ứng vào người thân trong gia tộc, nhưng liệt sỹ người nhà anh Lâm hy sinh ở Tây Nam bộ, thì người được vong ứng vào lại nói hy sinh ở Quảng Bình. Thấy vậy, người nhà anh Lâm không tin và đã bỏ cuộc.

Thượng tá Lê Khắc Thiết, Trưởng Công an huyện Nam Đàn cho biết: Nam Đàn là huyện đầu tiên và hiện là huyện có nhiều cơ sở tìm kiếm mộ liệt sỹ nhất ở Nghệ An. Một số nơi cơ sở bắt đầu thương mại hóa, tự đặt hòm công đức thu lợi bất chính.

Một số nơi xuất hiện hiện tượng mê tín dị đoan, có vong ứng lên tự xưng là lính Mỹ - Nguỵ, có lời lẽ thô bạo với người xung quanh. Có người sau khi vong nhập bị rối loạn thần kinh, phải nhập viện. Nhiều người tìm mộ liệt sỹ bất bình, vì tìm đến nơi không có hài cốt, chỉ được nắm đất.

Kỳ 2: Ngoại cảm - Chuyện thật hay bịa?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG