Mạc Can và thời kỳ bí ẩn ở Mỹ

Mạc Can và thời kỳ bí ẩn ở Mỹ
TP - Ông xách va li đi luôn sang Mỹ, không chia tay gì anh em bạn hữu. Chuyến đi đầy bí mật của ông khiến cho giới văn nghệ sỹ Sài Gòn đồn ầm lên với đủ thứ tin. Thực hư ra sao?
Mạc Can và thời kỳ bí ẩn ở Mỹ ảnh 1

Tình cờ nghe mấy ông bạn nghệ sỹ ồn ào kháo nhau: “Mạc Can về rồi đấy. Gặp chưa?”, tôi vội gọi cho ông và hẹn gặp nhau ở một quán cà phê quen thuộc như ngày xưa. Hơn 2 năm xa Sài Gòn, hình như Mạc Can vẫn chưa có gì thay đổi nhiều. Vẫn gương mặt khắc khổ, vẫn cái giọng nói người miền Tây ẩn chứa hài hước cùng ly trà đá quen thuộc.

“Thì tui vẫn là tui mà. Già rồi có đi tới đâu thì cũng khó mà thay đổi lắm”- Ông nói và cười hề hề. Cũng bất ngờ như khi về, hơn 2 năm trước đột ngột người ta không thấy ông già nhỏ bé, có cái dáng khắc khổ thường ngồi lặng lẽ trong mấy quán cà phê ở Hội Nghệ sỹ, ở trước cổng nhà xuất bản Trẻ. Hỏi ra thì mới biết ông đã sang Mỹ, không chia tay gì anh em bạn hữu, lẳng lặng mấy tháng trời làm thủ tục và… xách va li đi luôn.

2 năm qua Mỹ ông đã ra được 3 đầu sách trong đó có 2 tiểu thuyết, một cuốn tùy bút. Ngoài ra những truyện ngắn ông vẫn xuất hiện đều đặn. 

Giờ ngồi với tôi, ông không thanh minh hay đính chính gì những tin đồn ấy mà chỉ kể về cơ duyên chuyến đi Mỹ của ông. Câu chuyện bắt đầu từ khi một đài truyền hình Nhật Bản sang thực hiện một chương trình ở Việt Nam. Họ muốn tìm một nghệ sỹ ảo thuật lại có chút hài hước để tham gia chương trình của họ và Mạc Can đã được giới thiệu.

Sau vài lần diễn thử (Không phải đóng phim mà Mạc Can phải ra ngay giữa chợ Bến Thành, lôi đạo cụ ra diễn ảo thuật cho bà con đi chợ xem tự nhiên để họ quay một cách bí mật), phía Nhật đã đồng ý ký hợp đồng biểu diễn ngắn hạn với Mạc Can tại Nhật.

Chuyến đi Nhật chỉ kéo dài chừng hơn 1 tuần nhưng những gì được chứng kiến tại nước ngoài đã khiến ông nảy sinh ý nghĩ: “Sao mình không thử đi xa một chuyến nữa xem sao?” Sẵn có giấy bảo lãnh của một người bà con bên Mỹ, ông làm luôn thủ tục định cư.

“Ngay khi vừa bước chân lên máy bay đi Mỹ, tôi đã có dự tính sẽ trở lại Việt Nam bởi mảnh đất này đã sinh ra tôi, cưu mang tôi đến tận ngày hôm nay thì sao tôi lại bỏ đi được. Nhưng tôi vẫn phải đi, đi để nạp thêm nguồn tư liệu cho những trang viết của mình” - Ông bảo thế.

Bước vào nước Mỹ chỉ với một va li hành lý nhỏ gọn, khác với mọi người, Mạc Can không bị choáng ngợp bởi sự đồ sộ, bởi những con đường dọc ngang chằng chịt. Ông kể xuống sân bay Dallas, gặp nhân viên hải quan ông cứ ú ớ vì chẳng biết họ nói gì. May mắn là sân bay có sẵn những tình nguyện viên giúp đỡ người nước ngoài và ông đã được một ông bác sỹ gốc Việt thông dịch giùm.

Cũng nhờ có người giúp mà chỉ sau khi đến Mỹ 10 ngày, Mạc Can đã có bằng lái ô tô, tuy nhiên người thầy giáo hướng dẫn ông bảo thẳng là tay lái ông chưa thành thạo lắm, cần phải tự rèn luyện thêm. Chẳng cần phải ông thầy giáo nói Mạc Can cũng hiểu tay lái sau vài ngày luyện tập của mình dẻo đến cỡ nào nên sau đó, dù mua được cái xe ô tô riêng nhưng chưa bao giờ Mạc Can dám lái xe ra xa lộ, ông chỉ chạy lòng vòng mấy khu phố quanh nhà.

Mạc Can và thời kỳ bí ẩn ở Mỹ ảnh 2

Mạc Can kể: “Tôi đi nhiều lắm, Bắc Mỹ Nam Mỹ chỗ nào tôi cũng được ghé cả. Mà chỗ tôi ghé toàn là sòng bài hay các khu giải trí. Nhưng chỉ được ghé qua diễn một chút rồi lại vọt đi luôn. Vì ông bầu muốn tiết kiệm kinh phí nên chẳng có nơi nào tôi lưu lại được lâu để tìm hiểu. Có khi cả mấy ngày hết ngồi xe hơi lại máy bay, nhìn nước Mỹ qua cửa kính xe nên mang tiếng đi khắp nước Mỹ nhưng ai hỏi đã đến cảnh đẹp nọ cảnh đẹp kia chưa thì tôi cũng chỉ biết lắc đầu. Mình đi diễn chớ có được chơi đâu!”.

May mắn cho Mạc Can là rất nhiều đồng bào Việt kiều tại Mỹ chỉ nhìn thấy mặt ông là đã nhớ tới những nhân vật trong phim mà ông đã đóng, nhớ tới những tiết mục hài của ông khi còn ở quê nhà nên các show diễn có ông đều khá thành công về mặt doanh thu.

Thậm chí các bầu show chuyên nghiệp ở các trung tâm biểu diễn lớn cũng mời ông tham gia nhưng biết mình chỉ phù hợp với những sân khấu nhỏ nên ông chỉ nhận lời ở những điểm diễn nho nhỏ hay là các tiệc mừng tân gia, sinh nhật…

Với số tiền đi lưu diễn này, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để ông thuê một căn phòng nho nhỏ tại một khu ngoại ô cách thành phố Dallas chừng hai chục phút chạy xe. Như thế là cũng tạm đủ cho cuộc sống của một người có lối sống khá đơn giản như ông.

Nhưng ở Mỹ các show diễn thường chỉ diễn ra vào những ngày cuối tuần nên những ngày còn lại Mạc Can không biết làm gì. Suốt ngày ngồi không cũng buồn nên ông theo mấy người quen đi làm nghề tay chân. Lúc thì phụ làm bánh mỳ, lúc thì dọn dẹp ở tiệm làm móng, lúc thì bưng bê ở quán phở… Không có chuyên môn cao và cũng không có sức khỏe nên Mạc Can chỉ được chủ trả chừng vài đô/giờ.

“Nhưng tôi không quá quan trọng về tiền lương dù tôi không có tiền. Tôi đi làm chủ yếu là để trải nghiệm, để thấy cuộc sống của những người lao động nghèo bên Mỹ. Họ cực khổ lắm”- Ông ngậm ngùi. Hòa mình trong cuộc sống người nghèo để làm việc cật lực, để nghe chủ quát mắng, để ngửa tay nhận từng đồng bạc do chủ đưa ông mới thấy thấu hiểu hơn về cuộc đời những người lao động chân tay.

Cũng những người Việt đó, khi về Việt Nam thì ai cũng thấy họ giàu có, tiêu xài hoang phí nhưng khi qua Mỹ thì họ trở lại con người thực của mình, cũng đi làm cực khổ để kiếm từng đồng. Mà áp lực thì đủ thứ: Tiền nhà, tiền học, tiền bảo hiểm, tiền thuế… “Có qua đây mới thấy thông cảm với những người tha hương ít học” - Ông bảo.

Sang Mỹ chưa được bao lâu thì Mạc Can đã có việc làm. Những người Việt chuyên tổ chức các chương trình biểu diễn gặp ông đã nhớ ngay tới một tài năng sân khấu kỳ cựu suốt mấy chục năm qua và mời ông tham gia các chương trình biểu diễn. Vì thế, dù không có nhiều tiền trong túi nhưng Mạc Can đã được đi chu du rất nhiều tiểu bang của Mỹ. 

“Nếu không được viết thì chắc tôi không sống được quá. Đến xứ lạnh, tôi bị đủ thứ bệnh của người già như đau khớp, sưng phổi… Nhưng cái làm cho con người ta cảm thấy bức xúc nhất là sự cô đơn. Chỗ tôi ở không có người Việt, tối về muốn nghe tiếng Việt chỉ biết bốc điện thoại gọi cho người quen. Nhưng đâu phải ai cũng rảnh để trò chuyện với mình đâu! Thỉnh thoảng thèm quá, tôi gọi thẳng về Việt Nam gặp người nhà nhưng cũng chỉ dám gọi vài phút vì mình không có tiền để gọi nhiều. Chỉ được nghe tiếng Việt líu lo là vui rồi”.

Cô đơn, ông dồn sự bức xúc ra những trang viết trên chiếc máy tính cọc cạch. Có nhiều hôm mất ngủ, ông viết cả đêm, viết và viết. Từ những chuyện thân phận những người Việt nghèo ông gặp hay là sự nhớ nhung của các người Việt già thèm khát được đặt chân lại Việt Nam. Rồi những ký ức quê nhà lại trào lên, bóp đến nghẹt tim nên ông viết về những chợ Nancy ở Sài Gòn, những con phố nhỏ Tiền Giang hay một khu chợ nổi ồn ào bờ sông Hậu…

“Những giấc ngủ của tôi cứ lơ mơ, chập chờn. Có lúc tôi mơ thấy mình đang chạy chiếc xe máy cọc cạch, luồn lách giữa đám đông ở Sài Gòn. Bỗng nhiên giật mình tỉnh giấc, tôi ngơ ngác nhìn xung quanh vắng lặng và tự hỏi sao mình chạỵ xe thế nào mà lại lạc vào tới chỗ nào thế này? Rồi nhớ dần ra, tôi bỗng ứa nước mắt, quặn ruột đi vì thèm không khí Việt Nam quá”.

Chỉ có những trang viết làm bạn, 2 năm qua Mỹ ông đã ra được 3 đầu sách trong đó có 2 tiểu thuyết, một cuốn tùy bút. Ngoài ra những truyện ngắn ông vẫn xuất hiện đều đặn. Ông thừa nhận với tôi cái tình người trong nước lớn lắm, dù ông đã ra đi không biết ngày về nhưng sách ông vẫn được in, vẫn được mọi người đón đọc. Bởi thế ông phải về, về để sống với tình thương.

Và rồi một ngày đầu tháng 3, ông đã thu xếp hành lý để lên máy bay. Gọi là thu xếp cho oai chứ thực ra cũng chỉ là vài bộ quần áo như ngày ra đi. Hai năm ở Mỹ, ngoài hành trang được tích cóp trong những trang viết, ông cũng chẳng có gì hơn.

Và có chăng là gầy hơn, đen hơn, gương mặt khắc khổ càng thêm khắc khổ vì những ngày tháng đầy suy tư. “Tôi nói thiệt chú không tin chớ lúc xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đã khóc vì sung sướng. Nhất là gặp ai cũng nhận ra tôi, nhiều người hỏi thăm. Đây là nhà tôi mà, tôi không phải đi đâu hết”.

Về với quê hương, những căn bệnh tuổi già trong ông bỗng biến mất. ngày trước ngày sau, ông đã lấy xe máy của thằng cháu nội, chạy ào ào ngoài đường để cảm nhận không khí ồn ào quen thuộc của đường phố, để đến quán cà phê bụi bặm đã hằn lên trong ký ức.

Ngồi với tôi một chút mà rất nhiều người tới bắt tay hỏi thăm, vài ông đạo diễn đã có ngay lời gợi ý ông vào vai nào đó? Mấy ông nhà xuất bản đã hỏi Mạc Can có bản thảo nào mới chưa? Có cậu sinh viên thì tò mò hỏi ông qua Mỹ có học thêm tiết mục ảo thuật nào không? Ông nhìn tôi: “Chú thấy không? Ai cũng quan tâm đến tôi. Cái tình cảm quý giá này thì biết bao nhiêu tiền mới mua cho được?”. Ông bảo ông sẽ tiếp tục viết sách, đóng phim và diễn ảo thuật. Sẽ làm tất cả để thỏa mãn, để bù đắp cho những ngày xa quê hương.

“Nhưng nếu lần sau có cơ hội đi đến một xứ sở xa lạ nào khác thì chú có đi không?” - Tôi hỏi. Ông suy nghĩ khá lâu rồi trả lời: “Có thể tôi cũng sẽ đi tiếp, nhưng đi để có thêm tư liệu cho phong phú trang viết của mình rồi tôi sẽ lại trở về. Ai có thể níu kéo ông già này mạnh bằng quê hương được chớ!”. Ông cười hóm hỉnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hàng rào sắt dải phân cách đường Giải Phóng bất ngờ bị 'nhổ trụi'
Hàng rào sắt dải phân cách đường Giải Phóng bất ngờ bị 'nhổ trụi'
TPO - Không hiểu vì sao hàng rào sắt ở dải phân cách giữa đường Giải Phóng (Hà Nội) bất ngờ bị tháo gỡ, thậm chí có đoạn bị 'nhổ trụi tận gốc'. Hệ thống hàng rào sắt này được sơn sửa thường xuyên và còn mới nhưng bị nhổ đi không một biển thông báo, không chỉ người dân thấy khó hiểu mà thậm chí lực lượng chức năng như Thanh tra giao thông, CSGT cũng không nắm được 'số phận' của dãy hàng rào này ra sao.