Giật rau dưới đáy biển
Phụ nữ ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hết mùa trồng tỏi lại đu mình theo những mỏm đá hái rong. Không những nuôi gia đình, họ còn là chỗ dựa cho chồng, con yên tâm bám biển.
Hái rau Đông, rau chân vịt bên những mỏm đá ven đảo Lý Sơn từ lâu đã là nghề kiếm tiền lúc nông nhàn của đa số phụ nữ ở vương quốc tỏi. Giờ đây, nghề nguy hiểm này dần trở thành cách mưu sinh chủ yếu của những người vợ, người mẹ xứ biển.
Miệng ngậm gương lặn, lưng mang bao đựng, tay cầm chiếc liềm sắt, hàng chục “nữ thợ lặn” trên đảo núi lửa đang oằn mình bám vào từng cành san hô nơi đáy biển, giành giật từng bụi rau với những con sóng dữ. Trưa Lý Sơn nắng gắt, khuôn mặt chị Nguyễn Thị Nhiều (thôn An Vĩnh) càng thêm sạm đen. Quá giờ trưa, có nghĩa chị Nhiều đã ngâm mình trong nước biển hơn nửa ngày, tay chân tái nhợt. Chị uể oải: “Trời lại bắt đầu động rồi, nắng gắt nhưng gió dữ quá, sóng biển rất dữ khiến chị em như tụi tui rất khó bám vào các mỏm đá”. Chị Nhiều đã hái rong gần 20 năm.
Đa phần phụ nữ Lý Sơn lặn hái rong biển đều là lặn bộ (không có máy hơi hỗ trợ), với lượng hơi dự trữ chưa đầy một phút, khi lặn xuống đáy bị sóng xô đập, không bám chặt những cành san hô sẽ bị tuột tay khỏi những bụi rau. Ngoi đầu lên mặt nước lấy lại hơi, tiếp tục quay đến chỗ cũ cố lấy cho được bụi rau đã mất. Vài ba lần bị sóng đưa đẩy, gần hết sức mới cạy mới lôi được bụi rau.
Điểm lặn của nhóm chị Nhiều dưới chân núi lửa Lý Sơn, nơi cảnh sắc đẹp tuyệt trần, trong veo dưới nắng. Len lỏi dưới các mỏm đá, nguy hiểm vẫn chực chờ. Chị Nhiều chán nản: “Mọi ngày đến giờ đã gần đầy bao, chuẩn bị về, vậy mà đến giờ chỉ được vài bụi. Thôi vào gò đá bên trong tìm cạy vài bụi rau nữa rồi về, sóng biển vậy thì lặn sao được nữa”.
Chị Nhiều trông già hơn tuổi 40 của mình. Mười bảy tuổi, ở đảo Lý Sơn lấy chồng là chuyện thường, và giờ đây có 6 mụn con cũng không là chuyện lạ. Chồng và 2 con trai lớn đi biển, lúc được lúc không, nhà có 1 sào tỏi, năm mất mùa, năm xuống giá. Hai đứa nhỏ sau đang học, ráng cho chúng nó kiếm cái chữ thoát nghèo, chị chấp nhận cực khổ.
Trẻ nhất trong nhóm chị Nhiều là Mai Thị Cúc, mới 17 tuổi. Bàn tay em chi chít vết trầy xước còn rướm máu do vật lộn với sóng, bám san hô, cố giữ để không tuột điểm tựa nơi đáy biển mà giật bụi rau. Cha Cúc đi biển, mẹ già sức yếu. Mấy năm trước có 3 sào tỏi, không người làm, dần dần nhượng cho người khác. Mỗi mình Cúc lo cho 2 đứa em nhỏ, bằng nghề hái rong biển. Mỗi ngày kiếm được dăm chục ngàn là Cúc mừng rơn. Ngày đó cả nhà không đói cơm.
Nhà chị Nguyễn Thị Xí (thôn Đông An Hải) hiu hắt. Chị Xí là vợ bé lão ngư Nguyễn Đảng, đã mất tích cuối năm ngoái. Nghe tin tôi đến chơi, chị tất tả chạy từ ngoài biển về. “Buồn lắm chú ơi, con nhỏ khóc miết, giờ chẳng biết làm sao cho nó thôi nhớ cha” - chị đặt liềm, tháo khẩu trang ngồi phịch xuống nền nhà than thở.
Khi ông Đảng còn sống, cứ mỗi chuyến biển về lại có đôi ba triệu lo cho mẹ con. Giờ lão ngư đã về với biển, chị Xí hằng ngày bám các mỏm đá ven đảo hái rong. Chồng trước của chị cũng là một tài công cự phách, chết ở Hoàng Sa. Tái giá với ông Đảng chưa được 10 năm, được đứa con gái 7 tuổi.
“Tui không sợ cực, không sợ khổ, chỉ sợ không kiếm đủ tiền cho con bé ăn học đàng hoàng. Cầu cho nó lớn lên không nhọc nhằn như mẹ”. Bé Nguyễn Thị Thắng đôi mắt trong veo, mặt phảng phất buồn vì vắng cha.
Hiếm hoi bóng dáng đàn ông . |
Nghề nguy hiểm
Nhọc nhằn và cực khổ, ngư nữ hái rong ở đảo Lý Sơn chịu được. Nhưng điều làm họ ớn lạnh mỗi lần đeo gương cầm liềm hái rong là nỗi ám ánh về cái chết.
Trong căn nhà đơn sơ, chị Bùi Thị Thu (An Hải, Lý Sơn) nhớ lại những lần bị bầm dập bởi nghề hái rong. Nhà nghèo nên nghỉ học sớm, lao động phụ giúp gia đình nuôi em, sau gần 20 năm theo nghề lặn rau biển, trong người mang nhiều bệnh, nhiều lúc trở trời, tay chân và lưng đau nhói nằm lăn quanh nhà, nhưng đến buổi lại tiếp tục ra biển với công việc.
Đi từ giữa trưa đến mặt trời lặn mới về, luôn đội trên đầu cái nắng khắt nghiệt và hàng chục lần cong người lên xuống đáy biển, hết thảy những người theo nghề lặn rau biển đều mang trong mình những căn bệnh kinh niên và tử thần luôn rình rập, chực chờ. Nhiều người đau ốm liên miên nên không thể đi lặn nữa.
Chiều, đội rau trên đầu về nhà . |
Chị Thu kể cách đây mấy năm, hai chị em Lê Thị Bé và Lê Thị Nhàng (An Vĩnh, Lý Sơn) suýt chết. Sau 3 giờ ngâm mình trong nước, được vài ký rau, hai chị em chuyển đến vùng ít người lặn nhưng dòng nước vẫn phẳng. Lặn được một lúc bỗng dưng Bé chấp chới.
Thấy chị bị nước cuốn, Nhàng vội bơi đến đưa tay cố níu chị vào nhưng nước cuốn mạnh làm chị em trôi theo dòng nước. May mắn, những người đánh cá xung quanh đã kịp chèo thúng đến đưa hai chị em vào bờ. Thoát chết nhưng trong bụng đã chứa đầy nước biển.
Đến giờ này, chị Bé vẫn chưa hết kinh hoàng: “Tui nghĩ mình sẽ vĩnh viễn nằm lại đáy biển vì sức cạn nên đã buông xuôi và chìm dần. May có anh dân chài xóm bên, không thì bây giờ là ma rồi”.
Cùng năm đó, em Mai Thị Tươi, là học sinh trường THPT Lý Sơn đã vĩnh viễn nằm lại biển sâu bởi nhọc nhằn mưu sinh với nghề hái rong. Tươi còn trẻ, theo chị Thu đi lặn nên không rành nghề, bị rơi vào vòng nước xoáy.
Chị Hoài - mẹ Tươi, kể: Nhà khó khăn, thấy người ta cho con đi các thành phố học hè để nâng cao kiến thức chuẩn bị năm học mới, tôi và chồng đã bàn tính để con bé theo bạn đi học nhưng cháu không chịu đi. Bé nói ở nhà theo các chị đi lặn rau biển kiếm tiền phụ giúp gia đình và mua sách vở ôn tập. Đâu ngờ đó là chuyến đi định mệnh của bé”.
Trẻ nhất trong nhóm chị Nhiều là Mai Thị Cúc, mới 17 tuổi. Bàn tay em chi chít vết trầy xước còn rướm máu do vật lộn với sóng, bám san hô, cố giữ để đôi tay không tuột điểm tựa nơi đáy biển mà giật bụi rau. Cha Cúc đi biển, mẹ già sức yếu. Mấy năm trước có 3 sào tỏi, không người làm, dần dần nhượng cho người khác. Mỗi mình Cúc lo cho 2 đứa em nhỏ, bằng nghề hái rong biển. Mỗi ngày kiếm được dăm chục ngàn là Cúc mừng rơn. Ngày đó cả nhà không đói cơm. |