Kỳ bí Ngọc Linh

Kỳ bí Ngọc Linh
TP- Đỉnh Ngọc Linh 2.598m, cao nhất miền Nam, thuộc địa phận hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, là nơi phát nguồn của sông Thu Bồn, cũng là nơi sinh sôi của sâm Ngọc Linh nổi tiếng. Nơi đây còn lưu giữ những tảng băng tập tục kỳ bí mà ánh sáng văn minh chưa đủ làm tan chảy.

Tôi đến trễ mất một tuần, người ta vừa cúng mở cổng làng xong. Tục này, theo ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch mặt trận Tổ quốc xã, thì đó là hình thức trừ khử xua đuổi cái cũ, đón chào cái mới.  Làng nào cũng có cái cổng. Năm mới, làm cổng mới, hàng rào mới. Nhà riêng cũng vậy. Tôi dự một bữa uống rượu mừng  ngày  trỉa lúa đầu tiên trong năm. Chủ nhà là anh Nguyễn Văn Lượng.  Theo thói quen, tôi đưa tay trái đón chén rượu từ Lượng, thấy anh rụt tay lại ngay, mặt bỗng nghiêm. Lượng  giải thích: Cho, nhận, cầm, lấy gì ở đây, đầu tiên phải đưa tay phải ra, sau đó thì tùy, bởi người Xê Đăng quan niệm tay trái là tay của ma.  Tay trái không được bốc đồ ăn, ma sẽ nhập vào người, truyền sang người khác. Tôi bốc một nắm xôi, định đưa vào miệng, thì Lượng lên tiếng: Anh bỏ một ít xuống sàn nhà đi. Sao lạ vậy? Cứ bỏ. Tôi nghe theo. Lượng nói: Cũng là tập tục đồng bào, nhà ai có người mất rồi thì khi ăn phải dành phần cho họ, bao nhiêu người thì bấy nhiêu phần được bỏ xuống sàn, một chút ít thôi, nhưng phải có. Anh bạn đồng nghiệp  hỏi: Thế chuyện chấm rượu vào trán thì sao? Người ngồi bên cạnh đáp: Chuyện đó của người già, chấm rượu lên trán khách là để chúc vui, tránh được tà ma.

Kỳ bí Ngọc Linh ảnh 1
Cổng làng của người Xê Đăng

Không như nhiều dân tộc khác ở Quảng Nam như Cơ Tu, Giẻ Triêng, Ve…, khi chết được táng trong thân cây gỗ, dựng nhà mồ,  sau đó cải táng, sự đau buồn với người đã khuất của người thân được biểu lộ mãnh liệt bằng các hình thức nghi lễ, người Xê Đăng ở đây coi người sống hơn người chết và họ cực kỳ sợ người chết. Theo già làng Hồ Văn Dê, rừng ma ở cách xa làng, không ai dám đến và không được phép đến. Khi chúng tôi đề nghị xin dẫn đi thì ông lắc đầu  liên tục. Người chết, để qua một đêm, sáng ra là chôn ngay.  Không bỏ vào hòm, họ cõng người chết  trên lưng đến địa điểm chôn. Nguyên tắc là huyệt chỉ đào một lần, nếu  gặp phải đá hoặc vật cứng thì bằng cách nào đó  móc cho được lỗ rộng đủ lọt thây, nhét vào, không được dời  sang điểm  khác. Họ không  đào sâu, lấp kỹ mà chỉ đủ phủ kín thây là được. Có nơi, người ta lấy cây đè lên xác người chết. Của cũng được chôn theo, trong nhà có gì thì người chết có nấy. Nhiều cánh rừng ma, theo các cô giáo  tại đây, bốc mùi ghê gớm bởi bị chó, heo rừng, quạ đào lên. Điều đáng nói là lấp thây xong, mạnh ai nấy chạy, vứt cả cuốc xẻng. Họ sợ con ma chạy theo ám. Hai đến ba ngày sau, nhà người chết mổ heo, mời cả làng.

Kỳ bí Ngọc Linh ảnh 2
Già làng ở Măng Lùng

Người Xê Đăng nơi đây  vốn từ bắc Tây Nguyên tràn xuống. Thời gian đã san bằng nhiều thứ. Tại  nóc Măng Lùng- Ngọc Linh này, cách thôn 1 Trà Linh không xa, bảo lưu tập tục: Vợ hoặc chồng chết, không được ưng người khác. Vợ chồng mà không có con, cũng không được xin con nuôi, không được quan hệ lăng nhăng, nếu “gởi gắm lung tung” hòng kiếm con, làng sẽ phạt nặng bằng heo hoặc trâu. Trai gái yêu nhau được phép ngủ với nhau, nhưng nếu quan hệ tình dục trước khi cưới, chắc chắn già làng sẽ biết, bởi một trong hai người sẽ báo để được cưới, thì  bị phạt nặng bằng con 4 chân là heo. Cưới, không thách cưới, có gì cưới nấy, có khi chỉ là con gà. Con gà ở đây được bà con rất coi trọng. Khi cúng, máu gà được chấm lên trán tất cả các thành viên trong gia đình. Người Xê Đăng xem bói bằng lưỡi gà. Con gà cúng, lưỡi thẳng thì tốt, quẹo chừng nào thì xấu chừng nấy. Vòng bạc, đồng của người già cũng là vật để xem bói. Chồng cô giáo Hàn Cơ dạy mẫu giáo tại đây kể: Nóc Tăc Ngo có ông già xem bói rất siêu, dùng vòng bạc cà lên bàn tay mình  và phán. Anh mà bị mất tiền, đến ông xem, ông nói chính xác mất bao nhiêu, người lấy tên gì, khi nào, mặc dù từ Măng Lùng sang đó khá xa, và anh chưa từng gặp ông bao giờ. Vì thế, vòng đeo trên tay người già là vật không bao giờ được mua bán, đổi chác.

Ngọc Linh xa xôi ẩn mình trong mây. Ở đó những thước phim của văn minh  mới chạm đến, còn rất sơ sài, bởi đường  đến đỉnh trời đó rất gian nan. Người ta lo sợ khi đã mở đường, xe pháo ầm ĩ, nhất định rừng sẽ bị phá, thì lúc đó văn hóa làng cũng  bị tiêu  tan.

MỚI - NÓNG
Đường qua khu đô thị cao cấp ở Huế như 'bẫy người'
Đường qua khu đô thị cao cấp ở Huế như 'bẫy người'
TPO - Đường Lê Đức Anh đi qua các khu đô thị cao cấp, kiểu mẫu thuộc phường Thủy Vân (TP. Huế) thời gian gần đây luôn trong tình trạng ngập nước, mặt đường bị các phương tiện vận tải cày xới, băm nát nhưng không được duy tu, sửa chữa kịp thời khiến tai nạn xe cộ thường xuyên xảy ra. 
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 5: Hồi sinh quạt cổ
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 5: Hồi sinh quạt cổ
TP - Qua bàn tay khéo léo, kiên trì của người thợ lão luyện, những chiếc quạt cổ sáng bóng trở lại và chạy êm ru. Quạt cổ phả ra làn gió nhẹ, mơn man khiến chủ nhân như đang được ngồi giữa cánh đồng bát ngát. Trong thời buổi con người vật lộn, sống gấp như hiện nay thì ai cũng muốn có được những giây phút thư thái như thế…