TS Nguyễn Xuân Diện ở Thái Miếu nhà Trịnh. Ảnh: KL. |
Tinh mơ một sáng thu đang nằm nướng trong chăn thì tiếng con cún bất thần ủng oẳng. Hoá ra có khách, một ông trong họ tận Thanh Oai. Ông khách trong họ oang oang rằng cái Thái Miếu nhà Trịnh trong Thanh Oai để đổ nát hằng bao năm, người ta nay dọa phá mai dọa dỡ, bác biết mà cứ lờ tăng tít đi cấm có cho một dòng lên mặt báo, nhưng tối qua ông TS Nguyễn Xuân Diện cho hẳn cả một đoạn dài trên mạng coi mỏi cả mắt. Bác phải đưa em đến gặp cái ông TS ấy để em cung cấp thêm cho thiên hạ tỏ ngọn ngành...
Tôi tìm kế hoãn binh phần vì bận phần không dám chắc gặp được ông TS này nhưng cứ đưa số điện thoại cho ông trong họ.
Đa sự
... Cái bữa nằm chung phòng với TS Nguyễn Xuân Diện ở thành Nam đợi để được chứng kiến hình thù của quả ấn quý thời Trần vừa được phát lộ, tôi mới biết luận án TS của Nguyễn Xuân Diện không phải thuần chất là Hán Nôm (như từng nghe phong thanh trước đó) mà là ca trù! Nguyên văn là Nguồn tư liệu Hán Nôm với việc nghiên cứu ca trù. Được biết thêm, công trình đó của Nguyễn Xuân Diện đã được quỹ văn hoá của cụ Hữu Ngọc cho ấn hành nhiều bản.
Ca trù, loại hình nghệ thuật đặc biệt được nghiên cứu thấu đáo theo hướng một ngành nghệ thuật hàn lâm có lẽ chỉ bởi tay Nguyễn Xuân Diện? Tất nhiên trước đó những công trình của Nguyễn Xuân Diện về ca trù như Đặc khảo ca trù Việt Nam. Lịch sử nghệ thuật ca trù không dừng lại ở mức độ vỡ vạc khai sơn phá thạch...
Nguyễn Xuân Diện đã có hàng trăm buổi nói chuyện thuyết trình không những tại Hà Nội mà khắp trong Nam ngoài Bắc, có nhiều buổi cho nhiều chuyên gia nước ngoài. Anh nói rất lọt tai về lịch sử ca trù, cách thưởng thức ca trù và vẻ đẹp của ca trù. Có lẽ Nguyễn Xuân Diện là một trong những người đã góp không ít công sức của mình vào chung cục ca trù Việt được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại!
Nhà nghiên cứu độc lập. Một người làm báo tự do. Nhiều người đã nhắc về Nguyễn Xuân Diện như thế... Tôi không dám chắc nhưng trách nhiệm công dân cùng sức viết, sức đi của Nguyễn Xuân Diện với tư cách nhà báo thì tôi nể lắm! Dạo một bộ phim về Lý Công Uẩn đã được thực hiện xong nhưng không biết vì lý do nào đó chưa đưa ra được với công chúng, không xa xôi úp mở Nguyễn Xuân Diện đã trực tiếp gặp gỡ phỏng vấn những người có trách nhiệm làm ra bộ phim.
Cả ngàn độc giả đã thường xuyên cập nhật Website của Nguyễn Xuân Diện hồi hộp say mê theo dõi việc Nguyễn Xuân Diện tận bờ sát góc với những người cùng cơ quan có trách nhiệm trong việc thực hiện bộ phim này. Đặc biệt là bài phỏng vấn họa sĩ Phan Cẩm Thượng, cố vấn đắc lực bộ phim về đạo cụ về văn hóa gì gì đấy...
Rồi bài phỏng vấn họa sĩ Trịnh Quang Vũ, người chuyên nghiên cứu và có nhiều kiến thức uyên bác về y phục Việt các thời kỳ các giai đoạn lịch sử. Tôi thầm nghĩ, nội hai bài phỏng vấn với rất nhiều comment (nhận xét) đã làm cái việc giải mã, giải đáp một bộ phim, một công trình văn hoá đang có nhiều sự bàn cãi. Mà sự bàn cãi ấy lại đang cần ngay bàn tay quyết đoán chính danh. Nhưng không hiểu sao sự chính danh ấy tự dưng vắng khuyết thì phụ danh như TS Nguyễn Xuân Diện đành làm cái việc trám chỗ thôi?
Đưa số điện thoại của TS Nguyễn Xuân Diện cho vị trong họ, tôi thở dài nghĩ đến vị nọ chắc đã đọc trên Website của Nguyễn Xuân Diện những dòng bỏng rẫy của TS trước sự việc đoạn thành nhà Mạc ở thành Tuyên bị biến dạng. Người ta đã đem 10 tỷ đồng xây mới làm sáng choang đoạn vòm thành ngoạn mục có lịch sử 450 năm cổ kính rêu phong ở thị xã Tuyên Quang, biến nó thành một cái... lò gạch với chất liệu hiện đại!
Tôi thầm tiếc với một sự kiện động trời về văn hoá như thế nhưng thưa vắng những người lên tiếng. Đã nhỡn tiền có không ít công trình lịch sử mang trên mình hàng trăm năm tuổi do phong trào ăn theo Lễ Hội ngàn năm đã thoáng chốc có niên đại một... vài ngày tuổi bởi cung cách xây mới cùng những sơn phết vô tội vạ?
Trở lại thái độ quyết liệt và đau đớn của TS Nguyễn Xuân Diện trên Website của mình, hàng trăm comment đã phẫn nộ chua xót đau đớn theo, trong đó có một ông cũng là TS sau khi đọc cũng đã quyết liệt hơn đòi phải đập ngay đoạn thành lò gạch ấy cho dù tổn phí thế nào! Đó là TSKH Nguyễn Hải Kế, người mà nhiều độc giả đã quen mặt trong chương trìch Theo dòng lịch sử trên tivi!
Đa mang
Thường nhật, hàng trăm hàng ngàn giăng giăng những Website những Blog như dạng Nguyễn Xuân Diện ai nhớ ai đếm ai tính? Nhưng tri kỷ một người, đồng cảm vài người đã là quý là hiếm huống hồ hàng chục những comment với mỗi bài của Nguyễn Xuân Diện như thế? Tôi chợt nhận ra một học giả Nguyễn Xuân Diện đang song hành, đang đồng thời các việc về lịch sử ca trù, cách thưởng thức ca trù và vẻ đẹp của ca trù nhưng cũng rất biết cách lọt tai người khác khi sử dụng công cụ báo chí.
Người ta chả dễ quên những thửa ruộng đất cấu tượng chuyên trồng lúa trồng màu ở 4 cửa ngõ vào nội thành Thăng Long bị đổ cát, bị đào xới với ý định triển khai dự án xây dựng 4 cổng chào nhân Đại lễ. Nguyễn Xuân Diện đã kịp đã sớm đưa hình lẫn lời hiện trạng đó. Rồi lấy đâu ra thời gian để ngày nào cũng sinh hạ bài vở sòn sòn như thế?
Cứ liếc qua mục dư chấn trong ngày và bài vở ngày mai trên Website thấy cái cửa hiệu Nguyễn Xuân Diện này không chỉ trưng ra một mặt hàng, mà tinh những thứ không phải là nhàm tai quen mắt. Cảm cổ phỏng kim đủ cả. Chuyện mang thai Lý Thái Tổ. Nói về sự sái (của một tác giả nào đó?) khi bàn về chẳng thơm cũng thể hoa nhài... Những bức tranh lụa cổ nhất Việt Nam. Những ngôi làng cổ Việt Nam... 31 tấm bia ở xứ Đoài liên quan đến ca trù. Day dứt số phận đoàn chèo Hà Tây...vv... Thực là cái vị TS này coi bộ đứng không yên ổn ngồi không vững vàng với chức phận phó thủ thư mà bận rộn, mà đa đoan lắm lắm!
Lâm khang Nguyễn Xuân Diện. Có bận tò mò hỏi cái hiệu ấy thì được biết trong bản đồ thành Thăng Long niên hiệu Hồng Đức, vị trí cái Cống Trắng Khâm Thiên nơi trú ngụ của thi sĩ Trần Huyền Trân tác giả tập Rau tần (mưa bay trắng lá rau tần) người đã từng tặng thơ cho nghệ sĩ Quách Thị Hồ có cái tên là Lâm Khang! Một đời vấn vít với ca trù hay là khiêm nhún mình nguyện làm một thứ chuyển tải cho đời sống tầm thường này nên Nguyễn Xuân Diện lấy cái hiệu ấy