Phu gạch

Những công việc thường ngày của nữ phu gạch
Những công việc thường ngày của nữ phu gạch
TP - Miền Trung, mảnh đất nghèo khó luôn gánh chịu sự dập vùi và cuồng nộ của trời đất, khiến một bộ phận lớn người dân phải rời quê đi tìm miếng cơm manh áo. Phu đào vàng, phu gạch, phu mỏ đá, dầm mưa dãi nắng với chiếc nón mê trên đầu và quang gánh nặng trĩu trên vai, họ lăn lộn khắp nơi mong kiếm thêm đồng tiền, bát gạo.

Trên nền sẫm màu khói bụi là những phụ nữ lầm lũi với chiếc xe kéo nườm nượp vào ra. Họ có tên gọi: Phu gạch. 

Những công việc thường ngày của nữ phu gạch
Những công việc thường ngày của nữ phu gạch .

Nhọc nhằn và hiểm nguy

Đến khu lò gạch thủ công xóm 4, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), thấy những cột khói bay lên tựa một khu công nghiệp. Chật vật với con đường đất vài trăm mét lồi lõm, mù mịt khói bụi do hàng ngàn lượt xe chở gạch, vật liệu, nguyên liệu đốt lò ra vào liên tục chúng tôi mới đến được khu lò gạch thủ công này. Mùi khí độc phả ra từ lò khét lẹt. Những ngôi nhà, hay nói đúng hơn là lán ở cho phu gạch ở nhuốm màu xám bạc.

"Không có nghề gì khác để kiếm sống mới phải đi làm phu gạch, chịu ô nhiễm, độc hại và chấp nhận tai nạn có thể xảy ra mà không hề có bảo hiểm hay hợp đồng hỗ trợ rủi ro. Chúng tôi chấp nhận tất cả cũng chỉ để kiếm tiền nuôi con" - Chị Trần Thị Lành xã Nghi Vạn (Nghi Lộc) tâm sự 

Dạo một vòng, khi quay ra trên khuôn mặt chúng tôi đã bám đầy một lớp bụi. Vậy mà, những phu gạch ở đây vẫn phải làm việc quanh năm trong điều kiện không khí ô nhiễm như thế.

Tôi dừng xe rẽ vào mấy lò gạch đang hoạt động, lúc này đã gần 11 giờ trưa, cái nắng giờ trở nên rát bỏng. Điều khiến tôi bất ngờ là hầu hết người làm ở đây là phụ nữ. Rất thành thục và nhanh nhẹn, họ làm việc như quên rằng mình là phận chân yếu tay mềm. Từ việc nhào trộn đất, lên khuôn, chuyển gạch phơi, cho vào lò đốt và cuối cùng cho ra gạch thành phẩm. Một chu trình quay vòng như phận đời cực nhọc của họ.

Để nguyên những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt, chị Nguyễn Thị Tình (xóm 4, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) trần tình: “Mùa màng thất bát, chúng tôi xin đi làm phu gạch. Mỗi ngày quần quật gần 10 tiếng, cũng kiếm thêm đồng tiền mua gạo cho con các anh ạ!”. Hạn hán gay gắt, lúa chết rũ, không canh tác được đành bỏ hoang, những người phụ nữ chỉ còn biết bám vào mấy lò gạch để sống.

Mỗi ngày những người phụ nữ – phu gạch bắt đầu công việc từ lúc 5 giờ sáng cho đến 12 giờ trưa, và kết thúc ngày làm việc lúc trời sẩm tối. Họ làm việc trong những chiếc lò nóng bức, ô nhiễm và đầy rẫy những nguy hiểm.

Nhìn lên cái cửa lò đốt được xây bằng đất bùn tôi chợt rùng mình, bởi chỉ cần chạm nhẹ, gạch ở phía trên có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào. Làm việc trong thời gian dài và trong điều kiện như vậy nhưng thu nhập của những phu gạch chỉ được 40.000 đến 50.000 đồng/người/ngày.

Phu gạch phải làm việc trong môi trường nguy hiểm và độc hại
Phu gạch phải làm việc trong môi trường nguy hiểm và độc hại.

Công việc nặng nhọc này chỉ dành cho đàn ông khỏe mạnh, nhưng ở vùng quê chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập này thanh niên trai tráng trong làng rủ nhau lên thành phố hay vào Nam kiếm việc nên nghề phu gạch do phụ nữ đảm nhận.

Chị Trần Thị Khánh xóm 4, xã Nghi Vạn (Nghi Lộc) bày tỏ: “Mấy chủ lò gạch ở đây họ thích thuê phụ nữ vì siêng năng, cần mẫn và không hay kêu ca phàn nàn. Với lại đàn ông họ đi làm phụ hồ, vào nam CCCP (cuốc cỏ cà phê), hay đi làm các công việc khác chứ mấy người chịu làm phu gạch. Như đã thành lệ rồi, giờ chỉ còn mỗi phụ nữ gắn bó với nghề này thôi!”.

Cả khu lò gạch này có 5 lò, mỗi lò có 30 phu làm việc thường xuyên. Trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Phận đời cơ cực

“Nhiều hôm về không nuốt nổi cơm vì mệt, muốn bỏ nghề nhưng nghĩ đến các con lại phải gắng gượng thôi. Cuộc đời mình đã khổ phải để cho chúng nó không phải khổ như mình nữa chứ”, chị Thủy vừa nói vừa thở dài.

Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Nghi Vạn, (Nghi Lộc) năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải đi làm phu gạch. Gia đình có tới 4 người con ăn học, chồng thương binh ốm đau luôn nên không thể làm việc nặng. Một mình chị đảm đương hết mọi việc trong gia đình vừa phải đi làm gạch lấy tiền công nuôi 4 con học đại học.

“Nhà có vài sào ruộng gặp thiên tai, sâu bệnh phá hoại, chẳng đủ ăn, không đi làm gạch lấy gì cho chúng nó ăn học?”, chị tâm sự. Hạnh phúc cho chị cả 4 người con đều ngoan, hai người đã ra trường đi làm và lập gia đình.

Không may mắn như chị Thủy hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Tình đội 4, xã Nghi Vạn,(Nghi Lộc) có phần éo le hơn. Chồng mất sớm vì căn bệnh hiểm nghèo, một mình chị phải nuôi hai con. “Nhà có mấy sào ruộng khoán làm chẳng đủ ăn nên đành phải chấp nhận đi gánh gạch”, chị Tình ngậm ngùi.

Như hiểu sự mất mát và nhọc nhằn của mẹ, hai đứa con của chị biết động viên nhau học tập và giúp đỡ mẹ việc nhà. Nay đứa con đầu của chị đã đi học trung cấp mầm non ở tận miền Nam.

Cũng một mình đứng mũi chịu sào nuôi con như chị Tình nhưng hoàn cảnh của chị Trần Thị Lành, xóm Thọ Sơn, xã Nghi Vạn (Nghi Lộc) lại gặp nhiều bất hạnh. Chồng bạc tình, bạc nghĩa đã bỏ chị và hai đứa con thơ đi biệt xứ.

Trước khi đi chồng chị còn để lại cho chị một món nợ hơn 20 triệu đồng. Với những phu gạch ở đây số tiền này là cả một gia tài nên chị vừa phải nuôi con, vừa chắt bóp từng đồng trả nợ. “Chị em ở đây toàn người có hoàn cảnh khó khăn, nên ai cũng giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn và dễ thông cảm cho nhau”, chị nói với giọng buồn buồn.

Trong đám phu gạch tôi bắt gặp một thiếu niên đang độ tuổi lớn. Năm nay chưa đầy 15 tuổi nhưng Nguyễn Thị Hằng đã gia nhập vào những người làm nghề phu gạch. Ở đây những em có độ tuổi như Hằng không ít, thậm chí có nhiều em còn nhỏ tuổi hơn. “Biết là vất vả nhưng để có tiền đi học nên em tranh thủ ra đây làm để kiếm tiền mua sách và đóng học”, Hằng nói.

Nhìn những người phụ nữ đang cặm cụi làm việc trong lò nung mù mịt bụi tôi lại nhớ đến vụ sập lò gạch làm 6 người chết ở Châu Can, Phú Xuyên, Hà Tây (cũ) vào buổi chiều định mệnh. Hầu hết khi được hỏi đến vụ việc này những phụ nữ ở đây đều không biết.

Nhưng với họ cũng không có ý định bỏ nghề khi nghe đến những cái chết thương tâm đó. Bởi một lẽ “Sống chết có số, với lại bỏ nghề lấy gì mà nuôi con. Đời mình đã khổ thì phải hi sinh cho đời con mình đỡ khổ. Ông trời chắc không bắt thêm những người vất vả đâu”, Chị Lành nói với giọng buồn buồn như nỗi lòng của những nữ phu gạch.

Tôi cũng mong lời của chị nói trở thành sự thật và mong cho cuộc đời họ sẽ có ngày mai tươi sáng, không mịt mù như những đám bụi xỉ than trong lò nung kia.

MỚI - NÓNG