Những đứa trẻ đang hì hục đào đãi bên dòng sông Vàng (xã Tư, Đông Giang, Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Huy. |
Phơi thân trên sông Vàng
Sáng sớm, khi những đứa trẻ còn đang ngái ngủ, em Nguyễn Thị Vi (thôn Điềm, xã Tư, Đông Giang) đã dậy, cùng gia đình mang theo cuốc, xẻng, mâm đãi đi dọc dòng sông Vàng tìm đoạn thích hợp bắt đầu công việc đào đãi. “Tối qua trời đổ mưa giông, cả nhà em cũng mừng, vì mưa lớn, nước chảy mạnh, vàng cám sẽ bị cuốn trôi từ các bãi vàng ra nhiều hơn” - cô bé Vi tỏ ra khá sành sỏi.
Mới 12 tuổi, bắt đầu lên cấp II, nhưng Vi đã có “thâm niên” gần hai năm trong nghề đào đãi vàng. Ban đầu Vi đi theo gia đình để học hỏi nhưng nhiều khi bố mẹ bận lên nương rẫy, Vi một mình theo chúng bạn ngụp lặn giữa dòng sông Vàng. Cái nắng hắt xuống dòng sông cạn kiệt, ánh lên khuôn mặt cháy sạm, mất hẳn nét hồn nhiên của cô bé đang độ tuổi cắp sách đến trường.
Hỏi chuyện con chữ, Vi ú ớ, nhưng nói về nghề, Vi tường tận. “Hên sui là chính nhưng cũng phải có kinh nghiệm anh ạ. Sông mùa này cạn kiệt, vàng cũng ít đi nên phải biết chọn chỗ phù hợp. Ở đây thì có vàng chứ chỗ kia anh có đào đãi cả ngày cũng chẳng được hạt nào. Chỗ nào hơi sâu, nhiều khe đá cát vàng cám sẽ đọng lại nhiều” - Vi vừa nói vừa hướng ánh mắt nhìn ra khu vực sông bên cạnh.
Một ngày cật lực phơi thân giữa dòng nước đục ngầu, Vi áng chừng cả gia đình cũng được 1 - 2 li vàng cám, tính ra hơn 100.000 đồng. “Ở đây thế là ổn rồi, quanh năm chỉ biết có nương rẫy, cái ăn qua ngày. Ngày nào hên thì được 2 - 3 trăm bạc nhưng hiếm lắm. Người này thấy người khác kiếm được, đổ xô ra đào đãi nên dần dần sông bị băm nát mà vàng ít dần đi, mưu sinh càng khó khăn” - chị Nguyễn Thị Lên, mẹ Vi bộc bạch.
Nhóm bạn Bhnướch Thị Nanh (thôn Lầy, xã Tư) cật lực đào đãi vàng cám dưới cái nắng như thiêu đốt . Ảnh: Nguyễn Huy |
Đi dọc dòng sông Vàng đến các đoạn sông Pa-nan trên địa bàn xã Tư không khó để phát hiện hàng chục người đang hì hục đào đãi. Mùa khô kiệt, dòng sông trơ ra lớp đá sỏi gồ ghề, nước sông rút xuống tận lòng, chảy thành các dòng nhỏ đục ngầu. Sông Pa - nan, hàng chục nhóm trẻ chia thành khu vực đang hì hục mót vàng sa khoáng. Nhóm của Bhnướch Thị Nanh (thôn Lầy, xã Tư) có gần chục em nhỏ. Đứa đào, đứa đãi, đứa mò mẫm dưới dòng sông đang hầm hập hơi nóng. Giữa trưa nhưng hầu như không ai muốn nghỉ sớm.
“Bọn em có đùm cơm theo nhưng phải tranh thủ làm gắng chút vì từ sáng đến giờ mới được ít lắm, tính ra mỗi đứa mới được hơn chục nghìn. Nhiều lúc bỏ cả cơm luôn” - giọng Bhnướch Thị Nanh tỏ ra gắng gỏi. Nanh lớn nhất trong nhóm, cũng chỉ đang học lớp 8 trường THCS trên địa bàn. Con gái, nhưng Nanh khá khỏe, múc từng lớp đất đá nặng trịch như muốn oằn cả chiếc xẻng nhỏ đổ vào máng lọc.
Bên cạnh, cậu bạn Nâu nhanh nhẹn nhặt từng viên đá sắc cạnh nằm chỏng chơ trên boong (mâm đãi) cát vứt ra ngoài, rồi bê cái boong nặng trĩu chao qua chao lại trên mặt nước. Lớp đất cát vừa trôi, Niu dán mắt vào chiếc mâm cố tìm những hạt cám vàng ít ỏi nhưng nhiều khi vô vọng.
“Trước đây em hay đi với gia đình nhưng dạo này mẹ em bị nước ăn chân đến bợt bạt không đi được nên giờ ở nhà. Bố giờ cũng đau ốm không làm được gì. Em theo chúng bạn làm thêm cố gắng phụ giúp gia đình. Ở đây hầu hết bọn trẻ con chúng em đều ở đây cả” - Niu bộc bạch, dường như em chưa hiểu hết những khó khăn, bệnh tật đang chờ mình phía trước.
Hai anh em nhỏ xã A Tiêng (Tây Giang) hì hục đào đãi vàng bên dòng suối đục ngầu. |
Con chữ chao theo
Đi dọc dòng sông suối trên địa bàn huyện Đông Giang đến các xã A Tiêng, Blê, A lăng trên địa bàn huyện Tây Giang những “công trường” đào đãi vàng hoạt động khá tấp nập. Bất chấp cái nắng như thiêu đốt, hơn chục đứa trẻ thôn A Gông, xã A Tiêng vẫn ngụp lặn dưới con sông A Vương đục ngầu để mót vàng cám. Lẫn trong dòng người, khuôn mặt Bhnướch Thị Leng ám ảnh chúng tôi. Leng đầu tóc rối bời, khuôn mặt đen xạm ra em đang học lớp 7. Leng cười nhẻm: Suốt ngày ở những dòng sông vàng nên mặt bọn em không vàng thì cũng đen. Con gái đen thì xấu nhưng xấu mà no còn hơn đẹp mà xẹp bụng (đói).
Nhiều đứa trẻ cùng cười tạo dáng cho các đồng nghiệp nháy máy. Sớm vật lộn trong cuộc mưu sinh, sự khắc nghiệt của những ngày lam lũ đã cướp đi sự hồn nhiên, ngây thơ trong sáng.
- Em học lớp mấy?
- Mới học xong lớp 6, giọng Bhnướch Thị Niu cụt ngủn.
- Năm rồi em đạt học sinh tiên tiến không?
- Làm ở đây cả ngày, tối về học được ít đã buồn ngủ lấy thời gian đâu mà ôn bài, em chỉ được học sinh trung bình thôi. Mà lớp em nhiều đứa trung bình lắm. Gần chục đứa ở đây thì có đến 7 - 8 đứa trung bình, còn lại là yếu kém.
- Em học giỏi môn gì?
- Không môn nào giỏi cả, môn toán là yếu nhất!
Niu vừa trả lời, vừa tranh thủ đào đãi trong dòng nước hầm hập hơi nóng. Không giỏi làm toán nhưng tính từ li, phân vàng sa khoáng đãi được đem bán bao nhiêu, lời lãi thế nào thì Niu biết tỏng.
Sau giờ lên lớp, hàng chục bạn nhỏ lại tranh thủ ngụp lặn, đào đãi nơi dòng sông vàng này. Cái chữ không còn là mục tiêu chính, nhiều em bỏ học giữa chừng. “Em được nghỉ hè rồi, không phải học nữa, em sẽ “tăng ca” đào đãi vàng, phụ giúp gia đình” - Hồ Văn Nga (14 tuổi, xã A Tiêng) quyết tâm.
“Xã cấm nhưng gia đình đâu cấm”
Cơn bão vàng ngày càng đổ bộ sâu vào làng quê trên địa bàn các huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam). Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phải - Chủ tịch UBND xã Tư lo lắng: Hai ba năm nay, người ta đổ đến đây đào vàng nhiều lắm. Các chủ vàng người địa phương thì ít mà người từ các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam vào ngày một nhiều. Đáng nói, không ít hộ dân thấy cái lợi trước mắt mà bán cả ruộng đất nhà mình cho các chủ vàng khai thác. Tính đến nay chỉ có Cty khoáng sản Quảng Nam là được cấp phép hoạt động, còn lại toàn là tự phát, “chui” hết.
“Công trường” vàng hoạt động tấp nập tại các thôn Điềm, thôn Lầy, Nà Hoa, Đha Nghi đến các khu rừng Hang chuọt Nà mun (cách UBND xã Tư gần chục cây số. Mới đây, ông Nguyễn Văn Nhược (thôn Lấy) quyết định bán đứt số đất gần chục triệu đồng cho một đơn vị khai thác vàng vào hoạt động.
"Nắng mưa gì đã đi mót vàng cũng đều cực lắm. Nhưng sợ nhất là lúc nước lũ về, trúng phải các hố đào khoét vàng để lại thì nguy hiểm lắm. Nhiều bạn suýt chết rồi. Bọn em chỉ biết bảo nhau phải cẩn thận hơn, nhưng bỏ cái công việc này thì khó lắm. Cố làm những ngày này để có tiền tích góp cho năm học mới." - Em Bhnướch Thị Leng (xã A Tiêng, Tây Giang) bộc bạch |
“Xã biết chuyện đến lập biên bản thì mọi chuyện đã rồi. Toàn xã chỉ có gần 100 ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng giờ theo cơn bão vàng, nhiều diện tích này bị cày xới, nham nhở không thể canh tác được nữa. Đáng nói, dân vốn bám nương rẫy, nông nghiệp nay bán đất sản xuất, rồi tự làm thuê trên diện tích của mình. Tỷ lệ trẻ em trên các công trường vàng ngày càng nhiều, đặc biệt sau mỗi mùa nước lũ có đến cả trăm em. Chúng tôi đã vận động, tuyên truyền và ngăn cấm bà con nhưng các gia đình đâu có cấm, họ vẫn để con em đi đào đãi vàng, cũng vì cái lợi trước mắt cả” - ông Phải cho biết.
Theo trạm y tế xã Tư, ngày càng có nhiều người dân trên địa bàn bị nước ăn chân, ghẻ lở do ngâm mình dưới các dòng nước đào đãi vàng. Đặc biệt nhiều cơ sở sử dụng hóa chất, thủy ngân lọc vàng nên nguồn nước ngày càng ô nhiễm không thể sử dụng; tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng.
Ông Phải cũng cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của xã phối hợp với liên ngành của huyện tổ chức ba đợt truy quét, thu 30 mát hút đất cát của các cơ sở đãi vàng để ngăn cấm, nhưng cứ được một thời gian, các cơ sở này lại tái phát. Kéo theo lượng người mót vàng cám ngày càng gia tăng. Số trẻ em lao động đáng kể, nguy cơ về bệnh tật, học vấn, lạm dụng trẻ em đang báo động. Lo nhất là tình trạng mất an ninh trật tự, mới đây ngành chức năng phát hiện một đối tượng vào buôn bán ma túy ở các bãi vàng, sợ tệ nạn này sẽ lây lan sang giới trẻ.
Theo Phòng GD&ĐT huyện Tây Giang: Tuy chưa có khảo sát cụ thể nhưng hiện tượng các em học sinh bỏ học đi mót vàng đang gia tăng.
Còn nữa