>> Kỳ 2: Giải cứu 'trâu sắt' gây xung đột
Cái mõm ống khói rũ nghiêng không được quay ra khu dân cư mà phải ngoặt vào không gian nhà máy.. |
Chưa đầy hai năm đầu tiên, theo ông Lê Ngọc Sang, Phó Chủ tịch thường trực huyện Kim Thành, nhà đầu tư trong nước đã chi 700 tỷ đồng trong tổng số 900 tỷ đồng cam kết cho nhà máy. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Nhà máy Phôi thép vuông Thái Hưng, đưa ra con số 162 lao động xã Kim Lương được tuyển ngay vào nhà máy trong tổng số 420 lao động. Vậy nhưng ngày nhà máy đi vào chạy thử cũng là lúc dân xã Kim Lương vẫn phản kháng quyết liệt. Lần sau, phản kháng kinh hơn lần trước.
Rò khí độc chlorine - Đâu là sự thật
Đỉnh điểm là vụ rò rỉ khí độc chlorine khi, chiều 4-3-2010, công nhân Nhà máy Thái Hưng cưa bình chứa khí này, lấy từ đống sắt thép phế liệu nhập trong khuôn viên nhà máy. Khí độc chlorine có trọng lượng riêng nặng hơn không khí. Sau khi thoát ra khỏi bình, nó thường bay là là mặt đất, thay vì bốc lên không trung.
Các lãnh đạo Nhà máy thép Thái Hưng và chính quyền địa phương mà chúng tôi gặp đều khẳng định lượng chlorine thoát ra ngoài không nhiều và không thể gây ngộ độc trên quy mô lớn được. “Bằng chứng là hai công nhân trực tiếp cưa bình sức khỏe vẫn bình thường”, ông Nguyễn Duy Luân, Phó Giám đốc Nhà máy Thái Hưng, quả quyết. Ông Nguyễn Quốc Phong, trưởng ban an toàn lao động nhà máy, cũng cho rằng “20 công nhân khác làm việc cạnh đó không sao”.
Tuy nhiên, khí độc chlorine được bảo “thoát ra với lượng không nhiều” không hiểu bằng cách nào lại leo qua được bức tường cao 2,5 m của nhà máy rồi quét một vệt dài xuyên hai xóm 2 và 3 của thôn Cổ Phục, theo hướng đông nam-tây bắc, kể từ vị trí nhà máy Thái Hưng.
Hỏi cớ sao miệng ống khói lại lạ đời như vậy, Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn, 32 tuổi, ngậm ngùi: “Chỉ để giảm tiếng ồn từ ống khói”.. |
Theo biên bản kiểm tra của đoàn liên ngành huyện Kim Thành, một ngày sau khi xảy ra sự cố, các thành viên trong đoàn thấy rau màu ở khu ngã ba và ba sào lúa trong khu dân cư gần đó táp lá, một số cây lưu niên cũng héo lá non, cháy sém theo vệt; trên năm hecta lúa lá héo, chuyển màu vàng, trắng, lá rau thậm chí nom như bị cháy.
Y sỹ Đỗ Duy Thái, trưởng trạm y tế xã Kim Lương từ năm 2001, nhận xét chưa từng thấy bà con đến trạm y tế đòi khám nhiều như hôm 6-3, hai ngày sau khi xảy ra sợ cố rò chlorine. Hôm ấy thứ bảy, không huy động được y bác sỹ từ huyện về. Ông Thái chỉ đạo bà con khai báo đầy đủ và “tôi cũng xuống tận thôn để kiểm tra trực tiếp”. Đông quá nên một mình y tá Oanh không khám được hết. Tức là “có khám nhưng chỉ khám được một ít thôi”, ông Thái nói.
Trực tiếp xem sổ sách của trạm y tế xã, chúng tôi thấy tổng cộng có 74 người khai báo, trong đó 16 trường hợp được nhân viên y tế xác nhận bị viêm họng, dị ứng, tăng huyết áp.
Thông tin chúng tôi thu thập từ cơ sở là thế. Vậy mà, công văn ngày 12-3-2010 (tức tám ngày sau khi xảy ra sự cố) của UBND huyện Kim Thành gửi lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin&Truyền thông, và Tổng Biên tập báo Tiền Phong lại trình bày sự việc theo hướng khác. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương sau đó bốn hôm, ngày 16-3, chúng tôi cũng nhận được quan điểm như vậy của chính quyền tỉnh Hải Dương.
Theo đó, “từ ngày 6-3-2010 đến ngày 12-3-2010, số đông quần chúng nhân dân đến yêu cầu nhân viên y tế ghi tên và tự kể bệnh vào sổ chứ không yêu cầu khám, thậm chí, có người còn nhờ khai tên hộ. Chỉ sau khi báo Tiền Phong đăng bài báo... thì ngày 12-3-2010 mới có 50 trường hợp đến yêu cầu khám. Nhân viên y tế trạm xá xã Kim Lương đã tiến hành khám lâm sàng thì chưa có trường hợp nào có dấu hiệu bệnh lý như dân mô tả...”.
Ống khói trong nhà máy. |
Đền bù, nâng cấp cũng chẳng yên
Không hiểu vì lý do gì, trong khi không thừa nhận hậu quả sự cố rò rỉ khí độc chlorine, chính quyền lại chấp nhận để doanh nghiệp đền bù gần 400 triệu đồng cho các hộ và cá nhân tuyên bố bị thiệt hại do khí chlorine.
400 triệu đồng đền bù không giải được nỗi ấm ức của bà con, một bộ phận nhân dân vẫn tiếp tục phản kháng. Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ rò rỉ, “dân đã kéo ra đập phá nhà máy”, ông Phan Ngọc Núi, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành, xác nhận.
Với mong muốn yên thân ở vùng đất lúc đầu tưởng là lành này, để giảm tiếng ồn lan tỏa vào khu dân cư cách tường rào nhà máy có sáu mét, nhà máy cho nâng cao tường bao lên gấp đôi, từ 2,5 m lên 5 m. Ven tường bao, còn dựng dãy nhà kho dày tám mét, làm luôn chức năng cách âm.
Với xưởng luyện thép, công xưởng chính của nhà máy, thay vì phải để trống bốn xung quanh để tạo thông thoáng và đối lưu nhiệt, nay cũng bị bịt gần như kín mít, biến công xưởng thành thùng container khổng lồ. “Không rõ sau này đi vào hoạt động chính thức, hàng trăm công nhân có chịu nổi cái nóng bức tỏa ra từ lò hồ quang hàng nghìn độ C”, một nhà khoa học ở Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam đi cùng chúng tôi băn khoăn.
Còn để giảm bụi, hai buồng lọc bụi thuộc loại hiện đại nhất được lắp đặt, đủ giữ lại lượng bụi tạo ra từ lò luyện hồ quang hiện có, nơi được xem tạo ra nhiều bụi nhất của dây chuyền tinh luyện thép. Chưa yên tâm, nhà máy chơi thêm hai buồng khổng lồ như thế. Tổng tốn phí bốn triệu USD, bốn xylo đỏ chót lừng lững một góc trời như tòa chung cư ba tầng.
“Trong thời gian chạy thử, tỉnh chỉ đạo chỉ chạy từ 6 giờ 00 sáng đến 6 giờ 00 tối. Đúng là nhà máy đã đầu tư vài chục tỷ đồng, đầu tư tường bao, bưng thưng toàn bộ hệ thống che chắn lò nung trong lò luyện thép để thu gom tiếng ồn và bụi. Rồi trồng cây xanh, tăng cường bể lắng lọc”, Phó Chủ tịch huyện Kim Thành, Lê Ngọc Sang xác nhận.
Kỳ lạ nhất có lẽ là cái ống khói nối với bốn nhà lọc bụi kiểu túi ấy. Nó có kiểu gần như độc nhất vô nhị ở Việt Nam nếu không muốn nói là thế giới.
Theo GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, ống khói thường được thiết kế vươn thẳng lên trời cao nhằm tận dụng chênh lệch áp suất theo chiều thẳng đứng để đẩy khói lên trên trời, giảm thiểu gây ô nhiễm cho mặt đất. Với thiết kế như thế, không thể nhìn thấy miệng ống khói nếu đứng từ mặt đất.
Nhưng ống khói ở Thái Hưng thì sao? Người ta có thể làm được cái điều tưởng là không thể ấy. Từ mặt đất, từ Quốc lộ 5, chúng tôi đã nom rõ cái mõm trên cùng của ống khói. Vì sao vậy?
Cái ống khói cao 28m ấy trị giá 450 triệu đồng, thoạt kỳ thủy, thẳng vút lên trời xanh. Sau vụ rò khí chlorine, mõm ống khói dài thêm 11m, rồi được bẻ gập gần như nằm song song với mặt đất. Chưa hết, cái mõm rũ nghiêng ấy không được quay ra khu dân cư mà phải ngoặt vào không gian nhà máy.
Hỏi cớ sao lại chơi khác người vậy, Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn, 32 tuổi, ngậm ngùi: “Chỉ để giảm tiếng ồn từ ống khói”.
Không ai biết đến bao giờ cuộc chiến nhân danh chống ô nhiễm môi trường ở Kim Lương mới đến điểm dừng. Chưa ai ở địa phương mà chúng tôi gặp đặt câu hỏi, đằng sau phản kháng chống ô nhiễm, thực chất câu chuyện là gì, ai phải chịu trách nhiệm gây nên hành động phản kháng vốn được xem chỉ là cái cớ ấy, cách xử lý “sự đã rồi” ấy phải ra sao để làm yên lòng tất cả các bên về lâu dài chứ không phải để cho yên một nhiệm kỳ “bầu bán” năm năm.
“Né tránh cội rễ của vấn đề khiến một bộ phận không nhỏ nhân dân vẫn không thỏa mãn dù chính quyền và doanh nghiệp cố gắng làm hết sức để giảm thiểu ô nhiễm từ nhà máy”, Nguyễn Uyển, nhà báo lão thành công tác ở Hội Nhà báo Việt Nam đi cùng đoàn nhà báo thực địa Hải Dương mới đây bày tỏ.
Đón đọc kỳ cuối: Vì sao Thủ tướng Chính phủ vào cuộc? Bẻ quặt ống khói như thể là thông điệp bằng hình ảnh của Nhà máy Thép Thái Hưng về nỗ lực hết mức của họ tránh gây phiền nhiễu cho các xóm làng bao quanh. Thế mà bất ổn vẫn còn đó, thậm chí có thể không dừng câu chuyện hai chiếc xe tải. Vì sao? |