> Khởi tố bác sỹ ném xác khách hàng về hai tội danh
Bác sỹ Tường (áo trắng) chỉ nơi phi tang xác nạn nhân. |
Luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, việc cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội quyết định không khởi tố tội danh Giết người đối với bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường - nghi phạm trong vụ ném xác nữ khách hàng xuống sông Hồng - là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.
Lý do, theo luật sư Hà Đăng, ở điều khoản này, một điều kiện bắt buộc phải chứng minh động cơ, mục đích tước đoạt tính mạng người khác. Song quá trình điều tra, xác minh cho đến nay, cơ quan chức năng nhận thấy chưa hội tụ đầy đủ yếu tố này.
Luật sư có thể nói rõ hơn?
Một điều dễ nhận ra và có thể khẳng định chắc chắn, rằng việc nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền khi đến với cơ sở thẩm mỹ Cát Tường là mong muốn làm đẹp. Ở góc độ bác sỹ, chắc chắn ông Tường cũng chỉ mong muốn dùng tay nghề của mình để phục vụ tốt nhất nhu cầu của chị Huyền. Và như vậy, khi chị Huyền tử vong, về mặt logic, đó là hậu quả nằm ngoài mong muốn của cơ sở thẩm mỹ nói chung, bác sỹ Tường nói riêng.
Về cơ sở lý luận hình sự, một người không cố ý tước đoạt tính mạng người khác, không thỏa mãn tội danh Giết người (quy định tại Điều 93 BLHS).
Luật sư Hà Đăng. |
Nếu không phải tội Giết người, việc cơ quan điều tra khởi tố ông Tường về hai tội danh Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh và Xâm phạm thi thể đã thấu đáo chưa, thưa ông?
Cơ quan điều tra khởi tố ông Tường về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (quy định tại Điều 242 BLHS) là hoàn toàn hợp lý. Điều luật này quy định khá rõ, nếu người nào có hành vi vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người khác, có thể bị xử phạt tù đến 5 năm, rất nghiêm trọng có thể đến 10 năm và đặc biệt nghiêm trọng có thể đến 15 năm tù.
Về hành vi xâm phạm thi thể, căn cứ vào một số thông tin ban đầu, có thể nhận thấy, nạn nhân đã tử vong trước khi có hành vi phi tang (bác sỹ Tường đã gọi về cho vợ để thông báo chị Huyền đã tử vong. Vợ đã khuyên nên trình báo cơ quan công an, nhưng vị bác sỹ đã từ chối). Như vậy, hành vi vứt xác chị Huyền phi tang đã hình thành một tội danh độc lập.
Như vậy, mặc dù chưa tìm hoặc không tìm thấy thi thể nạn nhân, việc xét xử vị bác sỹ này vẫn diễn ra?
Đúng vậy. Cơ quan điều tra hoàn toàn có thể căn cứ vào các tài liệu có trong vụ án, các lời khai của nhân chứng cũng như đồng phạm trực tiếp để chuyển hóa thành chứng cứ buộc tội trực tiếp, có tính định tội. Và trong tình huống này, bác sĩ Tường coi như đã được áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Cũng phải nói thêm, khi áp dụng nguyên tắc này, các tài liệu cũng như lời khai nói trên được coi là duy nhất, không còn bất cứ tài liệu nào khác liên quan đến vụ án.
Ngoài 2 tội danh trên, ông Tường còn có hành vi vi phạm gì không, theo luật sư?
Nhiều đồng nghiệp tôi cũng hay nói đến hành vi Kinh doanh trái phép; Trốn thuế… Về căn bản, tôi đồng ý có những hành vi này. Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến phương pháp xử lý. Có chăng, những hành vi đó chỉ dừng lại mức độ xử lý hành chính, hoặc một biện pháp của một cơ quan chức năng khác (không phải cơ quan điều tra). Để làm rõ điều này, chúng ta cần quay lại cơ quan cấp phép và quản lý trong lĩnh vực y tế, thẩm mỹ để làm rõ hơn.
Cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi!
Có thể khẳng định chắc chắn, rằng việc nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền khi đến với cơ sở thẩm mỹ Cát Tường là mong muốn làm đẹp. Ở góc độ bác sỹ, chắc chắn ông Tường cũng chỉ mong muốn dùng tay nghề của mình để phục vụ tốt nhất nhu cầu của chị Huyền. Và như vậy, khi chị Huyền tử vong, về mặt logic, đó là hậu quả nằm ngoài mong muốn của cơ sở thẩm mỹ nói chung, bác sỹ Tường nói riêng. |