Băn khoăn chất lượng tranh tụng

Băn khoăn chất lượng tranh tụng
TP - Hôm qua, 4/10, TAND Tối cao đã tuyên bản án phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Đình Tiếng. HĐXX bác kháng cáo kêu oan của ông Tiếng, tuyên phạt ông Tiếng 18 năm tù.

> Dấu hiệu lọt tội
> Cần hủy án để điều tra lại vụ 'cựu sỹ quan công an bị tạm giam 7 năm'

Y án sơ thẩm

Kết thúc hai ngày xét xử, thẩm phán Đinh Công Sơn thay mặt HĐXX tuyên đọc bản án phúc thẩm. HĐXX nhận định lời khai của các đối tượng ma túy Bùi Trọng Bảy - Trần Thị Lan về cơ bản phù hợp với nhau, trong khi hai đối tượng này bị tạm giam ở hai nơi khác nhau, từ đó khẳng định Bảy - Lan đã đưa cho ông Tiếng ba lần, tổng cộng 25.000USD, để “chạy án” cho các đối tượng trong đường dây ma túy của Bảy - Lan.

Theo bản án phúc thẩm, hai lần đầu nhận 12.000USD và 8.000USD, ông Tiếng với tư cách trinh sát viên, thư ký ban chuyên án, đã có một số “sai phạm” trong hoạt động trinh sát, dẫn đến một số đối tượng ma túy lọt lưới. Với những “sai phạm” đó, hành vi của ông Tiếng đã cấu thành tội “nhận hối lộ”. Lần nhận tiền thứ ba 5.000USD, ông Tiếng không giúp gì cho Bảy và Lan, vì vậy, hành vi của ông Tiếng cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

HĐXX tuyên phạt ông Tiếng 16 năm tù cho tội “nhận hối lộ”, 2 năm tù cho tội “lừa đảo”. Tổng hợp, ông Tiếng nhận hình phạt 18 năm tù. Đây cũng chính là mức hình phạt ông Tiếng bị tuyên tại phiên tòa sơ thẩm.

Tranh tụng một cách hình thức

Thời gian tạm giam ông Tiếng kéo dài đến năm thứ tám cho thấy dấu hiệu bất thường của vụ án này. Vì vậy, đông đảo người dự tòa, trong đó có cán bộ Ban Nội chính trung ương, các PV báo chí trung ương và Hà Nội chờ mong phần tranh luận sẽ đi vào thực chất; từng luận điểm của bên luận tội và bên gỡ tội sẽ được tranh luận, đối đáp thấu đáo, tạo cơ sở để HĐXX ra một bản án không lọt tội, không làm oan.

Tham gia tranh luận, Luật sư Vũ Quang Ninh (Đoàn luật sư Quảng Ninh) đi sâu vào những chi tiết thể hiện qua hồ sơ vụ án, cho thấy những mâu thuẫn, bất hợp lý trong lời khai của Bảy - Lan, từ đó nhận định những lời khai này không đáng tin cậy. Luật sư Ninh cũng chứng minh việc buộc cho ông Tiếng một số “sai phạm” trong hoạt động trinh sát là khiên cưỡng, không đúng diễn biến thực tế cũng như chức năng, quyền hạn của ông Tiếng.

Luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn luật sư Bắc Giang) liệt kê hàng loạt sai phạm tố tụng của cả CQĐT, cơ quan truy tố, cơ quan xét xử trong vụ án này. “Sai phạm tố tụng khiến hầu hết tài liệu trong hồ sơ không thể được coi là chứng cứ để cột tội ông Tiếng”, luật sư Tú phát biểu.

Nếu như luận cứ bào chữa của hai luật sư Ninh và Tú, cũng như bổ sung của bị cáo Tiếng đi vào từng chi tiết, thì đối đáp của công tố viên lại quá chung chung, không trích dẫn bút lục và điều luật. Thậm chí nhiều vấn đề các luật sư, bị cáo nêu ra, công tố viên không đáp lại.

Chẳng hạn việc cấp tòa sơ thẩm không tống đạt bản án sơ thẩm, cấp tòa phúc thẩm không tống đạt thông báo xét xử phúc thẩm vụ án cho bị cáo, luật sư Tú yêu cầu “việc phát hiện, xử lý thuộc trách nhiệm của công tố viên; chúng tôi đã phát hiện, vậy đề nghị công tố viên xử lý”. Khi đối đáp, công tố viên bỏ qua vấn đề này.

Một ví dụ khác. Luật sư và bị cáo cùng đề nghị khởi tố vụ án “làm sai lệch hồ sơ vụ án” để điều tra về sai phạm của một số điều tra viên và Phó thủ trưởng CQĐT trong vụ án này; riêng bị cáo Tiếng còn đề nghị khởi tố vụ án “che giấu tội phạm” đối với Bùi Trọng Bảy. Những đề xuất này cũng không được công tố viên đáp lại.

Ai tuyên, cứ tuyên!

Khi công tố viên từ chối tranh luận quá nhiều vấn đề, những người dự tòa hy vọng HĐXX sẽ có quan điểm của những người “ở giữa lắng nghe, ai có lý thì công nhận”. Tuy nhiên, bản án được tuyên sau đó khiến người ta thất vọng tiếp.

Hầu hết những luận điểm công tố viên “quên” không đối đáp, rốt cuộc bản án cũng “quên” nốt. Điển hình là việc luật sư và bị cáo đề nghị HĐXX khởi tố Bảy - Lan về hành vi “đưa hối lộ”. Vấn đề này đã được chính một vị hội thẩm nêu ra trong phần xét hỏi, và hứa HĐXX sẽ có quan điểm khi ra bản án, song rốt cuộc bản án đã tuyên lại “quên” vụ án đưa hối lộ!

Những người theo dõi phiên tòa không khỏi băn khoăn trước câu hỏi: Nếu ông Tiếng bị oan, phiên tòa này có cơ hội nào để giải oan cho ông Tiếng không? Và người ta lại nghĩ về Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, nghĩ về Nghị quyết 37 của Quốc hội mới đây nhằm chấn chỉnh hoạt động tư pháp; trước nguy cơ tái diễn những bản án được viết trước theo hồ sơ, phần ra tòa tranh tụng chỉ là hình thức...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.