Bài 1: Chỉ số buồn trên đường đi
Thạch đứng giữa cánh đồng khô cháy ở Ninh Thuận, sau lưng là những cánh rừng đã bị triệt hạ chỉ còn núi đá |
Trên đường Nam tiến, Thạch chụp ảnh rất nhiều, nhưng có một thứ mà gã ăn mày sách không muốn đưa vào ống kính, túi nylon đã qua sử dụng.
Từ Ninh Bình, Thanh Hóa đến Đồng Nai, qua các thị trấn thị tứ và nhiều cây cầu, Thạch luôn thấy túi nylon với những mảng màu đa sắc. Túi nylon nổi bồng bềnh trên sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Thu Bồn... Túi nylon phủ sắc trắng xanh lên các cánh đồng, các con đường mòn thôn quê. Nylon có lúc bay vào mặt Thạch khi phóng trên quốc lộ.
Thạch chợt nhớ tới ông già Bài nhặt túi nylon mà tôi đã viết trong bài phóng sự “Xóm bồng bềnh và những mảnh đời mắc cạn” trên báo Tiền Phong. Sau khi đọc phóng sự, Thạch cùng tôi xuống xóm chài Long Biên để thăm ông già Bài.
Chiều cận kề Tết Canh Dần, gã ăn mày sách đã chứng kiến bàn tay nhăn nheo run rẩy của ông Bài phải gom từng túi nylon để rửa trên dòng nước đặc mùi xú uế của đoạn sông Hồng đang mùa cạn kiệt. Có túi nylon bị gió cuốn, ông già lẩy bẩy đuổi theo.
Trên đường xuyên Việt, Thạch cứ nghĩ, giá như ông già Bài có mặt dọc quốc lộ, biết đâu ông sẽ giàu. Những túi nylon được ông thu gom sẽ được đưa về tái chế. Những cánh đồng và những dòng sông sẽ không phải oằn mình chứa thứ mà 500 - 1000 năm mới có thể tiêu hủy.
Thạch vượt qua nhiều ổ gà và mảnh chai, đá sỏi của nhiều cung đường Bắc - Nam xuống cấp. Nhiều tai nạn giao thông, nhiều cái chết lãng xẹt bởi sự xuống cấp ấy.
Rừng đang cháy, rừng đang khát và có những dòng sông sắp qua đời, vì sao? |
Thạch tâm sự với tôi: “Vô vàn mảnh chai, ổ gà dọc đường đã đánh thức ký ức tôi về lão Ban cuốc trong lời kể của người quê tôi. Lão Ban không được đi học và phải đi ở cho một nhà địa chủ có học, mù chữ nhưng lão thuộc nhiều câu Kiều.
Người ta nhớ đến lão và cây cuốc mà lão thường vác trên vai. Đến bất cứ con đường nào mà thấy ổ gà là lão lại đào vài cục đất khỏa bằng nó. Giá như có những lão Ban như thế ở dọc quốc lộ và các tỉnh lộ thì túi nilon hay những mảnh chai vỡ sẽ được nằm vào đúng nơi của nó. Lão Ban đã cho tôi niềm tin”.
Trước khi bước vào giảng đường đại học, Nguyễn Quang Thạch phải đi phụ xe cho một xe khách chạy tuyến Bắc - Nam những năm 1993 - 1994.
Ngày ấy, Thạch đã đi qua nhiều dòng sông miền Trung trong vắt, ăm ắp nước. Sông Lam, Nhật Lệ, sông Gianh, Bến Hải…Thạch đã đi qua nhiều cánh rừng xanh tốt bạt ngày.
Sau 17 năm, giờ trở lại những cung đường ấy, nhưng sông và rừng đã khác. Nhiều nơi “rừng đang cháy, rừng đang khát” và có một vài dòng sông sắp qua đời.
Một số dòng sông đã cạn, nước không còn trong xanh, và đang bị con người bức tử. Nhiều nơi, rừng chỉ còn trơ núi đá khô khốc. Thạch nghĩ sự cạn kiệt của những dòng sông cũng bởi rừng xanh bị thảm sát.
Đi qua tỉnh Phú Yên, Thạch vẫn nhìn thấy những ngấn nước trên nóc nhà dân và sau trận lũ lịch sử mới đây nghĩa trang có thêm nhiều nấm mồ chưa xanh cỏ.
Trên đường xuyên Việt, Thạch gặp những thanh niên muốn lập tủ sách cho dòng họ |
Văn hóa giao thông và các xạ thủ diệt đọc
Xuyên Việt bằng xe máy vào dịp Tết Canh Dần, Thạch chứng kiến tiếng rú ga bất ngờ của những “cái đầu đa sắc” đánh võng. Ba gã choai choai mặt đỏ tưng bừng phóng trên quốc lộ với tốc độ đi tìm cái chết.
“Dọc đường, tôi chứng kiến nhiều quan tài được đưa khẩn cấp đến bên đường nơi có người chết vì tai nạn giao thông. Tôi cũng thấy rất nhiều người không đội mũ bảo hiểm, nhiều người uống bia rượu chở 3, chở 4 khi tham gia giao thông. Những cột đèn xanh đỏ không được chú ý trong ngày Tết”.
Bắc - Trung - Nam, mỗi vùng đất mà gã ăn mày sách đi qua đều được nghe nhiều chất giọng, nhiều khi chỉ đơn giản một câu chỉ đường của người dưng cũng đủ cho đường xa bớt hun hút, cô quạnh. Giọng Bắc nghe nhẹ như bấc. Giọng Nghệ thô mộc chân chất. Giọng Huế mượt mà sâu lắng, giọng Quảng bộc trực...
Thạch kể: “Đến Huế, văn hóa dịch vụ và chỉ đường đã có khác biệt. Ở mấy quán ăn, mấy cô gái phục vụ ăn nói nhẹ nhàng: “Anh ơi, anh dùng chi rứa?”. Rồi các em quan tâm đến chuyến xuyên Việt của chúng tôi. Hỏi quê mới biết em quê ở huyện Quảng Điền.
Quê em có nhà thơ nổi tiếng em có biết không? “Ai rứa mà em không biết hè?”, em hỏi. Anh thử đọc cho em vài câu xem có nhận ra không nhé: “Có anh bộ đội sắm đồng hồ/Thật giả không rành bụng cứ lo/Bèn hỏi cô hàng cô tủm tỉm/ Giả là như thật khó chi mô!”. “Em chịu anh ạ” cô gái trả lời.
Tôi đọc tiếp “Tôi đã là con của vạn nhà/Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ. Không áo cơm cù bất cù bơ”... “Anh ơi, em biết bài ni. Của ông Tố Hữu phải không anh?”.
Càng Nam tiến, văn hóa dịch vụ và chỉ đường càng làm Thạch vui. Quán nào cũng lịch sự mời chào và chỉ đường thì cặn kẽ. Ở Phan Thiết, có chị còn dẫn Thạch đến nhà người quen cách nhà chị 3 km, một hành động mà Thạch đã gặp ở Nhật Bản.
Khi vào thăm một cửa hàng bán cá ngựa ở Sa Huỳnh, Thạch hỏi vui: “Cá ngựa của em tốt đến mức nào?” Cô chủ quán cười: “Có lần chồng em vô tình làm rơi một con cá ngựa vào nồi rau luộc mà rau dựng cả lên”. Sự hài hước của cô chủ quan khiến Thạch mua luôn cả cặp cá ngựa.
Thạch luôn đau đáu với sách và đi đến đâu cũng cố tìm hiểu xem thanh thiếu niên có quan tâm đến văn hóa đọc hay không. Trên hành trình Bắc Nam ấy, qua nhiều thành phố, thị trấn, làng mạc, Thạch nhận thấy những mầm đọc đang bị diệt dần bởi game trên internet.
Ghé thăm một tiệm internet tại thôn 3 xã Vĩnh Thành, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên - Huế, tất cả các máy tính đang có trẻ em chơi game. Một chủ quán internet trên đường Thủ Khoa Huân - thành phố Phan Thiết cho biết cứ 50 mét lại có một quán net.
Ở đường Tuyên Quang, cứ mỗi gia đình là mỗi tiệm internet. Hầu hết khách hàng của các quán là học sinh từ tiểu học đến THPT và thanh niên đã nghỉ học. Sự đọc của thanh thiếu niên vốn đã ít ỏi nay lại bị game online lấn át.
Thạch đã đến thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc chuyến xuyên Việt dài 1.700 km. Nhưng để sách hóa nông thôn, Thạch còn phải đi xa hơn thế, và gã ăn mày sách tin rằng hành trình nhỏ của mình, góp phần lay động và thức tỉnh một văn hóa đọc đang ngủ mê.
Lá cờ xanh thêu những chữ vàng “sách mang cơ hội cho mọi người...” không còn nguyên vẹn vì nắng gió sau chặng đường dài nhưng, với Thạch, cảm hứng cống hiến cho tiến trình sách hóa nông thôn tăng gấp bội.
Kết thúc chặng hành trình xuyên Việt, Thạch gửi e-mail cho tôi: “Rác bừa bãi, vi phạm luật giao thông, bạo lực trong gia đình là hệ quả của môi trường xã hội có quá nhiều thách thức. Giá như từng khối phố, tổ dân cư làm tốt việc gom rác thì bao nylon không bay nhảy trên đồng ruộng; Giá như những nhà cung cấp đường truyền internet biết chặn các đường game độc hại thì không có chuyện người thân tàn hại lẫn nhau; Giá như những người viết phần mềm chú trọng đến các trò chơi giáo dục thì xã hội sẽ bớt các hệ lụy hơn”. |