Nhức nhối 'làng ung thư'

Nhức nhối 'làng ung thư'
TP - Xã Thạch Sơn (Lâm Thao - Phú Thọ) từ lâu đã mang cái tên làng ung thư. Trở lại Thạch Sơn dễ thấy có nhiều đổi thay đáng mừng, môi trường được cải thiện, chỉ có bệnh ung thư là vẫn không chịu lùi bước... Nhiều xã khác, số người bị ung thư vẫn không giảm.

> 'Làng ung thư' Thạch Sơn vẫn khát
> Mua thẻ BHYT cho dân làng "ung thư” Thạch Sơn

Về Thạch Sơn dễ nhận thấy những đổi thay rõ rệt, nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều. Đội ngũ cán bộ xã cũng được trẻ hóa. Ông Nguyễn Văn Thắng (36 tuổi) - Chủ tịch UBND xã trẻ nhất từ trước đến nay ở Thạch Sơn- cung cấp vài con số: “Mấy năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân được cải thiện đáng kể, trong đó, có 80% thu nhập chính nhờ, thương mại, dịch vụ, còn 20% là thu từ nông nghiệp. Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn là 12,9%”.

Nếu như trước đây, người dân phải ăn uống từ nguồn nước giếng khơi không đảm bảo vệ sinh thì nay bà con đã được dùng nước sạch do Nhà máy nước Việt Trì cung cấp. Hiện có 1.500/1.800 hộ đã kết nối đường ống dẫn nước sạch tới tận nhà, người dân được sử dụng nước máy từ tháng 9-2010.

Mặc dù, đời sống kinh tế được cải thiện, ô nhiễm môi trường đã giảm nhiều, nhưng số người mắc ung thư và tử vong ở đây vẫn không giảm. Theo đại diện Trạm y tế xã Thạch Sơn, hiện cả xã có 35 người mắc ung thư, với đủ các loại ung thư như: phổi (9 người), tử cung (4 người), dạ dày (3 người), đại tràng (2 người), tuyến giáp (2 người), vòm họng (2 người), ung thư vú (2 người)... Phần lớn bệnh nhân bị ung thư ở độ tuổi 30-45.

Trạm y tế Thạch Sơn phải lập riêng một sổ theo dõi bệnh ung thư. Theo thống kê của Trạm y tế xã, từ năm 2007 đến năm 2010, cả xã có 58 người chết do ung thư (trong đó năm 2007 có 15 người, năm 2008 có 6 người, năm 2009 có 20 người, năm 2010 có 17 người). Riêng năm 2010, số người chết do ung thư gan, phổi là 14 trường hợp. Số người chết chủ yếu là nông dân và cán bộ hưu trí.

Có những hoàn cảnh thật éo le. Một gia đình 4 người thân chết vì ung thư. Có ngôi nhà hiện bỏ không vì cả hai vợ chồng và một người con mất do căn bệnh quái ác này.

Nhà bà Phan Thị Loan (ở khu 7) là một trong những hộ cảnh ngộ thật xót xa. Bố, mẹ chồng, anh chồng, rồi chồng bà cũng về với đất vì bệnh ung thư. Ông Quản Văn Hương (chồng bà Loan), trước đây rất mạnh khỏe, nhưng chỉ sau mấy tháng phát hiện bệnh, ông Hương đã không qua khỏi vì ung thư gan. Chồng mất, hoàn cảnh gia đình càng thêm khó khăn, hiện bà Loan lại phải nuôi đứa cháu ngoại bị tật nguyền.

Trong số 35 người đang phải vật lộn chiến đấu với ung thư, có một trường hợp vừa phát hiện bị ung thư phổi. Số người mắc bệnh chủ yếu là nông dân, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những hộ có người nhà bị bệnh đều túng bấn, nhiều trường hợp phải vay mượn anh em, thậm chí vay lãi để chữa bệnh.

Bà Phan Thị Phú (70 tuổi), bị ung thư vòm họng đã 9 lần phải truyền hóa chất. Sắp tới bà lại xuống Hà Nội truyền hóa chất, mỗi lần đi chữa bệnh mất hơn 6 triệu đồng. Trong ngôi nhà tuyềnh toàng, hằng ngày bà Phú vẫn côi cút một mình chống chọi với bệnh tật, các con bà đều ở xa...

Bà Phú cho biết: “Mấy chục năm qua, tôi đều phải ăn nước giếng khơi, nay mới được dùng nước máy nhưng cũng phải tiết kiệm. Ở khu này, nhiều người đã chết vì ung thư”.

Bà Phan Thị Loan có 4 người thân chết vì ung thư Ảnh: T.V
Bà Phan Thị Loan có 4 người thân chết vì ung thư Ảnh: T.V.

Theo đại diện Trạm y tế xã, hằng tháng, lãnh đạo xã vẫn thường tuyên truyền cách phòng chống ung thư trên đài truyền thanh xã, phát tờ rơi giúp người dân chủ động đi khám bệnh định kỳ.

Theo lãnh đạo xã Thạch Sơn, những năm qua, đoàn bác sĩ thuộc Bộ Y tế có về khám bệnh cho nhân dân trong xã, một số đơn vị như Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Tổng cục Môi trường có đo đếm lượng khí thải, lấy mẫu đất, mẫu rau, nước, nhưng đến nay chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Xã Thạch Sơn nằm giáp ranh với một số nhà máy như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Nhà máy Pin - ắc quy Vĩnh Phú, Nhà máy giấy Bãi Bằng (cách 5km đường chim bay), hàng chục lò gạch... nên ít nhiều đã tác động đến môi trường sống của người dân nơi đây. Trên địa bàn xã, số trẻ em bị viêm đường hô hấp trên, ho tăng cao.

Một người dân ở khu 7 phản ánh: “Ở đây có nhiều nhà máy xung quanh nên thường ngửi thấy mùi rất khó chịu, hôm thì mùi khó chịu từ nhà máy supe phốt phát, hôm thì mùi ắc quy, hôm lại mùi đặc trưng của bột giấy Bãi Bằng”.

Theo người dân phản ánh, hiện Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao không xả nước thải ra kênh mương, nhưng mỗi khi trời mưa, xỉ nhà máy vẫn ngấm vào đất, rò rỉ ra mương (trước đây là mương dẫn nước thải nhà máy).

Năm ngoái, sau những trận mưa to, nước ở mương này đã tràn vào một số ao ở khu 1, gây ra hiện tượng cá chết.

Ông Trần Văn Môn, khu 1 cho biết: “Những hôm trời mưa, tôi phải đóng kín cửa nhà để tránh mùi bốc ra từ một vài nhà máy gần đó. Có những hôm khói bay ở tầng thấp tạt vào nhà. Những người bị phế quản rất khó thở. Năm 2010, nhà tôi và một số hộ ở đây bị thiệt hại nhiều do cá chết. Tôi mong rằng, Nhà máy Supe cần xây cao hệ thống mương, nạo vét và đậy nắp để tránh ảnh hưởng đến người dân quanh đây”.

Điều mà người dân Thạch Sơn hiện nay ngại nhất là khi người ta gọi tên xã này là làng ung thư. Bởi hệ lụy của nó đã ảnh hưởng đến cuộc sống, làm ăn của người dân. Một người dân ở khu 1 tâm sự: “Nhiều khi bạn bè ở xã về chơi không dám ở lại ăn uống với gia đình. Có người còn ngại mua gạch ở Thạch Sơn sợ bị lây ung thư!?”.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, khẳng định: “Xã sẽ dành một khoản kinh phí để đầu tư trang thiết bị y tế, khám sức khỏe cho người dân tại chỗ. Đồng thời kiến nghị các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ để giảm tác động của môi trường đến người dân”.

Thêm làng ung thư mới

Trong khi cơ quan chức năng chưa tìm ra nguyên nhân ở làng ung thư Bắc Thành thì tại xã Tăng Thành, Yên Thành (Nghệ An) lại xuất hiện thêm một Làng ung thư mới khiến nhiều người lo lắng.

Qua con đường đất toàn ổ gà đầy khói bụi, chúng tôi tìm đến xóm 2, xã Tăng Thành. Đưa chúng tôi đến từng nhà có người bị ung thư trong xóm, ông Hoàng Thanh Hoàn, Bí thư chi bộ xóm 2 trăn trở: “Không hiểu vì sao những năm gần đây, làng tôi có nhiều người ung thư đến thế. Năm năm qua trong xóm nhỏ này có đến 20 người chết vì ung thư!”.

Ngõ nằm giữa xóm 2, dài không đầy 200m nhưng đã có 4 đến 5 căn nhà có chồng, cha chết vì ung thư. Có người gọi đây là ngõ góa bụa. Ông Phạm Xuân Huệ bị ung thư hạch sau chuyển sang ung thư gan. Sau một năm điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, ông qua đời đầu tháng 1-2010. Ông Huệ về với đất để lại cho bà Huệ mẹ già hơn 90 tuổi quanh năm đau yếu cùng 5 người con, trong đó có 2 đứa đang học đại học, cao đẳng.

Bà Lê Thị Lịch, vợ ông Huệ đang phải gánh một khoản nợ không nhỏ. Gia đình anh Hồ Sỹ Minh, xóm trưởng xóm 2 chưa hết đau buồn khi hai người anh trai là Hồ Sỹ Thành và Hồ Sỹ Trợ cũng vừa chết vì ung thư.

Chị Ngô Thị Phương (28 tuổi), nhập viện tháng 12-2010 do bị ung thư máu. Hai đợt ra Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để điều trị gia đình chị đã tiêu hết gần 100 triệu đồng. Chị Phương đang nằm ở nhà với khuôn mặt xanh xao, trắng bệch.

Bà Trần Thị Thế, mẹ chị Phương phân trần: “Theo phác đồ điều trị thì phải truyền 6 đợt hóa chất, sức khỏe của con tui tuy có khá hơn trước nhưng lúc nào cháu cũng kêu đau đầu, chóng mặt vì thiếu máu. Gia đình tui giờ không biết đào đâu ra tiền cho cháu điều trị. Tôi đã nợ ngân hàng đến 60 triệu đồng”.

Cháu Hoàng Vân Trang bị ung thư đang điều trị tại nhà Ảnh: D.N
Cháu Hoàng Vân Trang bị ung thư đang điều trị tại nhà Ảnh: D.N.

Em Trần Hoàng Vân Trang (16 tuổi), bị ung thư hạch. Bố mẹ ly hôn từ cuối năm 2008. Một lần đi học về, Trang kêu mỏi chân nhưng mẹ em nghĩ đi xa về bị căng cơ nên cũng không để ý. Sau đó, càng ngày em càng đau. Gia đình đưa Trang ra bệnh viện K Hà Nội điều trị suốt 3 năm trời nhưng bệnh của Trang không những không thuyên giảm mà kéo theo tình trạng sức khỏe mỗi lúc một yếu đi. Kinh tế kiệt quệ, gia đình đưa Trang về, không còn hy vọng...

Hiện giờ, cuộc sống của Trang chỉ còn được đếm từng ngày và đành dang dở ước mơ khi em đang là học sinh xuất sắc của trường THCS chuyên Bạch Liêu (Thị trấn Yên Thành), 7 năm liền em là học sinh xuất sắc. “Một mình tui không thể cáng đáng nổi, may mà nhà có 5 đứa em gom góp chi cho tui chăm sóc cháu, giờ cuộc sống của cháu chỉ còn tính từng ngày!” - Chị Hoàng Thu Hà, mẹ của Trang nói.

Nguyên nhân còn bỏ ngỏ

Xóm 2, xã Tăng Thành được thành lập năm 1976, đây là một xóm thuần nông gồm 216 hộ với 930 nhân khẩu. Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành cũng được thành lập ở đây năm 1976.

Những trường hợp chết vì ung thư tại xóm 2, Tăng Thành phần lớn còn khá trẻ, cao nhất là 60 tuổi, còn lại chủ yếu từ 45 đến 50. “Người dân làm nông nghiệp nên trình độ dân trí, hiểu biết về y tế, sức khỏe còn thấp nên không thể phát hiện được bệnh sớm, đến khi biết bệnh thì đã muộn, chữa trị được vài ba tháng là chết”- Ông Hoàng Thanh Hoàn cho hay.

Cũng ông Hoàn cho biết, đang soát lại danh sách chi tiết những người mang bệnh và đã chết vì ung thư để báo cáo lên cấp trên có giải pháp tìm hiểu nguyên nhân xử lý.

Trong xóm có khoảng 30 hộ sinh sống gần khu vực phía dưới bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành. Được biết, mấy năm trở lại đây, hệ thống hố ga xử lý nước thải của bệnh viện đã bị hỏng và nước xả thải cứ theo đó tràn xuống ruộng vườn của người dân ở đây.

Qua khảo sát, những giếng nước của các hộ dân cạnh bệnh viện, mức độ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt rất đáng lo ngại, nhiều hộ dân từ lâu đã không dám dùng nước giếng để tắm giặt, ăn uống. “Ngày bình thường còn đỡ nhưng những ngày mưa to, nước tràn lênh láng, kim tiêm và băng gạc y tế tràn vào vườn nhà tui mà trông chết khiếp. Người dân chúng tôi có giếng mà không dám rửa mặt”, ông Hà Văn Chung, sống gần bệnh viện bức xúc.

Ông Hoàng Thành Long, Phó trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường cho biết: “Về vấn đề bệnh viện Đa khoa Yên Thành xả chất thải ra môi trường là có thật. Nhưng hiện trạng làng ung thư, đến thời điểm này, xóm 2 và UBND xã Tăng Thành chưa có phản ánh gì. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng này để có câu trả lời thỏa đáng trong thời gian sớm nhất!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG