> Đề nghị giám sát vụ án oan Bắc Giang
> 6 điều tra viên cùng phủ nhận đánh đập, ép cung ông Chấn
> Ai sẽ bồi thường cho người thụ án oan?
Đối với vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), luật sư Nguyễn Hưng Quang đặt ra giả định, nếu ông Chấn bị xử tử hình sẽ không có cơ hội nào cho các cơ quan nhà nước khắc phục hậu quả oan sai.
Luật sư Quang cho rằng một trong lý do để xảy ra oan sai là do vẫn còn cơ chế liên ngành nội chính: công an, kiểm sát, tòa án thống nhất với nhau phương án giải quyết vụ án. Do cơ chế này nên vai trò đánh giá độc lập, khách quan của từng khâu, từng giai đoạn bị triệt tiêu, tạo ra hiệu ứng domino trong điều tra, xét xử.
Ví dụ, nếu khâu điều tra cho rằng có tội, các khâu còn lại như kiểm sát, tòa án dễ đồng tình theo. Trong một số nghiên cứu liên quan tới việc quản lý tòa án, tỷ lệ khá cao các thẩm phán khi giải quyết vụ án bị ảnh hưởng bởi ý kiến của các cơ quan khác, của lãnh đạo tòa án, ý kiến của tòa án cấp trên. Điều đó dẫn đến các thẩm phán không độc lập khi giải quyết vụ án. Vì vậy, nếu chúng ta duy trì cơ chế này, việc xảy ra oan sai sẽ còn tiếp diễn.
Ông Quang cũng cho rằng cơ chế này sẽ khó xác định trách nhiệm cá nhân trong các vụ án oan sai và không đảm bảo quyền tiếp cận công lý của người dân. Hơn nữa, hiện tại các luật sư rất khó khăn trong việc tiếp cận thân chủ trong giai đoạn điều tra. Vì đó, bị can không có cơ hội phản ánh với luật sư - người mà mình tin tưởng việc có bị ép cung hay không trong quá trình điều tra vụ án.
Về ý kiến cho rằng cần có máy ghi âm, ghi hình trong các cuộc hỏi cung, luật sư Quang cho rằng máy móc chỉ là công cụ. Công cụ không thể tạo ra thiết chế tốt. Vì thế, muốn giảm bớt oan sai không còn cách nào khác phải tăng cường tính độc lập trong điều tra, truy tố, xét xử, cũng như tăng cường vai trò của luật sư trong quá trình tố tụng.